Clip: Những người khuyết tật tử tế với môi trường
Suốt 3 năm nay, người dân ở Đà Nẵng đã quen thuộc với hình ảnh một nhóm bạn trẻ, trong đó có nhiều người khuyết tật cứ đến ngày chủ nhật lại tập tễnh nhặt rác khắp các khu vực công cộng.
Họ là những thành viên của nhóm Hòa Nhập Xanh - một nhóm các bạn trẻ tâm huyết với môi trường tại Đà Nẵng. Được thành lập vào đầu tháng 5/2019, nhóm có khoảng 20 thành viên chính thức, trong đó có người khuyết tật và những bạn trẻ yêu môi trường. Mỗi người mỗi việc, ở mỗi quận, huyện khác nhau nhưng cứ đến chủ nhật, mọi người tập trung tại địa điểm đã báo trước để nhặt rác.
"Khi nào còn đi được thì tôi vẫn tham gia nhặt rác"
Anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988), trưởng nhóm cho biết, ý tưởng khởi xướng nên nhóm Hòa Nhập Xanh đã được anh nung nấu từ lâu, nhưng cứ chần chừ bởi còn nhiều e ngại. Mãi đến giữa năm 2019, khi nhận được sự hưởng ứng của nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ, chàng trai khiếm khuyết này mới mạnh dạn khởi xướng.
“Thành viên của nhóm có bạn khuyết tật tay chân, có bạn khuyết tật nghe nhìn… nhưng tất cả đều có điểm chung là yêu môi trường và muốn được cống hiến. Dù gặp một số khó khăn trong đi lại, nói chuyện nhưng hầu hết các bạn đều rất năng nổ, nhiệt tình trong việc nhặt rác”,
Theo anh Thống, người khuyết tật thường mặc cảm vì nghĩ rằng mình không làm được gì cho xã hội, do đó họ cố thu mình lại và ngại giao tiếp với xung quanh. Cái tên Hòa Nhập Xanh là mong muốn của chính những người khuyết tật như anh, nơi mà mọi người có thể hòa nhập, không còn khoảng cách với người bình thường và cùng hành động vì một môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
“Chúng tôi muốn tạo nên môi trường sống xanh và chúng tôi đã, đang và sẽ hành động vì mục đích đó. Điều này không chỉ giúp những người khuyết tật như tôi quên đi mặc cảm, tự ti mà còn là cơ hội để rèn sự tự tin, phát triển hơn trong cuộc sống. Và, để hiệu quả công việc được nâng cao, chúng tôi cần các bạn hòa nhịp”,
Từ khi thành lập đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh đã tổ chức và tham gia hàng trăm buổi dọn rác tại các bãi biển và khu vực công cộng ở Đà Nẵng.
Đều đặn 7 giờ sáng chủ nhật hằng tuần, khi nhiều người vẫn đang say giấc thì tất cả thành viên đã tập trung ra quân đi "đánh rác" tại các "điểm đen" trên tinh thần tự nguyện.
Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển, công viên. Từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái đến âu thuyền Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà,... đều đã in hằn dấu chân họ.
Rác sau khi nhặt được các bạn phân loại ngay tại chỗ và đưa về đúng nơi tập kết để mang đi xử lý. Riêng những loại rác có thể tái chế như giấy, vỏ lon, chai nhựa sẽ được thu gom bán gây quỹ, mua găng tay bảo hộ, mũ, dụng cụ gắp rác,...
Dáng người nhỏ thó, tập tễnh từng bước, kéo lê bao tải chứa rác đi dọc bờ biển dọc cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chị Đặng Thị Mỹ Trinh (SN 1982) dùng kẹp sắt khó nhọc cúi xuống gắp từng chai nhựa, hộp xốp còn dính thức ăn nhanh mà một nhóm người vứt lại.
Chị Trinh chính là một trong những thành viên tham gia nhóm Hòa Nhập Xanh từ những ngày đầu thành lập. Bản thân bị khuyết tật vận động bẩm sinh nhưng suốt 3 năm nay, chị vẫn đều đặn tự đạp xe đến điểm nhặt rác mỗi cuối tuần.
Theo chị Trinh, khó khăn lớn nhất là ở những điểm nhiều rác cũng chính là điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ kim tiêm. Vì vậy, mọi người luôn nhắc nhở nhau phải trang bị bảo hộ an toàn, bảo vệ bản thân trong mỗi lần dọn rác.
