Có được phép mua bán, chuyển nhượng "đất công cộng thành phố"?

Chia sẻ Facebook
03/05/2024 03:00:32

Thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh Giấy chứng nhận về “đất công cộng thành phố”. Vậy đất này có được cấp giấy, phân lô, chuyển nhượng không?

Đất công cộng có được cấp sổ đỏ không?

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Tinh Thông luật, đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 quy định về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích thì đất công ích được hiểu là quỹ đất nông nghiệp được lấy từ không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích như: Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ... và các công trình công cộng khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích trên thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Đồng thời, Điều 105 quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) thì UBND cấp tỉnh cấp sổ đỏ cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp GCN (Sở Tài nguyên và Môi trường - PV).

UBND cấp huyện cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, các trường hợp không được cấp GCN bao gồm: Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

"Từ những quy định trên, đất có mục đích sử dụng là đất công cộng thành phố có thể được xem là đất công ích và không được cấp GCN. Người sử dụng đất chỉ được thuê đất với thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm. Hơn nữa, thẩm quyền cấp GCN lần đầu là UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện", luật sư Bình cho hay.

Muốn sở hữu phải có quyết định của Nhà nước

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hoà, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, đất công cộng thuộc quyền sở hữu Nhà nước, thì bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào muốn sở hữu thì buộc phải có văn bản hoặc quyết định của Nhà nước.

Theo Điều 132 Luật đất đai 2013, quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Trong đó, đất sử dụng vào mục đích công cộng là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và được quy định cụ thể tại điểm e khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013.

Luật sư Hoàng Tùng.

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 155 Luật Đất đai 2013, việc sử dụng đất vào mục đích công cộng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh và các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh.

Đối với đất thuộc khu chức năng không có mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Với trường hợp trên, tổ chức được giao đất sẽ không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê hay thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai 2013).

“Đối với đất được sử dụng có mục đích kinh doanh thì Nhà nước cho thuê đất. Trường hợp đất giao khoán trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, đất giao khoán không được chuyển nhượng”, luật sư Tùng nói.


Đất công cộng có được phân lô, bán nền không?

Thông tin với PV về câu hỏi trên, TS. luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư Tp.Hà Nội) khẳng định, đất công cộng của thành phố thì không tổ chức cá nhân nào được phép lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép. Người dân cũng không được phép mua bán chuyển nhượng loại đất này.

Đồng ý với nhận định trên, luật sư Nghiệm Quang Vinh (Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư Tp.Hà Nội) khẳng định, sau khi trúng đấu giá thì cá nhận được sử dụng đất công cộng trong thời gian thuê. Người dân được xây dựng cửa hàng, kinh doanh hoặc nuôi trồng thuỷ sản...phù hợp với quy hoạch của địa phương. "Đất này không được cấp GCN cho bất kỳ ai", luật sư Vinh nêu.


Tương tự, luật sư Nguyễn Công Tín (Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư Tp. Đà Nẵng) nhấn mạnh, theo quy định pháp luật không cho phép phân lô bán nền loại đất này. Trường hợp nhà đầu tư được giới thiệu đất công cộng có thể phân lô, cấp sổ riêng thì hết sức phải cảnh giác .

Chia sẻ Facebook