Có bảo hiểm y tế cũng… như không?
Giá đất sốt ảo gấp 5-7 lần; có bảo hiểm y tế nhưng phải trả chi phí dịch vụ quá cao; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, vật tư đầu vào tăng nhưng đầu ra nông sản quá thấp; học phí, sách giáo khoa tăng giá hằng năm… gây khó cho người dân.
Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang do Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn sáng 27-6.
Ông Võ Văn Quang, cử tri xã Vĩnh Trạch, nêu ra một số bất cập trong vấn đề khám chữa bệnh ở các tuyến trên, trong đó nhấn mạnh tại sao người dân có đóng bảo hiểm y tế nhưng khi có nhu cầu được phẫu thuật chữa trị lại bị "ép" trả phí dịch vụ.
"Tôi và nhiều bà con khi đi khám bệnh tuyến tỉnh hoặc trên nữa ở các bệnh viện tại TP.HCM phải đóng phí dịch vụ mới được chữa ngay, nếu không phía bệnh viện tiếp tục hẹn lại thời gian có khi là 1 tháng sau đó, nhưng cũng chưa biết có được phẫu thuật hay không”, ông Quang nói.
Còn ông Huỳnh Công Tầm kiến nghị: "Thủ trưởng đầu ngành không nên nắm về tài chính. Bởi vì họ giỏi về chuyên môn nhưng không chuyên về quản lý tài chính dẫn đến một số vụ việc sai phạm đáng tiếc.
Nhiều cán bộ ngành y tế vừa qua bị kỷ luật có cả những vị rất giỏi, bàn tay vàng trong phẫu thuật cứu người nhưng bị đình chỉ công tác, loại khỏi ngành là điều mất mát cho người dân".
Ông Nguyễn Minh Trang đặt vấn đề khá cấp bách hiện nay của ngành nông nghiệp trước bối cảnh giá cả đầu vào cao, chi phí tăng vọt, nhưng sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ, vòng luẩn quẩn cũ lặp lại mà chưa có giải pháp lâu dài.
"Bên cạnh đó, các dự án cao tốc sắp tới được triển khai có đi qua địa bàn tỉnh An Giang mong rằng sẽ đảm bảo thời gian, tiến độ cũng như chất lượng kỹ thuật công trình. Đừng để như cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đi đường cao tốc mà chạy chậm vì đường xấu quá", ông Trang nói.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá những vấn đề cử tri quan tâm đã được đưa ra họp bàn rất nhiều tại các kỳ họp của Quốc hội, đồng thời kêu gọi người dân đồng hành, chia sẻ để vượt qua khủng hoảng kép hiện nay.
"Đề nghị địa phương quán triệt chủ trương của Nhà nước, nhất là về đất đai, đầu tư công, căn cứ vào đó để triển khai các dự án. Về phát triển nông nghiệp, bối cảnh thế giới gây khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, cũng vừa là cơ hội để đóng góp lương thực cho thế giới và nâng cao kinh tế cho người dân.
Về chiến lược thu hút đầu tư ở các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ cao, phải đúng với định hướng Nhà nước, đảm bảo tài nguyên môi trường, đất đai, tránh gây ra hậu quả không thể khắc phục được", Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.
Từ bệnh viện cho đến các trạm y tế tại nhiều nơi đang rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc bảo hiểm y tế.