CNN: Những tàu chiến "tốt nhất thế giới" không thuộc về Mỹ

Chia sẻ Facebook
05/06/2023 19:25:57

Các chỉ huy hải quân của của Mỹ gần đây đã phải vò đầu bứt tai khi đối mặt với một vấn đề đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn: Họ luôn phải tìm cách bắt kịp hạm đội tàu chiến ngày càng lớn của Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc không chỉ là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, lợi thế về số lượng của họ với Mỹ còn đang ngày càng trở nên lớn hơn, và Bộ trưởng Hải quân Mỹ gần đây đã phải cảnh báo về việc các xưởng đóng tàu của Mỹ không thể bắt kịp họ. Một số chuyên gia ước tính Trung Quốc có thể đóng ba chiếc tàu chiến trong thời gian Mỹ cần để đóng một chiếc tàu.


Bên cạnh những hoạt động của Trung Quốc tại khu vực biển ven đảo Đài Loan, đây là một trong những mối lo đè nặng lên vai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin khi ông cùng họp mặt cùng các thành viên quân sự cấp cao tại khu vực này trong tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore.

Tuy nhiên, trước khi hội nghị thượng đỉnh này bắt đầu, một số chuyên gia đã phân tích giải pháp khả thi đối với một trong những vấn đề hóc búa mà Mỹ phải đối mặt - lợi thế về số lượng của hạm đội hải quân Trung Quốc - có thể đang nằm trong tầm với, nếu như Mỹ có thể nghĩ thoáng hơn.

Theo các chuyên gia này, Washington nắm giữ một yếu tố mà chính quyền Bắc Kinh không có được: các đồng minh tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện đang sản xuất những mẫu tàu chiến có thông số kỹ thuật cao và giá thành thấp nhất trên toàn thế giới.

Các chuyên gia này cũng cho biết việc mua tàu chiến từ các quốc gia này, hay sản xuất tàu chiến do Mỹ thiết kế tại các xưởng đóng tàu của họ sẽ là một phương pháp hiệu quả giúp thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.


Blake Herzinger, một thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ tại Australia khẳng định những tàu chiến này “chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm với các đối trọng của chúng (từ Trung Quốc)”, và Carl Schuster, cựu chỉ huy điều hành hoạt động tại Trung tâm Tình báo Tác chiến của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii đã cho biết, những nhà thiết kế tàu chiến của Nhật Bản “nằm trong hàng ngũ những người giỏi nhất thế giới”.

Cả hai quốc gia này đều có ký kết hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, vậy tại sao Mỹ vẫn chưa hợp tác với họ để bắt kịp với Trung Quốc?

Vấn đề chính là vì luật pháp Mỹ hiện tại nghiêm cấm hải quân nước này mua các tàu chiến sản xuất tại nước ngoài - ngay cả từ các nước đồng minh - hoặc sản xuất tàu chiến của họ tại nước ngoài vì lí do an ninh cũng như mong muốn bảo vệ ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ.

Ông Schuster, ông Herzinger và các chuyên gia khác nằm trong số một nhóm các chuyên gia có quan điểm cần phải nghĩ tới việc thay đổi luật pháp nhằm giúp Mỹ chiếm lại lợi thế trên biển.

Type 055. Nguồn: Naval Technology.

Kẻ thách thức Type 055 vượt trội của Trung Quốc

Lầu Năm Góc ước tính hải quân Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 340 tàu chiến, so với con số chưa tới 300 của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng hạm đội của Trung Quốc sẽ đạt tới con số 400 tàu trong hai năm tới, và hạm đội của hải quân Mỹ sẽ phải "đợi" tới năm 2045 để đạt được con số 350.


Tuy nhiên con số ngày càng lớn của hạm đội hải quân Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất đáng quan tâm. Một số mẫu tàu chiến của Trung Quốc đang có hỏa lực lớn hơn nhiều so với các đối trọng đến từ Mỹ của chúng.
Ví dụ như Type 055 của Trung Quốc, trong mắt nhiều người là tàu khu trục hàng đầu thế giới.

Với trọng lượng từ 12000 tới 13000 tấn, tàu Type 055 lớn hơn so với tàu khu trục thông thường, có kích cỡ gần tương đương với tàu tuần dương cấp Ticonderoga của Hải quân Mỹ, và mang lượng hỏa lực đáng gờm.

