Cô cử nhân câm điếc và hành trình yêu thương của người cha
'Trong khi tôi vinh dự đứng đây, đại diện cho hơn 1.000 phụ huynh phát biểu, ở dưới kia, con gái tôi không nghe được lời tôi nói...'. Nói đến đây, người cha khóc nghẹn, lấy tay lau nước mắt ngay trên sân khấu lễ tốt nghiệp.
Sáng nay là một ngày đặc biệt của cha con ông Trần Khương và tân khoa Trần Lê Khả Ái - ngành thiết kế đồ họa Trường đại học Hoa Sen.
Đó là ngày Ái nhận bằng tốt nghiệp đại học, cũng là ngày người cha cảm thấy nhẹ lòng phần nào sau hành trình 18 năm học cùng con.
Con không nghe được lời tôi nói...
Đêm qua, hai cha con ông Khương không ngủ được. 5h sáng, ông Khương và con gái đã rời khỏi nhà đi nhận bằng tốt nghiệp do Trường đại học Hoa Sen tổ chức sáng 6-8.
Ông Khương được mời đại diện cho hơn 1.000 phụ huynh phát biểu tại lễ tốt nghiệp. Bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt, ông chia sẻ về hành trình của hai cha con.
"Con gái tôi không phải là thủ khoa. Trong những năm qua, con tôi không có gì đặc biệt nhưng cháu luôn là niềm tự hào của gia đình.
Những tràng pháo tay đồng cảm vang lên. Ông tiếp tục câu chuyện dang dở của mình: "Con bị câm điếc bẩm sinh. Tôi nhớ ngày 1-8-1999, lúc Ái 22 tháng tuổi, vợ chồng tôi nghi con mình có gì đó không bình thường. Chở con đi khám, bác sĩ nói con tôi bị câm điếc bẩm sinh. Con đi học là một chặng đường dài, từ mầm non đến hết cấp III".
Ông kể tiếp: "Khi trúng tuyển Trường đại học Hoa Sen, được cấp học bổng 100%, vợ chồng tôi mừng lắm nhưng cũng rất lo. Mừng vì con đã vào được đại học nhưng lo rào cản ngôn ngữ, giao tiếp con sẽ không theo được chương trình. Nhưng với sự giúp đỡ của thầy cô đã giúp con lấy lại tự tin, hoàn thành chương trình".
Tấm lòng người cha
Trong suốt phần chia sẻ khoảng 5 phút của mình, ông nhiều lần nghẹn ngào, lau nước mắt. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông nói, trước đây chưa từng nghĩ con sẽ học đến đại học. Khi biết con bị câm điếc bẩm sinh, ông chỉ mong con học được tới đâu hay tới đó, biết đọc biết viết là mừng rồi.
Nghĩ vậy nhưng trong thâm tâm người cha ấy, một đứa con thiệt thòi phải được yêu thương, đồng hành nhiều hơn. Vậy là hành trình học cùng con của ông cũng bắt đầu từ những ngày Ái chập chững đến trường.
"Tôi cho con học hòa nhập chứ không cho học trường dành cho trẻ câm điếc. Tôi muốn con được phát triển bình thường. Tuy nhiên vì con đặc biệt nên tôi phải học cùng để giúp con. Con nghe được nhưng chỉ khoảng 10-20%" - ông chia sẻ.
Khi Ái học tiểu học, hằng ngày ông đưa con đến lớp xong thì xin trường cho ở lại, đứng ngoài cửa sổ lớp. Ông nói ở đó để con an tâm và cũng để học cùng con. Khi về nhà sẽ giảng giải thêm cho con vì Ái sẽ không thể nghe đầy đủ lời cô dạy được.
"Một lần nữa đến Khả Ái của ba, con gái của ba luôn là niềm tự hào của gia đình", ông Trần Khương.
Vợ chồng ông làm nghề may. Ban ngày ông ở trường học cùng con. Đêm về khi đã ôn bài cho con xong, ông mới ngồi vào máy may để làm việc kiếm sống.
Lên cấp II, việc ở lại trường học cùng con khó khăn hơn. Vậy là ông xung phong làm trong hội phụ huynh.
"Người trong hội phụ huynh có thể thoải mái ra vô trường, tôi có thể theo dõi con mình khi nào muốn. Tôi nhờ cô về nhà dạy thêm cho con. Lên cấp III, tôi cho con học nội trú để được thầy cô kèm cặp nhiều hơn. Tuần nào tôi cũng lên trường thăm con" - ông Khương chia sẻ.
Ái vào đại học, hằng ngày ông vẫn chở con đến trường, chiều đón về. Hết năm đầu tiên, ông sắm cho con chiếc xe gắn máy để con chủ động đi lại.
Ông là người tập xe cho Ái. Rồi hằng ngày, con chạy xe trước, ông chạy theo sau. Ròng rã hơn một tháng trời, khi con vững vàng ông mới thôi không theo sau con nữa.
"Hôm nay tôi hạnh phúc không phải vì con mình thành công mà vì cháu đã nên người" - ông Khương nói.
theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