Cô gái 24 tuổi khủng hoảng vì thất nghiệp, vật lộn với khoản chi tiêu hàng chục triệu đồng/tháng: Giải bài toán tài chính cá nhân thế nào?
Giữa 1 rừng thông tin về tài chính cá nhân, tôi lựa chọn cho mình: chỉ 1 quy tắc duy nhất về quản lý tài chính cá nhân đó là "tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được"
"Mình là người có nguồn thu tài chính khá ổn định, vì mình làm 2 công việc cùng lúc. Ngoài làm văn phòng lương 8 tiếng, mình còn kinh doanh thêm 1 shop đồ online nho nhỏ. Do bản thân luôn ở trong trạng thái dư giả về tiền nong, thế nên mình đã chi tiêu không kiểm soát, ở nhà đẹp, mua những thứ mình thích, hay đi du lịch, và... không có khoản tích lũy nào cho tương lai.
Mọi chuyện vẫn có vẻ ổn, cho đến khi dịch Covid-19 kéo đến, không chỉ 1 năm, mà là tận 2 năm. Bản thân mình khi đó, vừa thất nghiệp, công việc kinh doanh riêng thì ngưng trệ, khiến túi tiền của mình trở về zero - con số 0 đúng nghĩa: không nợ, không dư. Một cô gái 24 tuổi khi đó, vật lộn với chuyện kiếm tiền nhà, tiền ăn, tiền tiêu lên đến hàng chục triệu/ tháng, mình mới nhận ra một chân lý, rằng "Bạn sẽ chẳng biết khi nào thì mình cần tiền đâu?"
Và rồi khoảng thời gian đó, mình nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề tài chính cá nhân. Thế là mình bắt đầu lao vào những cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân, đầu tư, tiết kiệm, làm giàu... Hàng trăm các loại tài liệu, hàng ngàn các nghiên cứu mình có thể tìm kiếm chỉ bằng một cái nhấp chuột. Mọi thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại rối tung rối mù không tìm ra được cách phù hợp với bản thân.
Khi đó, mình chợt nhớ đến lời khuyên của ba mình: "Muốn tìm được cách giải quyết, phải đưa nó về những phân tích để tìm ra giải pháp đơn giản nhất." Và quả thực điều đó khiến mình quay về cốt lõi của vấn đề, và mình nhận ra, một quy tắc luôn được tất cả những chuyên gia tài chính nhắc tới , đó là "Tiêu ít hơn so với số tiền mình kiếm được."
Khi áp dụng quy tắc này, mình nhận ra một điều: Tiêu ít đi không khiến cuộc sống nghẹt thở như nhiều người nghĩ mà nó khiến mình sáng tạo hơn khi tận dụng những thứ vốn có để tối giản hoá cuộc sống.
Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của riêng Lan Anh (25 tuổi, Nam Định), mà chắc hẳn còn là cảm giác lo lắng của rất nhiều người trẻ về cách quản lý chi tiêu trong cuộc sống, hay nhìn xa hơn đó là tài chính cá nhân.
Quy tắc "tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được" mà Lan Anh đề cập đến, nó đơn giản đến ngỡ ngàng, nhưng liệu bạn đã biết cách để thực hiện quy tắc này chưa?
Tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được
Quá nhiều thông tin gây nhiễu, khiến nhiều người cảm thấy quản lý tài chính cá nhân là một vấn đề cần được tính toán dựa trên những công thức phức tạp, để rồi từ đó không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng thực chất, trong hàng trăm những bài viết và nghiên cứu, thì ngọn nguồn của vấn đề, chỉ đơn giản đó chính là "tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được" . Và đối với những tính toán của các chuyên gia tài chính, họ cho rằng, dù cho đang ở mức thu nhập nào, bạn cũng chỉ nên tiêu 30% số tiền mình có, và có thể đạt ngưỡng 40%, nếu như những tháng đó bạn xảy ra vấn đề đột xuất.
Nếu thực hiện theo đúng quy tắc này, bạn được gì
Trả hết nợ nần, sống cuộc sống không bị chi phối bởi người khác
Điều đầu tiên và cũng là điều khiến nhiều người thỏa mãn nhất, đó chính là trả hết nợ nần, sống cuộc sống không phải phụ thuộc vào bất cứ ai, thảnh thơi làm những gì mình muốn. Chỉ khi trả hết nợ, thì tiềm lực tài chính của bạn sẽ ngày càng vững chắc.
