Cô gái trẻ có 7 loại giun sán ký sinh trong người vì mê loại rau mà nhiều người Việt ưa thích

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:33:47

Cô gái 26 tuổi ở Quảng Bình bị ngứa suốt nhiều năm liền, đã chữa bằng thuốc, tắm các loại lá cây nhưng không cải thiện, đến viện mới phát hiện ra bệnh.


Ngày 3/7, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khoa vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân trẻ tên C. (26 tuổi, quê Quảng Bình ) vào khám vì ngứa da. Bệnh nhân bị ngứa nhiều năm nay đã chữa đủ các loại từ tắm lá cây, thuốc bôi, thuốc uống nhưng không hết.

Bệnh nhân tới viện khám trong tình trạng da trầy xước vì ngứa. Bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với 7/9 loại giun sán phổ biến nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.

Sán ký sinh trong cơ thể người. Ảnh: Báo Dân Trí.

Nữ bệnh nhân chia sẻ, cô không ăn các loại thịt sống hay thực phẩm làm từ thịt sống, tái. Tuy nhiên, bệnh nhân lại nghiện rau sống. Dù ăn ở nhà hay hàng quán cô cũng chọn ăn thêm nhiều rau sống. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới nhiễm ký sinh trùng.

Bác sĩ Thiệu cho biết với các loại ký sinh trùng này, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc trị giun sán các loại và tiếp tục theo dõi.

Bệnh nhân chỉ phát hiện sán và ký sinh trùng gây tổn thương trên da, chưa có tổn thương trong cơ và não.

Theo bác sĩ Thiệu, số lượng ca nhiễm ký sinh trùng trong thời gian gần đây có xu hướng tăng lên. Ngoài môi trường sống, thói quen ăn uống, tiếp xúc với đất, cát làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi có biểu hiện ngứa lâu ngày, rối loạn tiêu hóa… nên kiểm tra ký sinh trùng để điều trị dứt điểm, hạn chế ăn thực phẩm sống, rau sống đặc biệt là rau thủy sinh, quản lý phân của chó, mèo để tránh nhiễm giun sán từ vật nuôi này.


Cách phòng ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng

Để phòng, ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, BS Lê Văn Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc:

- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh.

- Ăn chín, uống sôi.

- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.

- Nên uống thuốc giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ).

Trúc Chi

Chia sẻ Facebook