'Có doanh nghiệp gỗ giảm đến 80% doanh thu từ thị trường Mỹ, kim ngạch sang EU về 0'

Chia sẻ Facebook
23/09/2022 15:55:41

'Có doanh nghiệp gỗ giảm đến 80% doanh thu từ thị trường Mỹ, kim ngạch sang EU về 0'

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Cụ thể, kim ngạch trong tháng 8 là 1,35 tỷ USD, dù tăng 65% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ ngang với tháng 7 và thấp hơn so với con số 1,5 tỷ USD của tháng 6.

Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp - Tháng 8/2022” do Viforest, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends công bố cho thấy bức tranh xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ còn gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo này, cung - cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, có nhiều biến động, do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine trực tiếp dẫn đến lạm phát cao ở nhiều quốc gia. Chi phí sản xuất, vận chuyển và sinh hoạt trở nên đắt đỏ, cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng hóa không thiết yếu giảm. Báo cáo này cho rằng với độ hội nhập sâu, rộng với thị trường thế giới, ngành gỗ Việt Nam chịu tác động trực tiếp của các biến động, suy giảm xuất khẩu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU và Anh.

Doanh thu 2021 của các doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Trong báo cáo này, khảo sát được thực hiện với 52 doanh nghiệp, trong đó 45 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 87%); 39 sang thị trường EU (chiếm 75%); 24 sang thị trường Anh (chiếm 46%); 28 doanh nghiệp bán sang thị trường khác như Singapore, Nhật, Hàn Quốc... (chiếm 54%).

45/52 doanh nghiệp tham gia khảo sát xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ. Doanh thu sang thị trường Mỹ của nhóm này năm 2021 chiếm tỷ trọng 58% trong tổng doanh thu của các trường hợp được khảo sát.

33 công ty có doanh thu từ thị trường này giảm trung bình 39,6% trong những tháng đầu năm. Biên độ giảm rộng, từ 8% lên mức giảm cao nhất tới 80%. Chỉ 10 trong số đó có doanh thu tăng, mức tăng trung bình 11%.

Diễn biến doanh thu xuất khẩu những tháng đầu năm 2022 sang Mỹ.

Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam ở mức 685 triệu USD, giảm 11% theo tháng và giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch sang Mỹ là 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ 2021.

Với thị trường EU, có 39/52 doanh nghiệp được hỏi có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các công ty này sang EU chiếm 33% tỷ trọng nhóm được khảo sát. Từ đầu năm 2022, 24 công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU ghi nhận giá trị sụt giảm với mức giảm trung bình khoảng 42,2%. Đặc biệt, một số mất hẳn nguồn thu từ thị trường EU. Chỉ có 4 doanh nghiệp tăng và mức tăng trung bình là 14%.

Về thị trường Anh, 26/52 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Những tháng đầu năm 2022, 17 công ty bị sụt giảm sang Anh với mức giảm trung bình 42,8%. Trong số đó, 3 công ty đã mất hoàn toàn nguồn thu từ thị trường Anh.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong tháng 8 ở mức 17,7 triệu USD, tăng 27,8% so với tháng 8/2021. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh ở mức 168,1 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.


Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Anh sẽ giảm trong những tháng cuối năm 2022, bởi nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều khó khăn và nhu cầu tiêu dùng giảm do giá cả hàng hoá tăng. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong nhóm mặt hàng không thiết yếu nên dự kiến nhu cầu sẽ giảm. Theo Bloomberg , số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên 10,1%, so với 9,4% trong tháng 6. Lạm phát trong tháng 7 là con số cao nhất ghi nhận trong suốt 40 năm qua.

28/52 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường khác như Nhật, Singapore, Australia, Canada, Hàn Quốc, New Zeland, Trung Quốc... Năm 2021, kim ngạch sang các thị trường khác chiếm 22% trong tổng doanh thu từ xuất khẩu trong năm của nhóm được khảo sát. Tình hình tại các thị trường trên cũng có diễn biến như tại các thị trường xuất khẩu chính trong đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức độ suy giảm thấp hơn. 16 doanh nghiệp ghi nhận kim ngạch giảm với mức trung bình 22,2%.


80% doanh nghiệp dự báo doanh thu sụt giảm

Trong số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát, hơn 80% dự báo mức doanh thu năm 2022 của họ sẽ sụt giảm so với năm 2021. Cụ thể, 19 doanh nghiệp dự báo có mức giảm dưới 30%; 13 dự báo giảm 30-50% và 10 dự báo giảm trên 50%. Chỉ có 3 công ty dự báo sẽ tăng 10-20% trong năm nay so với năm 2021. Còn lại, 7 doanh nghiệp dự báo không đổi.

Dự báo doanh thu của doanh nghiệp chế biến gỗ trong năm 2022 so với 2021.

Theo thông tin từ báo cáo, đơn hàng từ các thị trường cũng sụt giảm. Tại Mỹ, số lượng đơn hàng giảm trung bình 45,4%, một số không còn đơn hàng. Tại EU, các doanh nghiệp phản ánh mức giảm trung bình khoảng 44,6%, có công ty chứng kiến đơn hàng giảm từ 80-100%. Thị trường Anh cũng chứng kiến mức giảm mạnh, trung bình 47,3% và một số giảm 100%. Số lượng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khác cũng ở mức giảm, trung bình khoảng 36,3%; một số giảm đến 80%.

Nhận định về tình trạng đơn hàng từ nay tới cuối năm, 37 DN (tương đương trên 70%), dự kiến số lượng đơn hàng sẽ giảm so với năm 2021. Chỉ có 4 kỳ vọng số đơn hàng tăng và 11 cho rằng số đơn hàng của mình sẽ không biến động nhiều.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu sẽ chưa cải thiện nhiều và số lượng đơn hàng sang tất cả các thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh từ nay đến cuối năm. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Mỹ, EU và Anh được dự báo trên 40%, trong khi tình hình xuất khẩu tại các thị trường khác có mức giảm thấp hơn.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), chia sẻ với Người Đồng Hành hiện nay, ngành gỗ đang đối mặt với việc đơn hàng mới giảm. Nguyên nhân vì lạm phát khiến sức mua thị trường yếu vì đồ gỗ không nằm trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay vì không phải đồ thiết yếu. Lạm phát tháng 8 tại Mỹ cao hơn dự báo. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,1% so với tháng trước đó và 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh yếu tố lạm phát, nhà mua hàng đặt nhiều hơn so với kỳ vọng thị trường do trước đó lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng nên tồn kho hiện tồn kho ở mức cao.

Chia sẻ Facebook