Cô gái khuyết tật bán trứng mưu sinh, tích góp tiền hỗ trợ, tới từng hộ nghèo giúp đỡ
Dù bị khuyết tật do chất độc màu da cam, chị Trịnh Thị Thủy luôn vượt lên chính mình và để dành những suất quà hỗ trợ cùng tiền tới những người có hoàn cảnh khó khăn khác.
Cô gái khuyết tật mồ côi: bán trứng mưu sinh, dành tiền cho những người khó khăn hơn mình
Đến đầu ngõ 165 Chợ Khâm Thiên (Q. Đống Đa, Hà Nội), người ta vẫn thường thấy hình ảnh một phụ nữ khuyết tật ngồi co ro trong góc để bươn chải bằng nghề bán hàng. Mái tóc tém, tay chân co quắp, vóc dáng nhỏ bé – đây là những đặc điểm ở chị Trịnh Thị Thủy (1978), nạn nhân của chất độc màu da cam.
Hỏi thăm nhiều người, ai cũng kể về chị là một người có lòng nhân ái, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Người phụ nữ khuyết tật tự thân nuôi mình
"Mười nghìn ba quả trứng cho tròn nhé" – giọng chị Thủy cất lên hơi líu, không rõ chữ. Chị Trang bán đậu phụ ngồi bên cạnh lấy giúp trứng, bỏ vào túi rồi đưa cho khách. Chậm hơn một lúc, chị Thủy cũng mới thu xong được tiền.
Đã gần 6h tối, số trứng bày trước mặt chị chẳng vơi đi là bao. Chị Thủy cho biết, mình đã ngồi ở đây được 7 năm. Với một chục trứng, chị lãi được 2000 đồng. Số tiền dù ít ỏi, nhưng hàng ngày chị luôn cố gắng làm để tự thân nuôi mình. Người ta vẫn hay trêu chị bằng một cái tên hài hước khác: "Cô Vàng Mã". Bởi ngoài bán trứng, chị Thủy còn bán vàng mã vào buổi sáng.
Người phụ nữ luôn nở một nụ cười đầy lạc quan giữa hoàn cảnh khó khăn.
6h sáng, người ta nghe thấy tiếng bánh xe lê dài trên mặt đường. Ai cũng biết đó là âm thanh phát ra từ chiếc xe đẩy bằng sắt của người phụ nữ kém may mắn. Dù dáng đi khuệnh khoạng như sắp ngã, song chừng đó khó khăn chẳng thể khiến người phụ nữ 44 tuổi nản lòng. "Những lúc nắng nóng, người tôi như con rết nằm bẹp trên sàn" , chị nói.
"Có hôm bán hàng mã, có người đến mua ủng hộ và cho tôi tiền thừa nhưng tôi không lấy. Tôi không bao giờ lấy tiền thừa dù chỉ một đồng".
Chị Thủy tâm sự, bố mẹ chị đều đã mất được hơn 20 năm. Ba người con đều bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam là kết quả sau 12 năm người bố chiến đấu vì Tổ Quốc. Đến nay, dù ở chung mái nhà với gia đình anh trai, chị Thủy vẫn rạch ròi chuyện ăn uống, sinh hoạt, tiền điện nước. Bởi theo chị: "Ai cũng khổ và có gia đình riêng, nên tự mình vượt lên chính mình, không muốn nhờ vả ai cả".
Theo bước chân loạng choạng đi sâu vào trong ngõ, ngôi nhà chật chội chị Thủy ở hiện lên. Dù không thấy được rõ cách bày trí của ngôi nhà, do chất đầy đồ sinh hoạt, nhưng hiện ngay trước mắt là hai gian bếp phân chia rõ rệt. Gian phải lớn hơn là nơi nấu nướng của gia đình anh trai; còn gian trái đơn giản thuộc về chị.
Người phụ nữ này luôn tự thân một mình lo chuyện nấu nướng, ăn uống và dọn dẹp. Sinh hoạt cá nhân tách biệt là vậy, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn luôn hòa đồng, hỗ trợ nhau. Chị vẫn cố gắng chăm lo tận tình cho người anh trai bị tai nạn nằm một chỗ đã nửa năm nay. Thậm chí, khi rảnh, chị còn bồng bế, trông giúp đứa cháu nhỏ mới sinh 19 tháng.
Thấy chị tích cực, lạc quan, tốt bụng; hàng xóm càng thương chị hơn những lúc chị ốm đau. Mà cái đau của người bị bệnh diễn ra "như cơm bữa" và nghiêm trọng.
Là hàng xóm chứng kiến cuộc sống của chị Thủy qua từng ngày, cô Huyền kể lại: "Thủy lắm bệnh, khó khăn. Lắm lúc đang thái thức ăn còn giật ngửa lên. Khuyết tật như thế, mà tự kiếm, tự nuôi, tự thân mình làm hết." . Chị Hồng Vân (cháu gái chị Thủy) tâm sự: "Dì lắm lúc đang đi cũng ngã ra đường. Có hôm còn lăn đùng vào cửa nhà người ta".
Đặc biệt hơn, không chỉ nỗ lực tự nuôi chính mình, người phụ nữ khuyết tật này còn dành tiền hỗ trợ của mình và tìm nhiều cách khác để giúp đỡ bao hoàn cảnh khó khăn.
