Có gì đặc biệt mà cả 3 xác gián Đức và bụi Mặt trăng đem bán đấu giá đều bị NASA đòi lại

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 08:22:04

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã yêu cầu dừng một cuộc đấu giá bụi Mặt trăng và xác 3 con gián Đức, đồng thời yêu cầu chủ sở hữu hiện tại trả chúng lại cho NASA.

Nhà đấu giá RR Auction có trụ sở tại Boston (Mỹ) từ ngày 25/5 đã tổ chức bán đấu giá 3 xác gián Đức và khoảng 40 miligam bụi Mặt trăng, nhưng sau đó đã bị NASA yêu cầu dừng cuộc đấu giá này.

Lượng bụi Mặt trăng này được thu thập trong Sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969 và sau đó được sử dụng trong các thí nghiệm cho gián ăn để nghiên cứu xem vật chất Mặt trăng có chứa bất kỳ mầm bệnh nào có thể đe dọa sự sống trên Trái đất hay không.

Các luật sư của NASA cho biết trong một bức thư rằng, tất cả vật chất trong cuộc thí nghiệm đều thuộc về Chính phủ liên bang (Mỹ).

"Theo quy định, tất cả các mẫu vật thu thập được trong Sứ mệnh Apollo đều thuộc về NASA. Không cá nhân, trường đại học hoặc thực thể nào khác được phép giữ lại để phân tích, tiêu hủy hoặc sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, đặc biệt là để bán hoặc trưng bày cá nhân."


Cho gián ăn bụi Mặt trăng

Xác gián Đức và bụi Mặt trăng vừa được đăng bán đấu giá trên trang web chính thức của RR Auction là của cố Tiến sĩ Marion Brooks - một nhà côn trùng học tại Đại học São Paulo (Brazil).

Vào năm 1969, các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 11 đã mang khoảng 47,5 pound (khoảng 21,5 kg) đá Mặt trăng trở lại Trái đất.

Những tảng đá này được cô lập trong buồng chân không trong vài tuần, và sau đó các nhà khoa học nghiên cứu động vật không xương sống đã nhận được khoảng 4,5 pound (khoảng 2 kg) đá Mặt trăng.

Khối lượng đá này được nghiền thành các hạt bụi và được sử dụng để nghiên cứu phản ứng của côn trùng và thủy sinh vật khi tiếp xúc với vật chất Mặt trăng. Bụi Mặt trăng được trộn với thức ăn cho côn trùng ăn và thả vào bể nước cho tiếp xúc với các loài thủy sinh. Trong thí nghiệm này, không có cá thể nào bị chết do tiếp xúc với bụi Mặt trăng.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. NASA đã thuê nhà côn trùng học Marion Brooks để nghiên cứu về phản ứng của loài gián khi ăn bụi Mặt trăng. Vào thời điểm đó, NASA muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về bất kỳ tác động xấu nào mà vật chất ngoài Trái đất có thể gây ra. Những con gián sau đó được chuyển đến Đại học São Paulo để Tiến sĩ Brooks nghiên cứu thêm.

Bụi Mặt trăng mà Tiến sĩ Brooks nhận được được bảo quản trong cơ thể 8 con gián Đức. Một nhóm gián mà bà nghiên cứu được cho ăn bụi Mặt trăng và thức ăn thông thường với định lượng tương đương; và nhóm còn lại được cho ăn bụi Mặt trăng đã khử trùng.


Sau đó, Tiến sĩ Brooks mổ gián và nghiên cứu các phần mô của chúng dưới kính hiển vi, để tìm kiếm dấu hiệu bệnh lý do ăn phải vật chất ngoài Trái đất. Nhưng bà đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu về bệnh tật hay mầm bệnh nào, và quan sát thấy rằng các hạt bụi Mặt trăng không làm hỏng các tế bào dạ dày của gián.


Tiến sĩ Brooks và các nhà nghiên cứu khác đã xuất bản bài viết với tiêu đề "Apollo 11: Sự tiếp xúc của các loài động vật bậc thấp với vật chất Mặt Trăng" trên tạp chí Science vào ngày 31/7/1970, mô tả những nghiên cứu về việc 10 sinh vật bậc thấp đã tiếp xúc với vật chất Mặt Trăng trong 28 ngày nhưng không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào.

Sau đó, Tiến sĩ Brooks đã giữ lại một phần mẫu vật, bài báo về nghiên cứu của mình và bưu thiếp có liên quan… rồi treo trên tường làm kỷ niệm; ở giữa là các hạt bụi Mặt trăng được chiết xuất từ các thí nghiệm sinh học đó và xác 3 con gián Đức.

Năm 2007, Tiến sĩ Brooks qua đời. 3 năm sau, những kỷ vật này cũng được đem bán đấu giá lần đầu tiên.


Cuộc đấu giá lần này của nhà đấu giá RR Auction được bắt đầu từ ngày 25/5/2022, ước tính thu được hơn 400.000 USD. Nhưng NASA đã yêu cầu dừng cuộc đấu giá, và sau đó thông tin đấu giá về xác 3 con gián Đức và bụi Mặt trăng đã được gỡ khỏi trang web của RR Auction.

Theo tờ Business Insider, cuộc đấu giá đã bị đình chỉ, nhưng những vật chất không gian này vẫn chưa được trả lại cho NASA. Trong một bức thư vào ngày 22/6, các luật sư của NASA đã yêu cầu RR Auction làm việc với các chủ sở hữu hiện tại để trả lại các vật chất này.

Chia sẻ Facebook