CNN: Moskva khó tìm được khách mua thay thế nếu EU hoàn toàn "quay lưng" với khí đốt Nga

Chia sẻ Facebook
04/06/2022 12:49:44

Dù xuất khẩu khí đốt giảm, nhưng Nga vẫn chưa thấy thay đổi đáng kể trong doanh thu do giá năng lượng trên thế giới tăng cao.

CNN: Nga khó tìm khách mua khí đốt thay thế

Theo đài CNN (Mỹ), xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đã giảm hơn 25% kể từ tháng 1, tuy nhiên giá năng lượng tăng cao lại giúp nước này tiếp tục thu về nhiều tiền dù lượng khí đốt xuất khẩu bị cắt giảm.

Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom hôm 1/6 cho biết xuất khẩu khí đốt của Nga sang các quốc gia không thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG - bao gồm 11 quốc gia ở Trung Á và Đông Âu) đã giảm gần 28% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Mặc dù vậy, EU đang nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, thông qua việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và cam kết cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga tới 66% trước cuối năm nay.

Các quốc gia cũng đang gấp rút lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước mùa đông để tránh những cú sốc nguồn cung thảm khốc có thể xảy ra. EU đã đặt mục tiêu cho các quốc gia thành viên rằng họ cần lấp đầy ít nhất 80% các kho dự trữ vào tháng 11 năm nay.

Đức, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối EU, phụ thuộc đặc biệt nhiều vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp nặng của nước này. Tuy nhiên Berlin đã cố gắng giảm thị phần nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống 35%.

Có thể trong thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa cảm nhận được tác động, theo CNN. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, EU là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, nhưng giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt đã giúp Moskva tăng doanh thu.

Một số công ty năng lượng lớn nhất châu Âu đã bắt đầu quá trình mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để mua được khí đốt của Nga theo quy chế thanh toán bằng đồng rúp.

Thế nhưng, CNN cho rằng khi châu Âu quay lưng lại với khí đốt của Nga trong những tháng tới, Moskva sẽ khó tìm được người mua thay thế. Lí do được CNN đưa ra là khác với dầu mỏ, việc xuất khẩu khí đốt của Nga chủ yếu được vận chuyển qua các đường ống, và có thể mất nhiều năm để xây dựng.

Quốc gia châu Âu nào phụ thuộc vào khí đốt Nga nhất? Nguồn: CNN

Chuyên gia: Nga đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ ra sao?

Tờ Vedomosti hôm 3/6 trích dẫn nguồn tin trong ngành cho biết: Sản lượng dầu của Nga đã tăng 5% trong tháng trước sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 4.

Cụ thể, sản lượng trong tháng 5 lên tới 10,2 triệu thùng/ngày, tăng từ 10 triệu thùng trong tháng 4, nhưng vẫn giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng dầu năm 2022 của Nga có thể giảm xuống còn 480-500 triệu tấn, từ mức 524 triệu tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Novak, chính phủ Nga dự kiến rằng sản lượng sẽ dần phục hồi khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tháng này.

Theo báo cáo của Vedomosti, từ tháng 1 đến tháng 5, các nhà sản xuất dầu của Nga đã tăng sản lượng khoảng 3,5% so với năm ngoái lên 219,9 triệu tấn. Thống kê cho thấy xuất khẩu dầu của Nga tăng gần 13% lên 102,7 triệu tấn, bất chấp việc một số nhà kinh doanh dầu mỏ nước ngoài đang do dự về việc mua dầu thô của Nga do lo ngại về tác động thứ cấp của các lệnh trừng phạt.

Các nhà phân tích cho rằng Nga đã giảm giá dầu của mình để thu hút những khách hàng tiềm năng, và điều này đã có hiệu quả.

Chẳng hạn, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gần 25 lần trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,55 triệu tấn. Về lĩnh vực dầu mỏ, Nga chỉ đứng sau Ả Rập Saudi với tư cách là nhà cung cấp chính cho Trung Quốc.

Các chuyên gia dự đoán rằng các nhà sản xuất Nga sẽ tiếp tục định hướng lại việc xuất khẩu sang thị trường châu Á trong những tháng tới, và điều này sẽ đảm bảo việc sản xuất phục hồi hơn nữa.

Dự báo của Refinitiv cho hay lượng dầu Nga xuất khẩu sang Ấn Độ có thể tăng lên mức kỷ lục 900.000 thùng/ngày, trong khi lượng dầu giao bổ sung cho thị trường Trung Quốc có thể lên tới 400.000 thùng/ngày khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 và nhu cầu sử dụng nhiên liệu gia tăng.

Ảnh minh họa

Nga sẽ "đóng cửa" hay "mở cửa" với châu Âu?

Đài RT (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin hôm 2/6 nhấn mạnh: Moskva sẽ không đóng "cánh cửa đến châu Âu" - thứ mà Sa hoàng Peter Đại đế đã "mở ra" vào đầu thế kỷ 18.

Những cải cách sâu rộng nhằm hiện đại hóa nước Nga và tăng cường kết nối với phần còn lại của châu Âu, cũng như mang lại cho Nga quyền tiếp cận Biển Baltic, là một trong những thành tựu quan trọng của vị hoàng đế đầu tiên của Nga.

Sa hoàng Peter Đại đế cai trị nước Nga từ năm 1682 đến năm 1725 và thành lập thành phố Saint Petersburg với vai trò là "cửa sổ dẫn đến châu Âu" của nước này, do vị trí của nó trên sông Neva chảy vào Vịnh Phần Lan ở phần phía Đông của Biển Baltic.


Hôm 2/6, khi được hỏi liệu "cánh cửa đến châu Âu" có bị đóng lại hay không, ông Peskov cho hay: "Không ai có kế hoạch đóng lại bất cứ thứ gì."


Trước đó, Tổng thống Putinn đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách "kìm hãm sự phát triển của Nga", làm suy yếu chủ quyền của nước này và làm suy yếu "tiềm lực công nghiệp, tài chính và công nghệ". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga trước đó cũng đã nhấn mạnh rằng "trong thế giới hiện đại, chuyện cô lập bất kỳ ai đều là không thể, biệt là một quốc gia khổng lồ như Nga"./.

Chia sẻ Facebook