Hãy chắc chắn rằng, bạn nắm bắt được tất cả số nợ mình đang có, lãi suất là bao nhiêu, và lên kế hoạch trả nợ càng sớm càng tốt.
Dự trữ: Trường hợp khẩn cấp + Kế hoạch tương lai
Đây là khoản tiền cực kỳ quan trọng. Một khi kiểm soát được chi tiêu của mình, bạn sẽ dư ra được một khoản tiền kha khá, và tốt hơn hết, bạn nên trích ra một khoản để dành cho tương lai, tránh được hoảng loạn mỗi khi có việc khẩn cấp xảy ra như: bệnh tật, tai nạn hay là thất nghiệp.
Nhiều chuyên gia tài chính chỉ ra rằng, bạn nên bắt đầu với khoản dự trữ rơi vào khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ, con số này có thể được nâng lên khoảng 3-6 lần số tiền bạn chi tiêu hàng tháng.
Ví dụ: Nếu như hàng tháng, bạn chi tiêu khoảng 8 triệu đồng, thì con số dành cho khoản dữ trữ này nên rơi vào mức từ 25 - 50 triệu đồng là tốt nhất.
Đầu tư
Đầu tư là điều bạn cực kỳ nên cân nhắc bỏ vào tài chính cá nhân của mình khi có tiền dư. Tất cả những tỷ phú trên thế giới đều có những khoản đầu tư của riêng mình. Khi lựa chọn được phương pháp phù hợp với tư duy và túi tiền, bạn sẽ khiến cho tiền đẻ ra rất nhiều tiền. Ở Việt Nam, những ngách đầu tư đang rất phổ biến có thể kể đến như đầu tư vào thị trường bất động sản, vàng, hoặc đầu tư góp vốn kinh doanh.
Tích lũy dành riêng cho việc nghỉ hưu
Liệu rằng bạn có muốn làm việc đến cuối đời không? Câu trả lời của đa số mọi người, chắc chắn là không. Khi còn trẻ, còn sức khỏe, hãy làm việc và cống hiến hết mình, dành thời gian tích lũy càng nhiều càng tốt. Để khi về trung tuổi, tài chính của bạn cho phép bạn nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Thời gian sau đó, bạn có thể tận hưởng cuộc sống mà không cần phụ thuộc vào bất cứ ai.
Cách để tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được nghe thì dễ, nhưng lại cực kỳ khó thực hiện
Nếu thực hiện tốt phương pháp "Tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được" , bạn sẽ hình thành nên 1 quỹ tài chính được gọi là "Số dư". Về cơ bản, công thức cho số dư được gói gọn như sau:
SỐ DƯ = TỔNG THU NHẬP – TỔNG CHI TIÊU
Tất nhiên đây là công thức rút gọn của hàng trăm các khoản chi phí, nhưng nôm na lại, bạn chỉ cần nắm bắt được 3 chỉ tiêu này, và hiểu rõ từng đồng tiền của mình đang được đặt vào đâu là ổn.
Tuy vậy, xu hướng mọi người thường tập trung nhiều hơn vào vế phải là "Số dư", mà đôi khi quên mất, vế trái là "Tổng thu nhập - Tổng chi tiêu" mới là điều quan trọng nhất. Việc cân bằng được vế trái sẽ làm cho công thức này trở nên có ý nghĩa. Và để thực hiện được điều đó, bạn cần tập trung vào 2 đầu mục chính: đó chính là tăng thu tối đa và giảm chi tối thiểu.
Giảm chi tối thiểu, tiết kiệm nhiều nhất có thể
Giới trẻ ngày nay đang ngày càng cảm thấy việc tiết kiệm gần như là không thể, bởi những "món ăn nhanh" không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần, khiến họ chi tiêu không kiểm soát. Để kiềm chế được những cám dỗ vật chất không đáng có này, một số phương pháp bạn có thể thực hành như sau:
Sống tối giản
Lối sống tối giản đang ngày càng phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Về cơ bản, khi thực hiện lối sống này, bạn cần cắt bỏ tất cả những vật dụng, đồ đạc dư thừa trong cuộc sống, cắt giảm những bữa tiệc tùng vô bổ, và cắt giảm cả những suy nghĩ "quan trọng nhưng không cần thiết". Để làm được điều này, bạn cần rèn luyện cho mình một tư duy tối giản trong mọi thứ, và học cách bỏ qua đánh giá của những người đề cao giá trị vật chất.
