Cô bạn mua nhà cũ rồi chi 250 triệu “làm mới", thành quả xinh xắn
Sợ phải quay lại cuộc sống như lúc ở trong nhà cấp 4, Ly Nguyễn quyết tâm cải tạo để có không gian sống phù hợp với mình hơn.
Ly Nguyễn (24 tuổi) đã có một quyết định khá độc đáo khi quyết định mua căn hộ cũ rồi bỏ thêm 250 triệu đồng để cải tạo lại. Đây không phải là lựa chọn nhiều người trẻ hướng đến bởi vì họ thường thích mua hẳn nhà mới và không cần phải cải tạo quá nhiều, đặc biệt trong công năng.
Được biết đây là căn hộ 97m2 ở Hà Nội, Ly mua vào tháng 2 năm nay với diện tích cải tạo rơi vào khoảng 70m2, trừ khu nhà tắm và logia. Thời gian từ lúc bắt đầu quyết định cải tạo cho tới khi hoàn thành toàn bộ khoảng 1,5 tháng.
Cùng tìm hiểu quan điểm cải tạo nhà cửa và những bài học tài chính cô bạn rút ra trong quá trình này.
Xin chào Ly,
Những phần nào trong căn nhà đã được cải tạo lại, và tại sao bạn quyết định sửa chữa như thế?
Khi mình nhận nhà, tình trạng căn hộ đã khá xuống cấp. Có nhiều phần không phục vụ được mục đích sử dụng, cũng như mong muốn về mặt thẩm mỹ của mình.
Mình thực hiện cải tạo lại gần như toàn bộ. Có thể chia làm 2 phần chính: phần thô và và phần nội thất.
Về phần thô, bao gồm:
- Đi lại toàn bộ đường dây điện và đổi đèn. Đèn điện cũ là loại đèn tuýp lắp nổi trên tường. Sau này được đổi lại thành đèn âm trần.
- Sơn lại.
- Sàn: thay sàn gạch bằng ốp gỗ kết hợp gạch
- Ngoài ra mình xử lí thêm một số mảng thạch cao trên tường để tăng tính thẩm mỹ và phù hợp với thiết kế tổng thể của nhà.
Về phần nội thất: Mình thanh lý toàn bộ nội thất cũ vốn là đồ của gia chủ cũ để lại và làm nội thất mới. Đồng thời, bố cục, sắp xếp lại cách bày trí nội thất trong phòng theo định hướng mới.
Điều gì đã thôi thúc Ly đi đến lựa chọn cải tạo nhà, trong khi nó tiêu tốn kha khá tiền bạc?
Đối với mình ngôi nhà không đơn thuần là một nơi để che mưa, che nắng, ăn, ngủ, nghỉ,... mà còn là không gian để gắn kết cũng như tận hưởng cuộc sống sau một ngày dài làm việc. Hơn nữa, mình cũng thuộc tuýp người hướng nội, tìm kiếm năng lượng khi ở một mình. Vậy nên, có một không gian sống khiến mình thấy thật sự thoải mái là điều rất quan trọng.
Bên cạnh đó, trước khi chuyển sang đây, mình sống ở một khu nhà cấp 4 đã xuống cấp, tới mức mà nửa đêm đang ngủ, cả căn tủ bếp bỗng… sập xuống. Mình đoán kỷ niệm nhớ đời đó cũng góp phần khiến mình quyết tâm xắn tay vào để cải tạo lại khi sang căn nhà này.
Trong quá trình sửa chữa, bạn có phát sinh thêm chi phí cải tạo không?
Chắc chắn rồi. Việc phát sinh là không thể tránh khỏi, tuy nhiên mình cùng đội ngũ thi công đã tối thiểu hóa việc phát sinh này nhất có thể bằng cách lập kế hoạch cũng như dự toán chi tiết từ ban đầu. Một khoản dự trù 20% cũng được mình cho vào chi phí từ trước. Vậy nên khoản phát sinh có thể nói là vẫn nằm trong kế hoạch của mình.
Ly có thay đổi phong cách nhà cửa trong lần cải tạo này không, và tại sao?
Có thể nói là mình đã thay đổi toàn bộ phong cách nhà để phù hợp với mong muốn cũng như nhu cầu của mình.
Ngôi nhà của gia chủ ban đầu được bố trí cho một gia đình 3 thế hệ, mang hơi hướng truyền thống và có khá nhiều đồ đạc. Về phần mình, là một người trẻ chưa lập gia đình, mình ưa chuộng sự tối giản, “vừa đủ”, nên cũng lấy đó làm tinh thần chung khi cải tạo lại.
Tại sao Ly lại lựa chọn mua nhà cũ rồi cải tạo chứ không phải mua hẳn nhà mới?
Một điều khá vui là lúc ban đầu, mình không hề có ý định sửa chữa gì mà sẽ dọn vào ở luôn. Việc mua nhà cũ cũng vì chi phí phù hợp với khả năng hiện tại.
Việc cải tạo vốn phát sinh ở giai đoạn sau khi mua xong. Ban đầu bố mẹ mình không đồng ý. Chính mình là người đã thuyết phục bố mẹ cho cải tạo bằng việc đứng ra nhận trách nhiệm quá trình cải tạo. Cá nhân mình thấy việc cải tạo này vô tình cũng cho mình một trải nghiệm khá thú vị khi được tự tay sửa sang lại căn hộ theo ý thích.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, bạn nghĩ rằng nên cân nhắc những yếu tố nào trước khi quyết định cải tạo nhà cửa?
Mục đích và sự cần thiết của việc cải tạo theo mình là yếu tố tiên quyết. Sau khi đã quyết định việc cải tạo là cần thiết thì sẽ cần cân nhắc tới ngân sách liệu có đáp ứng được kế hoạch cải tạo đó không. Tính an toàn, tiện lợi cho người ở là 2 điều nên được ưu tiên trước khi tính đến bất kỳ yếu tố nào khác.
Ở giai đoạn lên kế hoạch, đương nhiên cần tham khảo thật nhiều. Nhưng thay vì chạy theo xu hướng hay chọn những đồ đạc đắt tiền nhất thì hãy lấy chính căn nhà và mong muốn của mình làm trọng tâm. Chẳng hạn, nhiều người quan niệm phòng khách thì nhất định cần tivi, nhưng cá nhân mình không sử dụng mấy nên mình đã quyết định lược bỏ. Sự phù hợp là trên hết.
Xin cảm ơn Ly vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC