Cô gái trồng tảo xoắn 'made in Đà Nẵng'

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:48:04

Biết đến thương hiệu tảo xoắn của Đinh Nguyễn Hoàng Thư (33 tuổi), nhiều người không khỏi nể phục trước nỗ lực của cô gái trẻ trên hành trình tạo ra sản phẩm tảo xoắn của riêng mình.

Thư cùng thương hiệu tảo xoắn “made in Đà Nẵng” của mình ngày càng được biết nhiều hơn trên thị trường và qua nhiều cuộc khi khởi nghiệp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN


Vượt qua những ngăn cản từ phía gia đình, từ bỏ công việc ổn định, Thư bắt đầu khởi nghiệp bằng một niềm tin nhất định bản thân sẽ làm được.


Biến sân thượng thành "phòng lab"

Trồng tảo xoắn (spirulina) vốn là một khái niệm khá xa lạ nhiều năm trước với người Việt. Gia đình và bạn bè của Thư lúc ấy tròn mắt ngạc nhiên khi cô gái nhỏ nhắn đang kinh doanh xưởng làm bánh gia truyền lại quyết đi... trồng tảo.

Thư tâm sự rằng có lẽ nghề chọn mình. Biết đến tảo xoắn trong một lần tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung cho ông ngoại đang mắc bệnh ung thư, chị tìm hiểu rất kỹ về tỉ lệ dinh dưỡng cũng như công dụng của tảo xoắn và nhờ người quen đặt mua loại tảo này ở Nhật Bản về cho ông ngoại dùng.

Sau một thời gian, nhận thấy tình hình sức khỏe của ông khá lên nhờ ăn uống ngon miệng và tiêu hóa tốt, Thư nói mình như "bị tảo bỏ bùa" rồi dành suốt một năm để nghiên cứu và đến năm 2016 thì quyết định khởi nghiệp nhân giống tảo tại nhà.

"Lúc biết mình quyết định trồng tảo, ba mẹ phản đối kịch liệt bởi gia đình ai cũng muốn mình nối nghề. Nhưng mình thấy có niềm tin khi đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu về tảo xoắn, cộng thêm nền tảng đã học cả quản trị kinh doanh, sinh học và thực phẩm. Mình bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ Nhật và mày mò đổi mới, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện Việt Nam" - Thư nhớ lại.

Từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, sách vở và qua Internet, Thư bắt đầu biến sân thượng thành "phòng lab" để nghiên cứu trồng tảo.

Chị cho biết hệ thống nuôi kín để trồng tảo theo công nghệ Nhật rất đắt đỏ, nên nếu trồng theo công nghệ ấy thì đương nhiên giá tảo sẽ rất đắt và khó có thể đưa ra thị trường Việt Nam.

Thế nên Thư đã cải tiến áp dụng mô hình riêng của mình có tên OCP (open - close - plus), kết hợp cả nuôi hở để giảm chi phí và nuôi kín để đảm bảo chất lượng tảo và năng suất. Tảo được nuôi trong các bể bêtông kín lát đá, trang bị lưới chống bụi và côn trùng.

Nhưng khó khăn tiếp nối khi tảo nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ nên thường bất ngờ bị sốc nhiệt. Có đợt mấy hồ tảo chuyển màu vàng trong chỉ vài phút.

Nếm đủ từ hoang mang, nản chí, có khi tính bỏ cuộc nhưng niềm tin mình đã đi đúng hướng vẫn thôi thúc Thư không dừng lại. Tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục thay đổi, để sau nhiều thất bại, Thư cũng nhân giống tảo xoắn thành công.

Vượt qua khó khăn về công nghệ để có sản phẩm thì Thư lại gặp phải khó khăn về giá cả. Thời gian đầu khi lập cơ sở sản xuất nhỏ, giá tảo đưa ra thị trường vẫn chưa thể khiến khách hàng chấp nhận. Khách hàng có sự so sánh giá với các dòng tảo giá rẻ viên nén của Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhưng Thư không bỏ cuộc. Chị mang sản phẩm của mình đi giới thiệu, quảng bá ở các cuộc thi, hội chợ, triển lãm, tạo dựng các nhà phân phối, bán theo thị trường ngách. Đến nay, nhờ chất lượng sản phẩm tốt và giá cả hợp lý, thương hiệu tảo xoắn của chị dần có được lượng khách hàng ổn định.


Thành công nhất là... vượt khó thành công

Năm 2019, Thư thành lập Hợp tác xã công nghệ cao Mặt Trời Việt, xây dựng cơ sở nuôi trồng tảo xoắn, đầu tư máy móc để hiện đại hóa quy trình chế biến tảo tươi.

Tảo sau khi thu hoạch sẽ được sấy lạnh đối lưu để đảm bảo giữ nguyên vẹn chất dinh dưỡng. Ngoài sản phẩm tảo tươi và tảo sấy lạnh, Thư vận dụng kinh nghiệm từ nghề sản xuất bánh của gia đình để kết hợp tạo ra nhiều dòng bánh từ tảo.

Tất cả những sản phẩm từ tảo xoắn của Hợp tác xã công nghệ cao Mặt Trời Việt đều mang thương hiệu SpiDana (Spi là tên loại tảo spirulina, Dana là viết tắt của Đà Nẵng).

Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành toàn quốc và được phân phối tại nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Hiện Thư đã chuyển giao công nghệ cho một số nơi ở Việt Nam.

Thư chia sẻ dù thành công hiện tại chưa quá lớn nhưng chiến thắng lớn nhất của chị là vượt qua những giây phút nản chí để theo đuổi mục tiêu.


"Tôi nghĩ một người khởi nghiệp ngoài yếu tố con người, sức khỏe và đồng vốn thì phải có ý chí hơn người khác. Khi vấp mà bỏ cuộc, không đam mê và yêu thích công việc của mình thì không thể nào làm được. Việc lắng nghe ý kiến góp ý của người khác để dần điều tiết những điểm thiếu sót của mình cũng là điều cần thiết" - Thư bày tỏ.


Chất lượng sản phẩm được ghi nhận

Sản phẩm tảo xoắn sấy lạnh của Hợp tác xã công nghệ cao Mặt Trời Việt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP Đà Nẵng năm 2019, sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố năm 2020, sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng (Danang Value) năm 2021.

Mới đây, dự án khởi nghiệp của Thư xuất sắc nằm trong top 30 start-up tiêu biểu trong chương trình Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.

Hôm nay 13-3, Ngày hội nông thôn mới 2022 được Thành đoàn TP.HCM đồng loạt tổ chức tại 5 huyện của TP.HCM với nhiều hoạt động dành cho người dân ngoại thành.

Chia sẻ Facebook