Cô gái GenZ "mê" sống tối giản: 5 năm không dùng giấy, tìm đủ mọi cách để bảo vệ môi trường bất chấp lời ra tiếng vào
Nữ blogger luôn khuyên mọi người rằng: 'Nên cố gắng tìm thấy sự cân bằng giữa việc yêu thương bản thân và trân quý Trái đất'.
“Nhiều người sẽ cảm thấy tiết kiệm một chai nước suối, không dùng một chiếc ống hút cũng chẳng có tác dụng gì. Tôi nguyện tin rằng mỗi một chiếc ống hút đều có thể cứu được một chú rùa biển ngoài khơi xa. Mặc dù không thể thay đổi quá nhiều, nhưng cứu được một con động vật cũng là có ý nghĩa. Nên cho dù là một mảnh nylon nhỏ nhoi, tôi cũng sẽ tiết kiệm”.
Cuộc sống "không giấy"
Nếu trong nhà không có giấy, cuộc sống sẽ có những thay đổi gì?
Đối với những người quen sử dụng giấy vệ sinh, giấy in ấn, túi giấy, thì cuộc sống không có giấy thật sự khó tưởng tượng nổi. Hẳn rằng không ít người đều trải qua một lần vào nhà vệ sinh bị hết giấy hoặc quên mang giấy.
Nhưng đối với blogger bảo vệ môi trường @Một chiếc túi , sự thiếu vắng giấy gần như không ảnh hưởng đến cuộc sống của cô. Hơn nữa, cô đã không dùng giấy hơn 5 năm nay.
Hơn 2 năm vừa qua, nữ blogger dùng vòi xịt thay thế cho giấy vệ sinh.
Dùng khăn thay thế cho giấy ăn và giấy nhà bếp. Đương nhiên, đối với những bề mặt quá bẩn, cô sẽ dùng áo thun cũ hoặc quần thun bỏ đi để làm khăn lau.
Những lúc hắt xì hơi hoặc chảy nước mũi, cô sẽ chạy vào nhà vệ sinh để dùng nước rửa. Nếu như đang ở ngoài đường, cô sẽ dùng chiếc khăn sạch lúc nào cũng chuẩn bị trong túi.
Nếu có khách đến nhà thì làm sao?
Những lần đi mua đồ ăn đựng bằng hộp của mình, cửa hàng thường cho thêm khăn giấy. Cô sẽ mang giấy này về nhà để dành phòng cho những lúc có bạn bè đến nhà chơi.
Ngoài ra, nữ blogger gần như không sử dụng giấy văn phòng phẩm, vì những việc cần dùng đến giấy hầu như đều có thể hoàn thành bằng máy tính.
Nếu phải viết danh sách mua sắm hoặc để lại lời nhắn cho bạn cùng phòng, cô sẽ viết trên mặt sau của những hóa đơn đã mua trước đó.
“Cai” sử dụng giấy hơn 2 năm, một người thích bảo vệ môi trường như nữ blogger, đã loại bỏ hết những thói quen không tốt, vì thế lúc nào cũng tràn đầy cảm giác thành tựu và hạnh phúc.
Ngoài chủ nghĩa bảo vệ môi trường, nữ blogger còn yêu thích phong cách sống lành mạnh.
Thấm nhuần thói quen tiết kiệm và bảo vệ môi trường từ nhỏ
Nữ blogger tên thật là Tô Nhất Cách, năm nay 24 tuổi, dân mạng thường gọi cô với cái tên dễ thương là Đại Tử (tạm dịch: chiếc túi).
Khi còn đi học ở Toronto (Canada), Đại Tử đã bắt đầu cuộc sống bảo vệ môi trường. Tư tưởng này đã được thấm nhuần từ nhỏ bởi cách giáo dục của bố mẹ.