Lập kế hoạch chi tiêu
Điều đơn giản nhất bạn có thể làm khi còn là tay mơ về quản lý chi tiêu, đó là hãy đặt bút ghi lại những khoản chi tiêu dù là nhỏ nhất của mình. Việc này nói thì dễ, nhưng để kiên trì theo từng ngày, từng tháng, từng năm là điều ít người làm được.
Nếu không rành về công nghệ, bạn có thể sử dụng sổ và bút để ghi chép và thống kê, hoặc sử dụng các loại note trên điện thoại, máy tính. Nhưng nếu bạn bỏ thêm một chút thời gian, để nghiên cứu về những app chi tiêu, thì việc này lại trở nên khá đơn giản. Nhiều app quản lý chi tiêu bây giờ, cho phép bạn nhóm lại các khoản chi tiêu, thống kê, so sánh giữa các tháng và đưa ra những chỉ tiêu quan trọng. Để từ đó, giúp bạn cân bằng lại chi tiêu theo từng tháng, và cố định được mức chi tiêu của chính mình.
Đợi ít nhất là 24h, nếu có thể thì là 1 tuần: dành cho những quyết định mua sắm quan trọng và tốn 1 khoản tiền lớn
Việc nhanh chóng sở hữu được một món đồ nào đó, sẽ giúp bạn thỏa mãn ngay tức thì, nhưng chính điều này sẽ gây hại cho túi tiền của bạn. Trong rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc dành 24h để quyết định mua 1 món đồ đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của rất nhiều người. Vì vậy, hãy dành ra ít nhất là 24h, hoặc tốt hơn hết là 1 tuần, đối với những khoản mua sắm tiêu tốn khá nhiều tiền của bạn.
Tăng thu tối đa
Vậy khi bạn đã tối ưu hóa những khoản chi tiêu của mình, thì bước tiếp theo, giúp thúc đẩy tài chính của bạn lên một mức mới, đó là tăng thu. Vậy làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn?
Lựa chọn những công việc xứng đáng với công sức bạn bỏ ra
Có nhiều người có kinh nghiệm rất tốt trong lĩnh vực mình đang làm, nhưng lại chấp nhận một mức lương thấp hơn giá trị mình mang lại, chỉ bởi vì tính ổn định. Hãy mạnh dạn đề nghị tăng lương với sếp, nếu như bạn cảm thấy mình đang cống hiến hết mình và đạt hiệu suất cao.
Luôn tìm kiếm những cơ hội mới
Nếu việc xin tăng lương không thành công, bạn có thể thử sức với một môi trường mới với những đãi ngộ tốt hơn. Bạn có thể vừa làm công việc hiện tại, nhưng hãy xen kẽ để tìm kiếm thêm những cơ hội mới. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm thêm những công việc freelance, online,... để làm thêm ngoài giờ, nhằm gia tăng thu nhập.
Phát triển bản thân
Nếu như không sẵn sàng bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân bằng cách tìm việc có lương cao hơn, hoặc làm thêm ngoài giờ,... thì bạn có thể lựa chọn tập trung vào phát triển bản thân mình. Đầu tư cho bản thân thì không bao giờ lỗ. Bạn có thể học thêm những kỹ năng mới, học thêm ngoại ngữ, đọc sách để cải thiện tư duy,... Một khi nâng cấp được bản thân mình, cơ hội sẽ tự động tìm đến bạn.
Kết luận
Quản lý tài chính cá nhân không chỉ nằm ở việc bạn quản lý tiền của mình thế nào, mà còn là cách bạn rèn luyện tư duy về tiết kiệm và đầu tư đúng cách, quản lý chính bản thân mình. Đối với Lan Anh, cô nàng đã áp dụng thành công quy tắc "tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được", khiến bản thân không còn mơ hồ với một đống kiến thức kinh tế, giảm bớt đi những áp lực, bất an về tài chính.
Hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ nhất, như vứt bỏ một món đồ không cần thiết ngay từ hôm nay. Chỉ cần làm tốt được quy tắc đơn giản này thì vấn đề tài chính của 1 người không chuyên đã gần như được giải quyết hết mà không cần tới cố vấn tài chính.
Theo Trang Mint
Trí Thức Trẻ