CNN: Thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Gaza từ Qatar và sự hậu thuẫn từ Israel
Kể từ khi Hamas thực hiện cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, quốc gia vùng Vịnh Qatar đã nhận nhiều chỉ trích từ quan chức Israel, chính trị gia Mỹ và các cơ quan truyền thông vì đã gửi viện trợ hàng trăm triệu USD tới Gaza.
Tuy nhiên những khoản viện trợ này đều được Israel hậu thuẫn.
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn với các nhân vật chủ chốt được thực hiện cùng với tổ chức Shomrim của Israel, CNN đã được cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người đã mở cửa nguồn tài chính này cho Hamas, mặc cho những lo ngại nhận được từ nội bộ Chính phủ của ông.
Qatar đã cam kết sẽ không ngừng cung cấp lượng viện trợ này. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulaziz Al-Khulaifi hôm thứ Hai đã cho biết, Chính phủ của ông sẽ tiếp tục hỗ trợ Gaza, như đã làm trong nhiều năm qua.
“Chúng tôi sẽ không thay đổi cam kết. Cam kết của chúng tôi là liên tục giúp đỡ và hỗ trợ cho những anh chị em của chúng tôi tại Palestine. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết này một cách có hệ thống như đã làm trước đây”.
Các nguồn tin từ Israel đã phản hồi và chỉ ra Chính phủ kế nhiệm đã thực hiện hỗ trợ tài chính tới Gaza vì mục đích nhân đạo và ông Netanyahu đã có hành động quyết đoán nhằm đối phó với Hamas sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.
Thời điểm viện trợ từ Qatar bắt đầu
Vào năm 2018, Qatar bắt đầu gửi hỗ trợ tài chính tới Dải Gaza hàng tháng. Khoảng 15 triệu USD đã được gửi vào Gaza trong các vali chứa tiền mặt – được người Qatar gửi tới qua lãnh thổ Israel sau nhiều tháng thương lượng với Israel.
Một nguồn tin Chính phủ Israel có thông tin về vấn đề này cho biết các khoản tiền này bắt đầu được cung cấp sau khi Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), Chính phủ Palestine tại Bờ Tây và đối thủ của Hamas, quyết định cắt lương nhân viên Chính phủ tại Gaza vào năm 2017.
PA vào thời điểm đó đã phản đối các khoản hỗ trợ của Qatar, mà Hamas khẳng định được sử dụng để trả lương cho nhân viên chính phủ và chi trả cho mục đích y tế.
Israel đã thông qua thỏa thuận này trong một cuộc họp nội các vào tháng 8 năm 2018, khi ông Netanyahu còn đang trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây.
Ngay cả trong thời điểm đó, ông Netanyahu đã bị chỉ trích đã quá mềm mỏng với Hamas.
Ông đã bảo vệ thỏa thuận đó, cho rằng thỏa thuận đã được lập ra “với sự hợp tác của các chuyên gia an ninh để đưa hòa bình về cho miền Nam Israel và đồng thời ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Gaza”.
Ahmad Majdalani, thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine tại Bờ Tây, đã cáo buộc Mỹ đã dàn dựng các thỏa thuận này.
Lý do Israel hậu thuẫn các khoản viện trợ
Truyền thông Israel và quốc tế đã đưa tin về kế hoạch tiếp tục cho phép viện trợ được đưa tới Gaza qua Qatar của ông Netanyahu có thể giúp Hamas trở thành đối trọng hiệu quả với PA và ngăn chặn thành lập một nhà nước Palestine.
Quan chức PA vào thời điểm đó đã cho biết các nguồn hỗ trợ tài chính đã chia rẽ các phe phái người Palestine.
Thiếu tướng Amos Gilad, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel, cho biết kế hoạch này được hậu thuẫn bởi Thủ tướng, nhưng không được ủng hộ bởi cộng đồng tình báo Israel. Một số người cũng tin rằng kế hoạch này sẽ “làm yếu đi chủ quyền của người Palestine”. Ông cũng cho biết một số người ảo tưởng rằng “nếu chúng ta cho [Hamas] tiền, chúng ta có thể kiểm soát họ”.
Shlomo Brom, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Israel, đã cho biết Hamas lớn mạnh đã giúp ông Netanyahu tránh phải thương lượng về giải pháp nhà nước Palestine, và cho biết sự chia rẽ trong người Palestine giúp ông đề ra quan điểm rằng người Palestine không ủng hộ ông thương lượng hòa bình, và từ đó tránh khỏi áp lực yêu cầu ông đề ra thỏa thuận hòa bình có thể dẫn tới giải pháp thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Naftali Bennett, cựu Thủ tướng Israel, cho biết sau nhiều năm thể hiện sự lo ngại trước Chính phủ ông Netanyahu khi ông còn đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Bennett đã ngừng hoạt động chuyển tiền mặt khi trở thành Thủ tướng vào năm 2021.
“Tôi đã ngừng hoạt động chuyển tiền mặt này vì tôi tin rằng đó là sai lầm khủng khiếp – cho phép Hamas có những vali đầy tiền mặt này là đi ngược lại với mong muốn ngăn chặn họ tập trung lại để chống lại người Israel. Làm sao chúng tôi có thể cho họ tiền để họ có thể tiêu diệt chúng tôi được?”
Tờ New York Times cho biết các đợt chuyển tiền mặt bị ngừng lại, tuy nhiên hoạt động hỗ trợ tài chính tới Gaza vẫn được tiếp diễn dưới quyền ông Bennett.