Đại Tử lớn lên trong gia đình luôn đề cao thói quen tiết kiệm, từ nhỏ đã biết dùng túi thân thiện với môi trường. Mẹ cô sở hữu tủ quần áo với những bộ đồ có tuổi đời hơn 10 năm, dùng chiếc quạt máy gần 20 năm.
Đại Tử nhớ thuở nhỏ, mỗi lần lười nấu cơm, bố sẽ cầm chiếc nồi trong nhà ra thẳng cửa hàng gần nhà mua món ăn mang về. Như vậy, vừa giảm thiểu sử dụng túi nylon và hộp nhựa vừa tốt cho sức khỏe.
Cứ như thế, Đại Tử lớn lên với những thói quen tiết kiệm. “Bất kể giàu hay nghèo, lãng phí là một chuyện đáng xấu hổ” , quan niệm này đã ăn sâu trong tiềm thức của nữ blogger.
Tuy nhiên, thời điểm này, Đại Tử vẫn chưa có ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường, cho đến khi lên cấp 3, cô xem được bộ phim tài liệu “Vương quốc nhựa” (Plastic China: một bộ phim tài liệu Trung Quốc năm 2016 mô tả cuộc sống của hai gia đình kiếm sống bằng rác thải nhựa nhập khẩu từ các nước phát triển).
Đại Tử bắt đầu cuộc sống bảo vệ môi trường trên mọi phương diện ở những năm đại học ở Toronto, nơi có siêu thị cung cấp hoạt động đổi chai nhựa lấy tiền hoặc đồ dùng thay thế. Nhờ đó, cô đã đổi về không ít màu vẽ phục vụ cho khóa học mỹ thuật của mình.
Khi muốn trồng hoa, cô có thể xin cây con của hàng xóm chiết ra và đôi bên cùng trao đổi kinh nghiệm trồng cây.
Đại Tử còn tham gia nhóm bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm phân loại rác thải và những kiến thức làm sao để trái đất xanh sạch đẹp hơn.
Tiết kiệm nhưng không phải cứng nhắc, gò bó cuộc sống trở nên khắc khổ
Tháng 4/2020, Đại Tử bắt đầu chia sẻ những clip bảo vệ môi trường trên nền tảng Bilibili.
Giảm thiểu bao bì
Trừ tình huống bất khả kháng như cách ly trong đại dịch thì cô kiên quyết không đặt đồ ăn qua mạng, không uống nước đóng chai.
Nếu không muốn nấu cơm, Đại Tử sẽ mang hộp ra quán mua mang về.
Khi mua sắm trên mạng, Đại Tử sẽ ghi chú trong hồ sơ rằng: Bảo vệ môi trường, xin đừng tặng quà, đừng đóng gói quá đà, tổn thất tôi tự chịu, vẫn sẽ đánh giá tốt.
Tự chế và sử dụng đồ thân thiện với môi trường
Ngoài việc hạn chế sử dụng bao bì, Đại Tử còn tự làm rất nhiều thứ, thay thế cho đồ nhựa dùng một lần.
Đại Tử tự làm khăn lau, sáp ong, tùng hương. Cô còn tự chế bột giặt đồ, nước xả vải.
So với nhiều người đắn đo không biết mua loại dầu mỹ phẩm nào, Đại Tử lại đơn giản đến khó tin. Cô sử dụng dầu trái bơ, dầu hạt nho, dầu ô liu… Thậm chí cô còn hạn chế dùng mỹ phẩm chăm sóc da vì quan niệm rằng rèn luyện cơ thể, sống lành mạnh là căn nguyên của cái đẹp.
“Sản phẩm bảo vệ môi trường đúng đắn nhất không phải là những thứ tôi chia sẻ trong clip, mà chính là những sản phẩm bạn đã và đang dùng. Tái chế và tái sử dụng đã là biện pháp bảo vệ môi trường thực tế nhất rồi”.
Mua đồ secondhand
Ngoài giảm thiểu sử dụng nhựa, mua đồ secondhand cũng là một nguyên tắc sống của Đại Tử.
