Cổ đông MSB không thông qua sáp nhập ngân hàng, thắc mắc việc chia cổ tức
Chỉ 56,16% cổ đông ngân hàng tham dự đồng ý thông qua tờ trình nhận sáp nhập một ngân hàng thương mại của HĐQT MSB, chưa đạt tỉ lệ cần thiết là 65%.
Cổ đông lo ngại việc sáp nhập
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) chiều 21/4, cổ đông ngân hàng đã thông qua 11/12 tờ trình của HĐQT, trừ tờ trình về phương án nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Nhiều cổ đông MSB cũng bày tỏ lo ngại về việc nhận sáp nhập này có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cũng như tăng trưởng của MSB trong tương lai. Đáng chú ý, MSB cũng chưa có thông tin về ngân hàng mục tiêu dự kiến nhận sáp nhập khiến các cổ đông chưa thể đánh giá hiệu quả của thương vụ.
Trước đó, MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB và triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, MSB có kinh nghiệm sáp nhập ngân hàng MDB năm 2015, nhìn vào việc sáp nhập trong những năm vừa qua với MDB, HĐQT nhận thấy MSB có những kinh nghiệm quản trị hoạt động, không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như vấn đề xử lý nợ.
Còn theo Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn, vấn đề sáp nhập ngân hàng không do HĐQT quyết định mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước.
“Cơ quan này sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt và cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết thông qua vấn đề này”, ông Tuấn khẳng định.
Đang cân nhắc tỉ lệ chia cổ tức hấp dẫn
Tại Đại hội, cổ đông MSB đồng ý việc không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng. Trước đó, ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 30% trong hai năm 2021 và 2022.
HĐQT ngân hàng cho biết do tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng.
Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Hiện mức lợi nhuận còn lại, sau thuế và trích lập các quỹ trong năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về hệ số an toàn vốn (CAR) 12,9% đang ở mức khá cao nhưng vẫn không chia cổ tức để tăng lợi ích cho cổ đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông.
Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo cũng kỳ vọng có thể thể bán Công ty TNHH Một thành viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (FCCOM) với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn.
"Ngân hàng sẽ chia cổ tức nhưng thời điểm hiện tại vẫn đang cân nhắc tỉ lệ cho thật sự hấp dẫn. Tôi khẳng định lợi nhuận để lại là thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông, không có lựa chọn nào khác.", ông Linh nhấn mạnh .