CNN: Cách những blogger trở thành "mắt xích của cuộc chiến"
Tầm ảnh hưởng của các blogger ngày càng lớn theo sau cuộc chiến tại Ukraine trong năm vừa qua và những cuộc bài trừ nền tảng mạng xã hội phương Tây.
Theo CNN, sự kiện blogger quân sự Nga nổi tiếng Vladlen Tatarsky bị sát hại đã thu hút sự quan tâm vào thế giới của các blogger quân sự ủng hộ Nga và vai trò mà họ nắm giữ trong công tác truyền thông của Moskva.
Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, đã tử vong trong một vụ đánh bom vào Chủ Nhật ngày 3/4 vừa qua tại một quán cà phê ở St. Petersburg, nơi anh ta xuất hiện với vai trò khách mời của một nhóm ủng hộ chiến tranh. Blogger này được biết đến bởi thái độ ủng hộ chiến tranh với Ukraine của mình và thái độ ủng hộ ông Yevgeny Prigozhin, người cầm đầu nhóm lính đánh thuê Wagner, cũng như những chỉ trích gay gắt của anh ta về diễn biến trên chiến trường.
Trong khi là một "giọng nói" có tiếng vang trong giới “milblogger” (blogger quân sự) với hơn 500 ngàn người theo dõi kênh Telegram của mình, Tatarsky không phải là người duy nhất có tầm ảnh hưởng. Việc đưa tin về cuộc xung đột này trên các kênh truyền thông ở Nga được cho là bị quản lý chặt chẽ bởi điện Kremlin.
Các nhà bình luận ủng hộ Kremlin như Tatarsky, đôi lúc được gọi là “voenkory” hay “người đưa tin chiến tranh” đã lấp đầy những khoảng trống này.
Trên CNN, Candace Rondeaux, Giám đốc chương trình Future Frontlines tại New America Foundation cho biết: “Những blogger quân sự tại Nga ngày nay cung cấp một dịch vụ không minh bạch, nhưng nó vẫn là một dịch vụ. Họ là những người duy nhất đang theo dõi các sự kiện xảy ra trên chiến trường”.
Theo CNN, nhiều blogger quân sự của Nga được cho có nguồn tin nội bộ rất sâu trong các lực lượng vũ trang quốc gia, tổ chức Wagner hay các thành viên phe ly khai ủng hộ Nga ở Ukraine, và họ có thể khai thác lượng thông tin khổng lồ từ đó. Tatarsky sinh ra ở Ukraine, từng đối đầu với phe ly khai người Nga tại Donbas miền Đông Ukraine và có quan hệ mật thiết với tổ chức Wagner. Blogger này cũng từng có tiền án tiền sự, theo các cơ quan truyền thông của Nga, và theo lời của chính Tatarsky, anh ta từng bị bắt giam vì tội cướp ngân hàng.
Rondeaux cũng nhận xét thêm: “Tất nhiên những người đó có cái nhìn rất thành kiến về cuộc chiến này. Nhưng họ có vai trò quan trọng trong những nỗ lực tìm hiểu cặn kẽ về những sự kiện đang xảy ra, ít nhất là trong một phe của cuộc chiến”.
Ruslan Trad, một học viên nghiên cứu an ninh tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số tại Atlantic Council, cho biết: “Những blogger này biết nhau, họ thường di chuyển tới cùng địa điểm, giao tiếp với nhau và có một hệ thống giao tiếp khép kín. Tatarsky có vai trò rất lớn trong cộng đồng này. Đồng thời, anh ta cũng là nhà phê bình các quyết định quân sự từ các đoàn sĩ quan Nga và các cấp trên. Đôi khi các phân tích của anh ta dẫn tới làn sóng phản ứng tiêu cực trong các sĩ quan, vì anh ta với vai trò là người hậu thuẫn trung thành của nước Nga và quân đội nước này muốn nhìn nhận quân đội này thành công nhiều hơn trên thực tế.
Nhiều blogger, bao gồm Tatarsky, đã hoạt động nhiều năm qua, đưa tin về các chiến dịch quân sự của Nga và tổ chức Wagner tại Trung Đông và châu Phi, và xung đột ở Donbas xảy ra vào năm 2014. Họ đã góp phần quan trọng trong việc nhen nhóm sự ủng hộ cuộc chiến với Ukraine.
Kateryna Stepanenko, nhà phân tích nước Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington cho biết: “Họ đều bắt đầu chuyển sang sử dụng Telegram, và nội dung của họ bắt đầu được truy cập nhiều vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, khi Nga bắt đầu gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc chiến”.