Hầu như đồ dùng nội thất và quần áo (trừ nội y), Đại Tử đều “nhặt” về hoặc mua qua tay.
Ví dụ như khi học ở Toronto, Đại Tử đã mua 4 chiếc ghế gỗ thật qua tay, giá bán ở cửa hàng 1.000 NDT (hơn 3,4 triệu đồng), nhưng cô chỉ tốn 250 NDT (hơn 850 nghìn đồng) cho 4 chiếc. Tốt nghiệp về nước, cô còn có thể thanh lý lại.
Ở Thượng Hải năm 2021, Đại Tử đến chợ đồ cũ mua được nguyên một bộ dụng vụ “chất chơi” mà chỉ tốn 1.000 NDT. Chỉ cần xử lý sạch, đều có thể dùng trang trí nhà, vừa tinh tế vừa tiết kiệm.
Song, người nhiệt huyết với bảo vệ môi trường như Đại Tử cũng không phải là “thánh tăng khổ cực”. Cô cũng là thiếu nữ yêu cái đẹp, thích trang điểm.
Chỉ là cô cố gắng mua sản phẩm thân thiện với môi trường, không lãng phí, hoặc trao đổi mỹ phẩm với bạn bè.
Khi chuẩn bị trở về nước, cô phải thanh lý toàn bộ đồ đạc trong nhà trọ. Không tiện tặng từ thiện cũng không thể trao đổi, thế là Đại Tử lau chùi từng món đồ sạch sẽ, sau đó phân loại vào các thùng khác nhau, sau đó đặt trước cửa nhà cho những ai cần đến lấy.
Bất kể ở phương diện nào, Đại Tử luôn hy vọng những đồ mình sử dụng đều có thể phân hủy ngắn hạn nhất, hoàn thành vòng tuần hoàn của tự nhiên.
Chia sẻ phong cách sống bảo vệ môi trường, lan tỏa thú vui ý nghĩa cho giới trẻ
Đại Tử mang tư tưởng của mình lên mạng xã hội. Đương nhiên cô gặp phải rất nhiều khó khăn.
Khi muốn lấy ví dụ người thật việc thật giống mình, Đại Tử khó tìm được người trẻ có cuộc sống bảo vệ môi trường và chia sẻ lên mạng như cô.
“Mặc dù ít người chia sẻ điều này như tôi, nhưng tôi tình nguyện làm tiên phong, biến bảo vệ môi trường thành sở thích trong giới trẻ. Phong cách sống lành mạnh, tiết kiệm, có thể học thêm kiến thức, nắm vững kỹ năng, tôi tin rằng giới trẻ cũng sẽ thích thú với điều này mà thôi”.
Hiện tại nhóm theo đuổi chủ nghĩa tối giản và bảo vệ môi trường trên Douban của Đại Tử có hơn 30 nghìn thành viên. Nhiều người chia sẻ cuộc sống của mình trong nhóm.
Tuy nhiên, Đại Tử cũng chịu nhiều ý kiến tiêu cực:
“Nếu cô muốn bảo vệ môi trường thì nên cạo trọc đầu, như vậy sẽ tiết kiệm được dầu gội đầu”.
“Tự mang ly đi mua trà sữa? Vậy tại sao không tự nuôi bò lấy sữa, tự trồng trà luôn đi?”.
Những ý kiến này khiến Đại Tử vô cùng buồn bã và đau đầu. Cô luôn nhấn mạnh trong những clip của mình rằng cô không phải tiết kiệm một cách khắc khổ và cứng nhắc, chỉ là cố gắng không làm hại đến môi trường mà thôi.
“Nỗ lực của một người mặc dù chỉ là hạt cát trong sa mạc, nhưng nếu kiên trì, nó cũng có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người xung quanh. Bạn có thể làm nhiều điều cho hành tinh này hơn bạn tưởng”.
(Nguồn: Zhihu)