Cổ đông gỗ Trường Thành TTF chất vấn vụ 'mua đi bán lại' cổ phiếu của con trai 'bầu' Thắng

Chia sẻ Facebook
27/04/2022 10:40:11

Rút kinh nghiệm từ vụ 'bán chui' cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, cổ đông của gỗ Trường Thành chất vấn hội đồng quản trị việc 'mua đi bán lại' cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn liên quan gia đình ông Võ Quốc Thắng.

Chủ tịch HĐQT TTF Mai Hữu Tín lắng nghe các câu hỏi khó từ nhà đầu tư vào chiều 26-4 - Ảnh: BÁ SƠN

Chiều 26-4, tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF, trụ sở chính tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương), nhiều câu hỏi nóng của cổ đông dành cho ông Mai Hữu Tín - chủ tịch HĐQT công ty.

Một trong những vấn đề nóng nhất được cổ đông đặt ra tại phần thảo luận là các giao dịch mua bán cổ phiếu liên quan nhóm công ty liên quan tới Tập đoàn Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) của ông Võ Quốc Thắng (còn gọi là "bầu" Thắng).

Cổ đông nêu thắc mắc các công ty liên quan Đồng Tâm Group (gồm Công ty TNHH một thành viên thương mại Đồng Tâm, Công ty cổ phần Đồng Tâm Dotalia…) liên tục bán ra cổ phiếu sở hữu tại TTF. Trong khi đó, ông Võ Quốc Lợi (hiện là thành viên HĐQT của TTF, con trai của ông Võ Quốc Thắng) lại liên tục mua vào cổ phiếu của TTF.


Nêu dẫn chứng từ vụ giao dịch cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC (hiện đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì thao túng chứng khoán ), cổ đông của TTF nêu câu hỏi các giao dịch mua đi bán lại cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn tại TTF có gì bất thường?

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Mai Hữu Tín cho biết "không can thiệp vào công việc của cổ đông". Tuy nhiên, ông Tín giải thích tại TTF, ông Lợi vừa đại diện cho các công ty thuộc Đồng Tâm Group vừa đầu tư với tư cách cá nhân. Ông Tín cho rằng việc hoán đổi, cơ cấu lại khoản đầu tư là quyền của nhà đầu tư, miễn sao đảm bảo tuân thủ công bố thông tin trước khi giao dịch và quy định của pháp luật.

Đối với việc mua vào cổ phiếu TTF của ông Lợi, ông Tín cho rằng đây là việc "đầu tư thật". Ông Tín tiết lộ thêm ông Lợi là con rể của "chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển (tức Tập đoàn Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh - PV). Vừa qua, khi TTF phát hành cổ phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng để hoán trả nợ vay, tăng vốn điều lệ thì vợ của ông Lợi cũng mua vào cổ phiếu của TTF với số lượng lớn.

"Với cá nhân tôi và các công ty thuộc U&I Group nơi tôi làm lãnh đạo sẽ cam kết chỉ có mua vào, tăng đầu tư chứ không bán cổ phiếu sở hữu tại TTF" - ông Tín tuyên bố.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm kế hoạch "giải cứu" để vực dậy TTF, là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong ngành sản xuất đồ gỗ nội thất - Ảnh: BÁ SƠN

Chủ tịch Gỗ Trường Thành chia sẻ tham vọng đưa TTF trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỉ USD trước năm 2030 thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Ngoài ra, TTF còn có kế hoạch tạo ra hệ sinh thái để quy tụ các nhà máy trong ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất, chế biến gỗ, đồ nội thất của Việt Nam với quốc tế.


Phát hành thêm cổ phiếu, đổi tên công ty

Ông Mai Hữu Tín tham gia TTF từ năm 2019 với tham vọng vực dậy doanh nghiệp này sau vụ "lùm xùm" phát hiện thiếu hụt gần 1.000 tỉ đồng hàng tồn kho trong kỳ báo cáo soát xét bán niên 2016.

HĐQT của TTF cho biết công ty đang có những chuyển biến tích cực sau đợt khủng hoảng. Tới nay TTF trả được bớt nợ và tình hình tín dụng "đã trở lại trạng thái bình thường". Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, chi phí sản xuất "ba tại chỗ", chi phí nguyên liệu, nhân sự… tăng cao khiến lợi nhuận giảm, nhưng doanh thu của TTF lại tăng. Cụ thể năm 2020: lợi nhuận sau thuế 18,1 tỉ đồng, doanh thu: 1.213 tỉ đồng; năm 2021: lợi nhuận sau thuế: 2,5 tỉ đồng, doanh thu: 1.607 tỉ đồng.

Đại hội cổ đông của TTF đã thông qua phương án chào bán 41,12 triệu cổ phiếu riêng lẻ, ước tính thu về trên 411 tỉ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh và mua cổ phần của các công ty cùng ngành.

Đại hội cổ đông lần này cũng đánh dấu đổi tên "Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành" thành "Công ty cổ phần TTF", bỏ phương án đổi tên thành "Công ty cổ phần ToTal Furniture" mà đại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 23-4, cổ đông Ngân hàng Phương Đông (OCB) tập trung chất vấn về các khoản cho vay của OCB tại hai doanh nghiệp có lãnh đạo mới bị bắt là Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Đại Nam.

Chia sẻ Facebook