Có 200 triệu đồng gửi đâu lợi nhất?
Lãi suất ngân hàng đang lên "như diều gặp gió", đây có thể là cơ hội tốt để khách hàng lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lãi suất cao, lại an toàn.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng đang liên tục tìm đỉnh mới. Nếu như cách đây khoảng 4 tháng, mức lãi suất 8%/năm còn là hiếm thấy thì nay đã có ngân hàng chào mới khách hàng mức lãi suất lên tới 10-10,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa cập nhật bảng lãi suất huy động mới, trong đó, lãi suất cao nhất lên tới 11,1%/năm, tăng gần 0,5%/năm so với tuần trước. Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 ngày VPBank tăng lãi suất huy động.
Lãi suất trên 11%/năm được áp dụng cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 36 tháng, các tháng tiếp theo lãi suất là 9,25%/năm. Với các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất từ 8,7 - 8,9%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất từ 9,1 - 9,4%/năm...
Techcombank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất tiền gửi từ ngày 22/11, với lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng thêm 0,3%/năm. Với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 - 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và dao động từ 8,4 - 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.
Sacombank cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 17/11 với mức cao nhất là 9,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi online, kỳ hạn gửi 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Ngoài ra, nhà băng này cũng áp dụng lãi suất lên tới 9,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng được hưởng lãi suất dao động 8,3 - 9%/năm.
Một số ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động với mức lãi suất rất cạnh tranh.
Cụ thể, từ ngày 18/11 – 29/11/2022, OceanBank triển khai chương trình "Ngày Vàng gửi tiền, rinh liền lãi Đỉnh", với mức lãi suất áp dụng lên tới 10%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 9%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.
Trước đó, GPBank cũng áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 10%/năm dành cho các khoản tiền gửi tại quầy. Theo đó, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8,95%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, có 1 sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi tại GPBank từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng, người gửi tiền còn có thể được cộng lãi suất lên đến 10,05%.
Hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay đều đã niêm yết lãi suất huy động cao nhất trên 9%/năm. Nhiều ngân hàng có lãi suất trên 9,5%/năm như SCB, VIB, Kienlongbank, MSB...
Trong khi đó, lãi suất cao nhất trong nhóm Big 4 hiện nay là 8,2%/năm: VietinBank áp dụng lãi suất 8,2%/năm cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng; tương tự, Vietcombank là 7,4%/năm; BIDV và Agribank là 7,9%/năm.
Xét trên tổng thể, có 200 triệu đồng thời điểm hiện tại gửi OceanBank sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất hơn cả. Với mỗi 200 triệu, lĩnh lãi cuối kỳ, sau 12 tháng khách hàng sẽ có thêm 20 triệu đồng tiền lãi + tiền gốc.
Theo sau OceanBank là nhóm các ngân hàng thương mại như SCB, VIB, Kienlongbank, MSB... đều có mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 9,4-9,65%/năm. Tương ứng, gửi 200 triệu tại các ngân hàng này sẽ nhận trung bình tiền lãi từ 18,8 - 19,30 triệu đồng + tiền gốc vào cuối kỳ hạn.
Tiếp theo là các ngân hàng có quy mô tài sản lớn cũng đang đẩy mạnh hút tiền. Như với sản phẩm Prime Savings của VPBank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong 1 tháng đầu (nhân 1,2 lãi suất các tháng sau), sau đó trở về mức lãi suất 8,9%/năm lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng. Tức, với 200 triệu, cuối kỳ khách hàng có thể nhận về 18,1 triệu đồng tiền lãi + tiền gốc.
Gửi 200 triệu tại Techcombank khách hàng có thể nhận về 18,2 triệu tiền lãi + tiền gốc sau 12 tháng (lãi suất 9,1%).
Dù lãi suất ở khối ngân hàng thương mại cao hơn khá nhiều (trung bình khoảng 1-1,8%) so với lãi suất tại khối các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, Big 4 vẫn là lựa chọn của đa số người gửi tiền khi nhóm này chiếm 1/2 tổng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng.
Cần lưu ý rằng, mức lãi suất nêu trên là lãi nhận cuối kỳ, nếu khách hàng rút trước hạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn (tối đa chỉ khoảng 1%/năm). Hoặc nếu không muốn gửi kỳ hạn 12 tháng, hiện nay mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 6-11 tháng của các ngân hàng cũng rất ưu đãi, thấp hơn mức lãi suất 12 tháng trung bình chỉ khoảng 0,8-1%/năm.
Đây có thể là thời điểm tốt nhất để người dân chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất cao lại an toàn. Theo thống kê, lãi suất huy động hiện nay tại đã vượt cả giai đoạn trước COVID-19 và chỉ đang thấp hơn giai đoạn khủng hoảng 2011-2012. Cần lưu ý, quy mô tín dụng hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2011, vì vậy thanh khoản ngân hàng dù có gặp khó khăn buộc phải tăng lãi suất thì cuộc đua lãi suất cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và sẽ khó có thể có mức lãi suất huy động cao tới mức 15-18% như những năm 2011-2012.
Một số chuyên gia cho rằng, cuộc đua lãi suất sẽ dừng lại khi vấn đề thanh khoản của các ngân hàng được giải quyết. Mức lãi suất cao như hiện nay có thể được kéo dài đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 và sẽ hạ nhiệt sau dịp Tết nguyên đán.