Một quan chức Israel cho biết quan điểm ông Netanyahu muốn giữ vững một Hamas “yếu thế vừa phải” là “hoàn toàn sai lệch” và ông Netanyahu khiến cho Hamas suy yếu “đáng kể”.
“Ông đã thực hiện ba chiến dịch quân sự chống lại Hamas và tiêu diệt hàng ngàn tên khủng bố cũng như chỉ huy cấp cao của Hamas. Chính phủ kế nhiệm của Israel trước, trong và sau chính phủ của ông Netanyahu đã cho phép tài chính được cung cấp tới Gaza. Không phải để củng cố Hamas mà để ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo thông qua hỗ trợ đề ra cơ sở hạ tầng chủ chốt, bao gồm hệ thống nước và thải nhằm ngăn chặn lan tràn dịch bệnh”.
Phản ứng dữ dội cho ông Netanyahu
Ông Netanyahu đang ngày càng chịu nhiều chỉ trích khi mức độ dính líu của Chính phủ do ông đứng đầu vào quyết định này cũng như động cơ đằng sau những dính líu đó ngày càng được đưa ra ánh sáng.
Thỏa thuận hỗ trợ tài chính này là một lý do những người Israel đã đặt phần nào trách nhiệm về vụ tấn công ngày 7 tháng 10 lên cá nhân ông Netanyahu. Nhiều người cho biết họ tin rằng việc ông cho phép hỗ trợ tài chính này đã khiến Hamas mạnh hơn, và từ đó khiến cuộc tấn công đẫm máu hơn.
Tal Schneider trong một bài viết quan điểm trên tờ Times of Israel trong ngày 8 tháng 10 đã viết: “Chính sách đánh giá tổ chức khủng bố là đối tác của thủ Tướng, nhằm chống lại Mahmoud Abbas của Chính quyền Dân tộc Palestine và Nhà nước Palestine đã dẫn tới những vết thương mà Israel sẽ mất nhiều năm để có thể lành”.
Ông Gilad, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Israel, cho biết ông là một trong những người đã phản đối cho phép hỗ trợ tài chính tới tay Hamas, khẳng định việc cho phép dòng tiền trong những năm trước đó là “sai lầm khủng khiếp”.
Với nguồn đầu tư này, “họ có thể giải quyết vấn đề trong dân số. Họ có thể giải quyết vấn đề cải thiện quân sự, và xây dựng kho vũ khí”.
Các chỉ trích của người Israel về ông Netanyahu đã ngày càng tăng sau khi vụ tấn công xảy ra, và nhiều người cho rằng ông cần chịu trách nhiệm vì đã thất bại trong ngăn chặn cuộc tấn công này.
Phản ứng dữ dội cho Qatar
Qatar tiếp tục giữ quan hệ chặt chẽ với Hamas và phương Tây, bao gồm Mỹ. Quốc gia này đã chịu chỉ trích dữ dội vì đã cho phép tổ chức được Iran hậu thuẫn này đề ra văn phòng tại Doha, hoạt động từ năm 2012 tới nay.
Tuy nhiên Qatar cũng đã hỗ trợ Israel, đóng vai trò chủ đạo trong thỏa thuận trả tự do cho con tin bị bắt giữ từ ngày 7 tháng 10 và bị Hamas giữ tại Gaza.
Tuy nhiên một số quan chức Israel đã chỉ ra Qatar nằm trong số các bên cấn chịu trách nhiệm về vụ tấn công, với khẳng định quốc gia vùng Vịnh này ủng hộ Hamas.
Trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Eli Cohen cáo buộc Qatar đã hỗ trợ tài chính cho Hamas và chứa chấp lãnh đạo của Hamas.
“Qatar, quốc gia đã hỗ trợ tài chính và chứa chấp lãnh đạo của Hamas, có thể là nhân tố ảnh hưởng và dẫn tới sự giải phóng vô điều kiện của mọi con tin bị khủng bố bắt giữ. Các thành viên cộng đồng quốc tế cần yêu cầu Qatar làm đúng như vậy”.
Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, và cảnh báo những “phát biểu mang tính khiêu khích” này có thể phá hoại nỗ lực thương lượng và thậm chí có thể “gây nguy hiểm cho tính mạng con người”.
Ông Gilad cũng đã cáo buộc Qatar, khẳng định quốc gia vùng Vịnh này “cung cấp 1 tỷ shekel mỗi năm (tương đương 30 triệu USD mỗi tháng)” và đã sử dụng số tiền này để củng cố khả năng kiểm soát Gaza của họ. “Đối với Hamas, đây là sự cứu tế, đây là khí oxy mà họ thở”.
Qatar bác bỏ cáo buộc những hỗ trợ tài chính này được cung cấp cho Hamas, và khẳng định khoản tiền này được cung cấp nhằm trả lương cho các lao động tại khu nội phận.
Quốc gia vùng Vịnh này có chứa nhiều căn cứ không quân lớn của Mỹ, và cũng đã chịu áp lực từ Quốc hội Mỹ. Một nhóm các cá nhân từ các đảng gồm 113 nhà lập pháp đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 16 tháng 10 yêu cầu ông gây áp lực lên các quốc gia đã ủng hộ Hamas, bao gồm Qatar.
Al-Khulaifi, Thủ tướng Qatar, người đã đi đầu nỗ lực thương lượng của quốc gia ông trong cuộc chiến Israel-Hamas, khẳng định quốc gia ông sẽ “tiếp tục giữ quan hệ với các đối tác quốc tế và khu vực và đảm bảo những nguồn hỗ trợ tài chính này sẽ tới tay những người dễ bị tổn thương nhất cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)