Cô gái trẻ nhờ bác sĩ phá giúp cái 'ngàn vàng' để lấy noãn gửi vào ngân hàng

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 14:41:35

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết xu hướng chị em tìm tới các cơ sở hỗ trợ sinh sản để xin gửi trứng ngày càng tăng. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười từ chuyện gửi trứng.

Minh T. (24 tuổi, ở TP. HCM) làm việc cho một công ty của Mỹ với mức lương rất cao, song guồng quay công việc không cho phép cô có thời gian để yêu đương. Đã từng du học ở nước ngoài, tham khảo nhiều tài liệu, nên T. thấy cần thiết phải gửi trứng vào ngân hàng để chờ thời điểm thích hợp mới sinh con.

Khi biết được bệnh viện Từ Dũ có ngân hàng lưu trữ trứng, cô đã đến đăng ký và bỏ ra một số tiền lớn để làm thủ thuật lấy trứng; sau đó, trứng được trữ lạnh trong ngân hàng.

Khi gửi trứng nghe rất đơn giản như mang "tiền gửi ngân hàng" nhưng thực tế, T. mất rất nhiều lần để thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, tiêm thuốc và chịu đựng những đau đớn khi can thiệp vào cơ thể.

Gửi trứng tuổi trẻ để sinh con tuổi trung niên.

Nhưng với quyết tâm cao cho chuyện làm mẹ trong tương lai, T. dự định vào lúc 35 tuổi khi kinh tế đã vững, sự nghiệp thăng tiến cô sẽ sinh con bằng trứng trữ đông mình đã gửi. Quyết định của T. cũng được ba mẹ cô ủng hộ vì họ cũng đều là người tân tiến, sống ở nước ngoài nhiều năm, họ không yêu cầu cô phải lấy chồng, sinh con thật sớm như nhiều gia đình khác.

Nguyễn K.O. (25 tuổi, ngụ tại TP.HCM) tìm tới bác sĩ xin gửi trứng. O. chia sẻ cô đang làm bộ phận kinh doanh cho một công ty xuất nhập khẩu hàng nhôm nhựa, thu nhập ổn định, cơ hội thăng tiến lớn nhưng K.O. ngại lấy chồng.

O. tìm hiểu phụ nữ sinh con đẹp nhất ở tuổi dưới 30 nên cô nghĩ tới việc trữ đông trứng, bảo quản trứng tốt nhất của mình để chục năm sau sinh con cũng tốt hơn.

K.O. cũng chia sẻ chị họ của cô kết hôn muộn, chờ mãi không có thai đi kiểm tra mới biết buồng trứng đã bị suy, trứng lép nên có con khó, chất lượng trứng cũng kém. Cô muốn gửi noãn để bảo toàn cho tương lai.

Thạc sĩ Thịnh cho biết việc gửi noãn chẳng có gì khó khăn nhưng đây là một câu chuyện dở khóc dở cười trong cuộc đời hành nghề của bác sĩ. Có cô gái còn quá trẻ và đặc biệt vẫn còn trinh tiết, nhờ bác sĩ "phá" cái 'ngàn vàng' để lấy noãn gửi vào ngân hàng.

Ai cũng biết thời điểm sinh con tốt nhất của một người phụ nữ là từ 20 đến dưới 35 tuổi. Tuy nhiên do nhu cầu và quan điểm sống nên nhiều người muốn sinh con muộn hơn và muốn trứng của mình vẫn trong thời kỳ khoẻ mạnh nhất.

Theo thời gian khi phụ nữ càng lớn tuổi trứng cũng bắt đầu già đi và số lượng giảm đáng kể, làm giảm khả năng thụ tinh.

Một số chuyên gia cho rằng trứng già nhanh gấp đôi so với tuổi thực, khi trứng già sẽ mất đi năng lượng nên việc thụ thai cũng giảm đi vì thế kỹ thuật “trữ trứng” ra đời để đáp ứng nhu cầu này.

BS Thịnh cho biết đông lạnh trứng là kỹ thuật bảo quản trứng trong điều kiện lạnh sâu bằng hơi ni tơ hoặc ni tơ lỏng, trong thời gian dài để sử dụng về sau.

Sau khi hỏi về tuổi tác, nhu cầu và lý do vì sao khách hàng quyết định phải thực hiện “trữ trứng” trong thời điểm này, khách hàng cho rằng do có nhu cầu sinh con muộn nên cần nhờ bác sĩ giúp.

Đây là nguyện vọng bình thường, kỹ thuật cũng không quá cao siêu nhưng bác sĩ đành từ chối khi khách hàng nói rằng "em vẫn còn trinh đấy nhé, anh có cách nào lấy trứng cho em".

Bác sĩ đã bối rối trước một tình cảnh dở khóc dở cười vì thật ra kỹ thuật “trữ trứng” là một kỹ thuật không quá phức tạp nhưng phải qua đầu dò ngã âm đạo sẽ gây rách màng trinh.

BS Thịnh từ chối khách hàng khuyên cô gái trẻ nên về nhà tận hưởng cuộc sống của tuổi trẻ, tìm người yêu thay vì vội vàng muốn can thiệp phá trinh để gửi trứng.

Việc gửi trứng vào ngân hàng, giữ lại trứng tốt, chất lượng nhất được nhiều phụ nữ hiện đại áp dụng. BS Thịnh cho rằng nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, đến 40 tuổi mới mang thai, trứng được rã đông sau vài chục năm vẫn là chất lượng trứng ở độ tuổi 20.

Do đó, thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố do thai phụ lớn tuổi gây ra như bệnh down, bất thường nhiễm sắc thể… Trứng có thể được trữ không giới hạn thời gian và chưa có ghi nhận bất thường nào nếu để quá lâu.


Khánh Chi

Chia sẻ Facebook