Nga đã cố gắng và thất bại trong những nỗ lực chặn Telegram sau khi nhà sáng lập của công ty này từ chối cung cấp mật mã mã hóa cho FSB, một cơ quan an ninh của Nga. Quốc gia này đã hủy lệnh chặn chính thức đối với nền tảng này trong năm 2020. Một số không nhỏ các blog quân sự nổi tiếng nhất trên Telegram có nguồn gốc từ các phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Những chủ trương mà họ tuyên truyền không mới, nhưng chúng đang lan tới nhiều người hơn nhiều nhờ vào các phương tiện công nghệ.
R.Trad cũng cho biết phần lớn đối tượng của các blogger này là những người ủng hộ cực hữu, người theo chủ nghĩa dân tộc... Anh cho biết những đối tượng này không chỉ nằm trong nước Nga: “Trên nhiều tiêu chí khác nhau, đối tượng của những kênh Telegram này khớp với các đối tượng trong những nhóm cực hữu ở Hoa Kỳ và các cộng đồng thuyết âm mưu. Những người như Tatarsky là "nhà tuyên truyền" và những người hậu thuẫn họ có thể ở những quốc gia phương Tây và trung Âu”.
Tự do chỉ trích
Khác với phương tiện truyền thông quốc gia Nga, một số blogger quân sự có tầm ảnh hưởng không ngại chỉ trích Moskva về thất bại trên chiến trường bao gồm cuộc rút quân từ Kherson vào tháng 11 hay gần đây là cuộc chiến dài ngày ở Bakhmut.
Stepanenko cho biết: “Bộ Quốc Phòng Nga không thừa nhận những thất bại đó, họ không nhắc đến nó trong các trang tin hàng ngày của họ, và các blogger bỗng nhiên từ một nhóm nhỏ đưa tin về chủ đề chủ nghĩa dân tộc và các cuộc xung đột của Nga trên toàn thế giới trở thành một nguồn tin ở Nga”.
Theo CNN, các cơ quan chính quyền Nga đối xử với những blogger này khác với những người khác dám chỉ trích chiến dịch Ukraine của Moskva, bất kể những blogger này có chỉ trích tầng lớp lãnh đạo đến mức nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết nhờ Tatarsky và các blogger quân sự khác mà “thế giới có thể nhìn thấy các đoạn phim có thật và thu thập thông tin về những sự kiện xảy ra tại Ukraine”.
Nhưng chính quyền Nga cũng đang đưa ra các hình phạt cho những “thông tin sai lệch”.
Stepanenko cho biết rằng mặc dù những blogger như Tatarsky thường chỉ trích cách nước Nga đang thực hiện các hoạt động quân sự, họ vẫn là những người ủng hộ trung thành nhất của cuộc chiến này.
Cô cũng cho biết thêm rằng mặc dù phần lớn người Nga vẫn bàng quan về những sự kiện tại Ukraine chừng nào chúng không ảnh hưởng đến họ, điện Kremlin vẫn có thể dựa vào những blogger này tuyên truyền chiến tranh.
“Họ có tư duy tư tưởng mạnh mẽ. Họ nhìn nhận Nga là phe chính trực trong cuộc xung đột này....Những blogger này cũng đã có vai trò quan trọng trong các cuộc huy động vốn cộng đồng và kêu gọi hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến tranh. Stepanenko cho biết họ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc tuyển quân trong nhiều năm qua, họ đã tuyển quân cho những hoạt động quân sự hỗn hợp giữa Nga và tổ chức Wagner tại Syria và châu Phi.
Theo Rondeaux, nhiều blogger trong giới chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ một số người giàu nhất nước Nga, khiến họ càng có thế lực hơn.
Rondeaux cho biết: “Mọi người thường cho rằng ông Putin là một người nắm quyền kiểm soát mọi thứ trong và ngoài điện Kremlin. Điều này một phần là đúng. Ông nắm rất nhiều quyền lực đối với các cơ quan quốc gia. Ông có quyền lực lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên khắp quốc gia này và đi kèm với đó là quyền kiểm soát nguồn tài sản của quốc gia. Nhưng có một vấn đề sâu xa hơn. Những tài phiệt và lực lượng an ninh của họ đã bắt đầu kết hợp chặt chẽ đến mức các phe này không thể tách biệt nữa và họ cần lẫn nhau”.
Mặc dù tầm ảnh hưởng của các blogger đã lớn hơn nhiều trong năm vừa qua, R. Trad cho rằng cái chết của Tatarsky sẽ tạo nên một thay đổi lớn trong phong trào này. Các kênh chính thống về tổ chức Wagner và Prigozhin nhiều khả năng sẽ mở rộng vào cộng đồng của Tatarsky và sử dụng nó làm phương tiện hướng tới đối tượng lớn hơn.
Nhưng Trad cho biết, đây cũng là một đòn cảnh báo...
Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)