Tàu này mang 112 bệ phóng thẳng đứng (VLS) với khả năng phóng tên lửa phòng không và chống tàu, lớn hơn con số 96 bệ phóng trên tàu khu trục cấp Arleigh Burke mới nhất của Hải quân Mỹ. Tàu này cũng được trang bị hệ thống radio và vũ khí chống tàu ngầm tiên tiến.

Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt các tàu chiến này. Họ bắt đầu sản xuất các tàu Type 055 vào năm 2014, và gần đây đã bắt đầu sản xuất tàu thứ tám mang tên Hàm Dương. Tiến độ sản xuất tàu khu trục cấp Zumwalt của Mỹ đã chậm hơn rất nhiều, với quy trình thi công bắt đầu 5 năm trước đó, nhưng tới nay mới chỉ có hai tàu được đưa vào hoạt động.


Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng tàu Type 055 có thể gặp đối thủ đáng gờm trước tàu khu trục cấp Sejong the Great của Hàn Quốc.
Với trọng lượng 10000 tới 12000 tấn, tàu Sejong có kích cỡ nhỏ hơn so với Type 055 của Trung Quốc, nhưng mang lượng hỏa lực lớn hơn,với 128 bệ VLS và hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa phòng không, chống tàu ngầm và tên lửa hành trình.

Ba tàu Sejong với chi phí 925 triệu USD mỗi chiếc là niềm tự hào của hạm đội hải quân Hàn Quốc.

Cơ quan Truyền thông Quốc phòng nước này cho biết: “Chỉ với một tàu này, (hải quân Hàn Quốc) có thể đối phó với nhiều tình huống cùng lúc - phòng không, chống tàu, chống tàu ngầm, tấn công bộ - và phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo”.


Cựu Đô đốc hải quân Hàn Quốc Duk-ki Kim, người đầu tiên chỉ huy một tàu Sejong, tin rằng tàu này đủ khả năng đối đầu với Type 055 của Trung Quốc.
Ông Kim, phó Giám đốc tại Hiệp hội Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc nói với CNN: “Trung Quốc đang tập trung vào số lượng và tính cạnh tranh về chi phí thay vì tập trung vào chất lượng các tàu của họ”.

Sejong the Great. Nguồn: DAPA.

Thông số cao, chi phí thấp

Theo ông Alessio Patalano, giáo sư bộ môn chiến tranh và chiến lược tại Đại học Nhà vua tại London, Nhật Bản cũng đang sở hữu một số tàu khu trục “tầm cỡ thế giới”.

Tàu khu trục cấp Maya mới nhất của nước này được trang bị 96 bệ VLS, có thể phóng tên lửa chống đạn đạo cũng như tên lửa chống tàu ngầm, đồng thời theo ông Patalano, “chất lượng các cảm biến và hệ thống của nó đứng ở hàng cao cấp nhất thế giới”. Trong tháng 11 vừa rồi, các tàu Maya đã thể hiện khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo trên đường bay bên ngoài bầu khí quyển trái đất.

96 bệ VLS này đặt tàu Maya ngang hàng với tàu cấp Arleigh Burke của Mỹ, nhưng hai tàu này có điểm khác biệt quan trọng: tàu Arleigh Burke có chi phí 2,2 tỷ USD, tàu Maya có chi phí thấp hơn 1 tỷ USD so với đó.

Nói cách khác, tàu Maya là đại diện của “cả chất lượng lẫn số lượng”: các tàu này có thông số kỹ thuật cao, chi phí thấp và có thể được sản xuất nhanh chóng.

Ông Patalano cho biết: “Trong khi Trung Quốc đang thể hiện khả năng đóng tàu hàng loạt đáng kinh ngạc, Nhật Bản đang dẫn đầu về mặt sản phẩm chất lượng cao giá thành thấp ở quy mô lớn hơn so với phần lớn các cường quốc hải quân mà không mất đi tốc độ sản xuất. Tính cân bằng đó, cùng với kinh nghiệm thiết kế tàu của họ, là lợi thế đáng tôn trọng”.

