'Cố gắng cao nhất triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới'
Ngày 4/8, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học.
Năm học khó khăn với nhiều kết quả đáng khích lệ
Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Bộ GDĐT kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai dạy học duy trì chất lượng, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Các văn bản về tinh giảm chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, bảo đảm yêu cầu đầu ra của chương trình GDPT; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với nỗ lực của toàn ngành, các cơ sở giáo dục, toàn quốc đã hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 với chất lượng giáo dục được duy trì, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Theo báo cáo của các Sở GDĐT, hầu hết các địa phương đã kết thúc năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch.
Về triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6; đặc biệt đối với các môn học/hoạt động giáo dục mới như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trong năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 7, lớp 10 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 6. Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.
Bộ GDĐT đồng thời chỉ đạo các địa phương giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục đối với các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm tính kết nối với Chương trình GDPT 2018.
Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018, được tổ chức thường xuyên. Các Sở GDĐT cũng chủ động, linh hoạt trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018.
Bộ GDĐT đã tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý giao quyền cho các cơ sở giáo dục được xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng cơ sở giáo dục, địa phương. Công tác quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp được thực hiện khá tốt, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Năm học 2022-2023, giáo dục trung học sẽ tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác.
Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Cố gắng cao nhất triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở GDĐT, phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở, đại diện một số trường THPT đã đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ GDĐT.
Các vấn đề được thảo luận tập trung nhiều vào điều kiện và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ; lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; lựa chọn tổ hợp môn học; bồi dưỡng giáo viên… Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ đã chia sẻ, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của địa phương, nhà trường liên quan đến nội dung trên và một số vấn đề giáo dục khác.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong năm học vừa qua, đồng thời cho rằng: Năm học 2022-2023 diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn năm học trước, khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt; bởi vậy, cần đặt ra mục tiêu là chất lượng giáo dục tương xứng với tiềm năng của ngành và sự đầu tư của nhà nước, của địa phương.
Liên quan đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng đưa yêu cầu phải cố gắng cao nhất triển khai thành công chương trình mới một cách khoa học, hiệu quả, nhất là với lớp 10. Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng cho rằng cần bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; dành những gì ưu tiên nhất cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt với lớp 10, cần bố trí thầy cô tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực để có thể triển khai tốt nhất chương trình mới.
Một trong những yếu tố làm nên chất lượng đội ngũ chính là từ công tác tập huấn, bồi dưỡng. Do đó, Thứ trưởng đưa ra yêu cầu với việc tập huấn bảo đảm tính hiệu quả; phát triển đội ngũ giáo viên bằng bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường với việc tăng cường kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm tra, đánh giá; đổi mới công tác quản lý và xây dựng văn hóa nhà trường… cũng là những lưu ý của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đối với giáo dục trung học trong năm học mới.
Với những kết quả đạt được từ năm học 2021-2022, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, Thứ trưởng tin tưởng toàn ngành đã sẵn sàng cho một năm học mới và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu đề ra.