Tình thương ấm áp của người phụ nữ khuyết tật
Bước chân vào một ngách nhỏ, ngôi nhà với biển tặng "Nhà Tình Nghĩa" hiện lên một vẻ ấm cúng. Nhìn thấy chị Thủy, cụ Vũ Thị Vọng (SN 1939) vui mừng đứng dậy.
Ngôi nhà đơn xơ, được lợp mái tôn cẩn thận là món quà chị Thủy góp phần dành tặng cho bà cụ số khổ. Cụ Vọng cho biết, căn nhà cụ ở trước kia đã sớm lụp xụp, dột nát.
Biết được hoàn cảnh, chị Thủy đã nhanh chóng liên hệ với Hội Người khuyết tật quận Đống Đa để tìm nhà tài trợ giúp đỡ. May thay, ngôi nhà dột nát đến mức "nước mưa chảy như ngoài sân" đã được lợp mái tôn và sơn lại vào năm 2012.
"Nhờ Thủy giúp mà tôi cũng đỡ khó khăn, cái nhà cái cửa đỡ dột. Cháu từ xưa đến nay tàn tật như thế này. Tôi thương hoàn cảnh cháu, mà cháu lại thương hoàn cảnh tôi già yếu rồi giúp đỡ. Tôi mang ơn cháu mãi. Thủy tuy thế nhưng đều hướng về mọi người, chứ có hướng cho bản thân đâu"
Không chỉ liên kết hỗ trợ sơn lại nhà và lợp mái, cụ Vọng còn thường xuyên được chị Thủy biếu trứng và thuốc thang khi ốm đau.
Chia tay cụ Vọng, chị Thủy đẩy xe trứng về gần đến nhà, thấy chiếc xe máy cà tàng đã dựng một góc.
"Này! Cầm lấy", chú Lê Văn Thắng (1961) dúi túi thịt vịt nhỏ vào tay chị Thủy. Từ ngày được chị hỗ trợ lương thực, quà bánh thời điểm dịch Covid-19 vào tháng 7/2021, chú Thắng luôn biết ơn và thường xuyên gửi lời hỏi han. Khi gặp khó khăn, nhận được sự giúp đỡ, chú Thắng vô cùng cảm động.
Từ Tết đến nay, bà Trần Thị Giang (1951) cũng đã được chị Thủy giúp đỡ nhiều lần. Khi mì, gạo, trứng; khi thuốc, tiền; bà Giang với đôi mắt bị bệnh chỉ nhìn thấy lờ mờ cũng được động viên, an ủi phần nào.
"Thủy thực sự là người tốt. Mới đầu tôi cũng không biết đâu. Tôi đi mua trứng, xong cô Bích bán phở ngoài ngõ bảo "Thủy biết hoàn cảnh của bà thì Thủy giúp đỡ cho bà đi". Từ đấy Thủy cứ giúp đỡ cho tôi". -
Không chỉ cụ Vọng, bà Giang, chú Thắng; mà còn biết bao hoàn cảnh khốn khổ khác được chị Thủy dang tay trợ giúp. Là người khuyết tật bẩm sinh do chất độc màu da cam, chị Thủy thỉnh thoảng được nhận trợ cấp từ cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, với tấm lòng nhân ái, chị lại tìm những người có hoàn cảnh khó khăn khác để cho đi. Đa phần những trường hợp chị trao yêu thương đều là người già neo đơn, người vô gia cư và trẻ em.
Để nắm bắt được thông tin chính xác, chị Thủy đã liên hệ với cán bộ phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) để xin danh sách số điện thoại những hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chị liên kết với một bạn tình nguyện để đến từng hoàn cảnh hỗ trợ. Nhằm chứng minh độ uy tín, chị còn lập danh sách, nhờ mọi người kí xác nhận để gửi lời phản hồi đến các nhà tài trợ.
Tháng 7/2021, chị được nhận hỗ trợ quà và tiền bạc. Không giữ cho mình một khoản nào, chị quyết định phân chia và gửi tới nhiều người nghèo. Không dừng lại, chị Thủy còn gửi 300 quả trứng đến công an phường Trung Phụng để dành tặng tới những hộ gia đình khó khăn trong đợt dịch Covid.
Trong hoàn cảnh đó, chi hội phường Trung Phụng đến mua trứng làm thiện nguyện, chị Thủy cũng không ngần ngại lấy giá gốc và tặng thêm. Được chủ tịch Hội Người khuyết tật Việt Nam tặng một suất quà, chị cũng "chia hẳn một thùng mì tôm cho ba người". Chẳng mang mục tiêu lớn lao, chị Thủy mỗi lần sẵn sàng trao đi, đơn giản chỉ vì "cảm thấy rất nhẹ nhàng, thoải mái và vui vẻ".
"Nhiều người bị khuyết tật cứ nghĩ đến chính cái cảnh ngộ mà họ bị. Nhưng tôi thì không. Đừng bao giờ nghĩ đến bệnh tật khi mình đã bị ảnh hưởng, đặc biệt bởi bố mình là người đã chiến đấu vì đất nước".
Theo Trang Trần – Đặng Long
Nhịp Sống Việt