Và không chỉ tàu Maya. Hãy nhìn vào tàu khu trục cỡ nhỏ cấp Mogami của Nhật Bản: một tàu chiến tốc độ cao, khó phát hiện với trọng lượng 5500 tấn với 16 bệ phóng thẳng đứng có thể phóng tên lửa phòng không và tên lửa chống tàu. Tàu này được vận hành bởi thủy thủ đoàn chỉ 90 người và với mức giá 372 triệu USD mỗi tàu.

Ngược lại, tàu khu trục cỡ nhỏ hiện đang được phát triển của Mỹ mang cấp Constellation được dự kiến sẽ có chi phí cao gấp ba lần và yêu cầu được vận hành bởi thủy thủ đoàn lớn gấp đôi. Đây là lựa chọn không được lý tưởng, trước tình hình Hải quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân - phó chỉ huy hoạt động hải quân của Mỹ đã cho biết họ rất có khả năng con số tuyển quân sẽ thấp hơn 6000 so với mục tiêu trong năm nay - tuy nhiên các tàu Constellation được dự kiến sẽ được trang bị số lượng bệ VLS nhiều hơn gấp đôi so với các tàu Mogami.

Rất khó để so sánh chi phí các tàu này với chi phí tàu Type 055 vì tính thiếu thông tin. Các ước tính về chi phí tàu này rơi vào khoảng từ 925 triệu USD tới 2.6 tỷ USD mỗi tàu.

Mogami. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Vũ khí bí mật của phương Đông

Điều gì khiến cho các xưởng đóng tàu của Hàn Quốc và Nhật Bản có khả năng cạnh tranh cao như vậy?

Theo ông Schuster, tình trạng vượt chi phí, một tình trạng cố hữu trong quy trình thầu quốc phòng tại Mỹ, không phổ biến tại Nhật, vì khác với Mỹ, quốc gia này yêu cầu các nhà sản xuất phải theo sát ước tính chi phí ban đầu của họ.

Ông Schuster cho biết: “Mức thầu của một xưởng đóng tàu tại Nhật Bản là con số tuyệt đối. Nếu họ sản xuất hoàn thiện ở mức chi phí thấp hơn chi phí ước tính, họ mang về lợi nhuận cao hơn. Nếu họ gặp phải trì hoãn hay sai lầm, nhà sản xuất phải tự khắc phục và chịu chi phí”.

Ông tin rằng phương pháp này “thông thái hơn nhiều” so với phương pháp tại Mỹ nêu ra ví dụ trong những vấn đề mà tàu cấp Zumwalt cũng như các tàu chiến vùng duyên hải gặp phải, khiến Lầu Năm Góc phải chi trả hàng tỷ USD cho các mẫu tàu chiến. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình lại cho rằng hải quân Mỹ hoàn toàn không biết có thể sử dụng chúng trong trường hợp nào.

Ba tàu khu trục cấp Zumwalt của Mỹ có giá 8 tỷ USD mỗi chiếc, và hiện tại vẫn chưa rõ những tàu này sẽ hoạt động cùng các tàu khác trong hạm đội như thế nào.

Cùng lúc đó, một số tàu chiến vùng duyên hải của Mỹ với chi phí hơn 350 triệu USD mỗi chiếc được dự kiến sẽ bị tháo dỡ khi chúng hoạt động chưa được một phần ba vòng đời.

Zumwalt. Nguồn: Hải quân Mỹ.

Thời điểm cân nhắc lại

Những tàu chiến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đều được thiết kế để trang bị công nghệ, vũ khí, radar và hệ thống chỉ huy và điều khiển Aegis của Mỹ.

Một phần lý do trong đó là nhằm giúp hải quân hai nước này có thể hợp tác hoạt động liền mạch với hải quân Mỹ, như họ đã làm trong những cuộc tập trận đầu năm nay.

Nhưng nếu như các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng công nghệ tương đồng và có thể hoạt động cùng nhau, vậy thì lý do gì khiến luật pháp ngăn cấm Mỹ sản xuất tàu chiến của mình tại các xưởng đóng tàu ở Nhật Bản và Hàn Quốc?


