CNBC: Kinh tế Mỹ chưa suy thoái
Diễn biến thị trường lao động tại Mỹ trong sáu tháng qua khác hoàn toàn với các giai đoạn suy thoái trước.
Nếu như chuyến tàu kinh tế Mỹ dừng lại tại “nhà ga” suy thoái, thị trường lao động có lẽ đã bỏ lỡ chuyến tàu đó.
Bức tranh thị trường lao động trong nửa năm qua không cho thấy bất cứ một dấu nào chứng tỏ nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Thay vào đó, số lượng việc làm mới tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, với trung bình gần 400.000 đơn vị mỗi tháng.
Nguyên cứu của Steve Liesman, nhà báo kinh tế nổi tiếng của CNBC , cho thấy trong các giai đoạn nền kinh tế suy yếu, tình trạng thị trường lao động thường xấu hơn rất nhiều.
Một số thống kê đã được đưa ra nhằm cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn rõ hơn về hiện tượng này.
Nhóm nghiên cứu của CNBC thống kê dữ liệu từ năm 1947. Trong những lần tăng trưởng kinh tế “đi lùi” trong 6 tháng liên tiếp, giống như nửa đầu năm 2022, số lượng việc làm giảm trung bình 0,5 điểm phần trăm. Nhưng năm nay, số lượng việc làm đạt mức tăng trung bình 1%.
Số lương việc làm tại Mỹ tăng bình quân 1% dù GDP giảm hai quý liên tiếp. Ảnh: CNBC. |
Dữ liệu từ công ty quản lý nhân lực UKG cũng cho ra kết quả tương tự với số lượng việc làm tăng lên mỗi tháng khá trùng khớp với số liệu thực tế của Cục Thống kê Lao Động Mỹ (BLS).
Cục Dự trữ (Fed) Dallas, trong kết quả nghiên cứu công bố ngày 2/8, cho biết “phần lớn các chỉ dấu, đặc biệt là các chỉ dấu liên quan tới thị trường lao động, đều phản ánh rằng kinh tế Mỹ đã không rơi vào suy thoái trong quý I/2022”.
Một bằng chứng khác mà nhóm nghiên cứu của Fed Dallas chỉ ra đó chính là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế. Họ nhận thấy tiêu dùng thường sụt giảm trong các giai đoạn suy thoái. Nhưng, chỉ số này liên tục đi lên trong nửa đầu năm 2022.
Một yếu tố bất thường khác đó là GDP danh nghĩa của Mỹ vẫn tăng mạnh. Trong quý II, GDP danh nghĩa của Mỹ tăng 7,8% nhưng đã bị mức lạm phát 8,6% làm lu mờ đáng kể.
Trong giai đoạn suy thoái dịch bệnh Covid-19 2020, GDP danh nghĩa của Mỹ giảm 3,9% trong quý II và 32,4% trong quý II, trong khi GDP thực tế giảm lần lượt 5,1% và 31,2%.
Dù một loạt các thống kê không ủng hộ quan điểm suy thoái, không ít người tỏ ra hoảng loạn sau khi GDP của Mỹ đi lùi trong hai quý liên tiếp, với mức giảm 1,6% và 0,9% lần lượt trong quý I và quý II.
Chủ tịch Fed St Louis James Bullard chia sẻ với CNBC rằng ông không ủng hộ quan điểm kinh tế Mỹ đang trong một cuộc suy thoái dù ông quan ngại nhiều hơn về việc kinh tế Mỹ đi lùi trong quý II vừa qua.
“GDP giảm trong quý I, tôi cho đó là một sự không may. Nhưng việc GDP tiếp tục giảm trong quý II khiến tôi lo lắng đôi chút”, ông nói. Một vài lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình tăng lãi suất, nhưng “còn quá sớm để kết luận nền kinh tế đã rơi vào suy thoái nếu chỉ nhìn vào một số mặt tiêu cực của nền kinh tế”.
Một dữ liệu quan trọng khác giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về bức tranh nền kinh tế: báo cáo việc làm tháng 7, sẽ được BLS công bố trong ngày 5/8. Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thêm 258.000 việc làm mới trong tháng 6, theo Dow Jones. Trước đó, dữ liệu của BLS cho thấy khoảng cách giữa số lượng việc làm mở mới và người lao động thất nghiệp vẫn tương đối lớn, nhưng đang trong xu hướng thu hẹp lại.