Có được uỷ quyền cho người khác đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng?
Mặc dù có giấy ủy quyền hợp lệ để tất toán hợp đồng tiền gửi, nhưng người ủy quyền vẫn bị ngân hàng từ chối rút gốc lãi của sổ tiết kiệm bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản thanh toán đứng tên của người được ủy quyền. Hành động của ngân hàng có phù hợp với quy định pháp luật?
Theo phản ánh của Ông Nguyễn Quang Huy trên cổng thông tin Giải đáp chính sách online của chính phủ, ông có một khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại một ngân hàng Việt Nam. Do có việc bận ra nước ngoài nên ông đã ủy quyền cho vợ (có văn bản uỷ quyền hợp lệ) rút tiền gửi này khi đáo hạn.
Tuy nhiên, khi vợ ông đến ngân hàng để tất toán hợp đồng tiền gửi tiết kiệm thì ngân hàng lại chỉ đồng ý chuyển gốc lãi tiền gửi vào tài khoản thanh toán (tài khoản liên kết với thẻ ATM thông thường) của ông mà không đồng ý giao tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản đứng tên của người được ủy quyền.
Ông Huy cũng nói thêm rằng ông đang ở nước ngoài nên không thể chuyển tiền ngược lại cho vợ (do không nhận được mã OTP qua SMS chuyển tiền).
Theo phía ngân hàng giải thích, đây là sản phẩm tiền gửi kỳ hạn (không phải tiền gửi tiết kiệm) nên theo quy định khi tất toán tiền chỉ được phép chuyển vào tài khoản rút tiền đứng tên người ủy quyền. Dù có văn bản cho phép người khác rút tiền hợp lệ thì chỉ có tác dụng ra tất toán khoản vay. Ông mong muốn được giải đáp về việc ngân hàng xử lý tình huống này có phù hợp với những quy định của pháp luật
Ngân hàng Nhà nước trả lời ông Huy, theo khoản 2, Điều 5 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi có kỳ hạn quy định: "Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó".
Khoản 1(e), Điều 6 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN cũng có quy định: "Thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải được lập thành văn bản, trong đó bao gồm thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được dùng để gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn gồm: Tên chủ tài khoản thanh toán, số tài khoản thanh toán, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản thanh toán".
Căn cứ các văn bản trên, khi chi trả tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng, các tổ chức tín dụng chuyển tiền gốc và lãi của khoản tiền gửi có kỳ hạn vào tài khoản thanh toán của chính khách hàng theo các thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng đã nêu trong thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Như vậy, theo trả lời từ phía Ngân hàng Nhà nước, trường hợp của ông Huy, ngân hàng đã xử lý đúng với các quy định của pháp luật. Về việc ông Huy ở nước ngoài nên không không nhận được mã OTP (Mã xác thực OTP (one time password) là loại mật khẩu sử dụng một lần, thường được sử dụng như lớp bảo mật cuối cùng trong các giao dịch trực tuyến, đặc biệt là ngân hàng điện tử) qua SMS chuyển tiền, hiện các ngân hàng đã có nhiều hơn một phương pháp để các khách hàng nhận OTP.
Cụ thể, hiện các ngân hàng đã triển khai Smart OTP cho phép khách hàng có thể chủ động tạo mã OTP bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ nơi đầu mà không cần phải chờ ngân hàng gửi đến thông qua tin nhắn SMS. Khách hàng có thể nhận được mã thông qua 02 hình thức bao gồm: 1) Hình thức ứng dụng độc lập (app): Dùng để tạo mã OTP cho các giao dịch trên trình duyệt web. 2) Hình thức tích hợp (được tích hợp vào ngay ứng dụng trên app mobile banking của ngân hàng).