Lệnh cấm này không chỉ nhằm chống lại các lo ngại về an ninh, chúng còn được đề ra nhằm bảo hộ việc làm và chuyên môn đóng tàu tại Mỹ.
Trong năm 2019, hoạt động kinh tế liên quan tới ngành công nghiệp đóng tàu tại Mỹ chiếm 400 ngàn việc làm và 42.4 tỷ USD trong GDP nước này, theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Hàng hải, với 154 xưởng đóng tàu trên 29 bang khác nhau được phân loại là xưởng sản xuất tàu đang hoạt động và hơn


300 xưởng hoạt động trong sửa chữa tàu, hoặc có khả năng sản xuất tàu.
Quân đội Mỹ là một nguồn cầu quan trọng cho các xưởng đóng tàu này; mặc dù chưa tới 3% tổng số tàu được sản xuất trong năm 2020 được chuyển giao cho các cơ quan chính phủ Mỹ, 14 trong tổng số 15 tàu cỡ lớn được chuyển giao cho Hải quân Mỹ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ.

Arleigh Burke. Nguồn: Hải quân Mỹ.

Quyết định khó khăn

Những quyết định được cho là sẽ mang lại bất lợi cho ngành công nghiệp quan trọng như vậy nhất định sẽ gặp phải phản đối trên trường chính trị. Theo USNI News, những đại diện ngành đóng tàu cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp trong nước.


Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ Travis Callaghan đã cho biết: “Hải quân hiện tại nắm giữ một số lượng lớn các tàu đang được sản xuất hoặc đã được ký kết hợp đồng sản xuất tại nhiều xưởng đóng tàu khác nhau. Chúng tôi đã và đang tiếp tục đề ra các khoản đầu tư đáng kể tại các xưởng đóng tàu trong nước giúp gia tăng và tối ưu hóa khả năng sản xuất. Hải quân Mỹ cam kết sẽ cung cấp lực lượng hải quân sẵn sàng, hiện đại và mạnh mẽ, tiếp tục là lực lượng kiểm soát biển chính của quốc gia trong hiện tại cũng như tương lai”.
Bên cạnh đó cũng có một số nhà phân tích, mặc dù ngưỡng mộ khả năng sản xuất tàu của Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn cho rằng việc yêu cầu họ sản xuất tàu cho Mỹ là một quyết định đi quá xa.

Bên lề Đối thoại Shangri-La, ông Nick Childs, thành viên nghiên cứu hải quân cấp cao tại IISS cho biết việc Mỹ hợp tác với các đồng minh của mình đã bắt đầu thay đổi quỹ đạo sức mạnh hải quân tại châu Á khỏi Trung Quốc.

Ông cho biết, hiện tại khu vực này đang chứng kiến “một giai đoạn cân bằng hàng hải mới”, dần đưa lợi thế nghiêng về phía Washington. Tuy nhiên ông không nghĩ rằng sản xuất tàu chiến của Mỹ tại các quốc gia khác là câu trả lời phù hợp.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng câu trả lời là học cách họ làm thay vì yêu cầu họ làm thay chúng ta”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thuê sản xuất từ bên ngoài cho rằng, việc tận dụng sự hỗ trợ từ đồng minh mang lại câu trả lời nhanh chóng hơn, và chỉ ra rằng, Mỹ đã có sẵn những thiết kế từ các quốc gia bên ngoài. Tàu khu trục cỡ nhỏ cấp Constellation được thiết kế dựa trên thiết kế của Italia và Nhật Bản cũng đã từng được nêu ra làm một nguồn cung cấp bản thiết kế tiềm năng trong tương lai.

Ông Schuster phân tích thiết kế là không đủ - ông cho rằng Mỹ cần nhiều tàu chiến hơn ngay bây giờ.

“Vì các xưởng đóng tàu đã đang hoạt động hết công suất tại Mỹ, việc chuyển giao một phần công việc đó sang Nhật Bản có thể giúp giải quyết vấn đề này cho tới khi Mỹ cải tạo và mở rộng các xưởng đóng tàu của mình, một quy trình dài 10 năm theo ý kiến của nhiều nhà phân tích”.

Cựu đô đốc Hàn Quốc Kim tin rằng việc hợp tác sản xuất tàu sẽ mang lại “tình thế đôi bên cùng có lợi” cho cả hai nước.

Ông Herzinger cũng là một trong những người nghĩ rằng đã đến lúc cân nhắc lại về luật pháp.

Ông cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc “đều sản xuất tàu chất lượng cao đúng thời hạn và với ngân sách phù hợp, hai điều mà (Mỹ) đã không còn khả năng làm được”.


Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Chia sẻ Facebook