"Do sức khỏe yếu nên nhiều lần nhặt rác về thì cơ thể khá mệt mỏi. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ vì mình nhặt được một bao rác nhưng có thể truyền thêm nhiều "túi" động lực cho các bạn trẻ và chạm vào được một phần ý thức của người dân. Do đó, khi nào còn đi được thì tôi vẫn tham gia nhặt rác làm sạch môi trường”,
chị Trinh trải lòng.
Cũng là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên, cứ đến cuối tuần, anh Nguyễn Anh Thìn (SN 1988, quê Quảng Nam) lại sắp xếp công việc để tham gia dọn rác.
Theo anh Thìn, những ngày đầu đi dọn rác, một số người dân nhìn theo những bước chân liêu xiêu của các thành viên trong nhóm với ánh mắt ái ngại. Nhưng dần dà, từ lạ lẫm chuyển thành thân quen, ý thức của họ cũng dần thay đổi. Giờ đây, mỗi khi thấy nhóm Hòa Nhập Xanh xuất hiện thì nhiều người đi tập thể dục cũng tiện tay nhặt mấy chai nhựa, bao nilong vương vãi trên bãi biển cho vào bao rác. Bảo vệ môi trường đôi khi chỉ từ những hành động rất nhỏ như thế!
“Những người khuyết tật lại phải đi nhặt cả rác do những người bình thường thải ra. Đôi lúc cũng hơi buồn, nhưng không sao. Chúng tôi cần những hoạt động tích cực để mạnh mẽ hơn trong cộng đồng của mình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhặt rác, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp rằng người khuyết tật vẫn góp sức bảo vệ môi trường, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường”,
Đặc biệt, sau mỗi buổi nhặt rác, nhóm thường tập trung tại công viên để chơi trò chơi và ca hát. Họ thật sự gắn kết, trở thành những người bạn, người anh em cùng chung tay, góp sức đưa Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường.
“Em rất vui và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều từ khi tham gia nhóm Hòa Nhập Xanh. Là một người khuyết tật nên trước đây em cảm thấy rất mặc cảm, tự ti nhưng từ khi tham gia các buổi nhặt rác, không chỉ được làm việc có ích cho xã hội, mà em còn có thêm được nhiều người bạn mới và mọi người trong nhóm luôn hội hỗ trợ lẫn nhau, động viên, sẻ chia trong cuộc sống…”,
Cùng người khuyết tật “lên tiếng” vì môi trường
Ngoài những thành viên là người khuyết tật, Hòa Nhập Xanh còn là nơi tập hợp những bạn trẻ có tâm huyết vì môi trường. Anh Huỳnh Hoài Thanh (SN 1989, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) là một người như thế.
Thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tình cờ thấy nhóm người khuyết tật đi nhặt rác, từ đó anh Thanh đã gia nhập đội quân tình nguyện này và gắn bó suốt 2 năm nay.
Là người khỏe mạnh, lành lặn nên anh Thanh đảm nhiệm việc vác các bao tải rác của các thành viên nhặt được, tập trung lại một điểm để bàn giao cho công ty xử lý môi trường.
"Thấy các bạn ấy dù khuyết tật, vận động rất khó khăn nhưng vẫn miệt mài đi nhặt rác và nhiệt tình tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nên mình thấy rất thương quý. Thời gian tới, bên cạnh dọn rác, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để thông điệp bảo vệ môi trường và hòa nhập ngày càng lan rộng, góp phần thay đổi ý thức người dân",
Được biết, thời gian qua, đồng hành với nhóm Hòa Nhập Xanh còn có nhiều bạn sinh viên của các hội nhóm, câu lạc bộ đến từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Trao đổi với PV, bạn Lê Thị Thanh Thủy - Chủ nhiệm CLB Lịch Sử - Văn Hóa, trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng cho biết, tranh thủ ngày cuối tuần, 15 thành viên trong CLB đã đến đồng hành cùng Hòa Nhập Xanh.
"Em thật sự rất xúc động khi thấy có những anh chị đi không vững, nhìn không tỏ nhưng rất nhiệt tình trong việc nhặt rác, s au những nơi họ qua, rác thải không còn... Nhìn các anh chị trong nhóm Hòa Nhập Xanh
khiến chúng em cảm thấy càng phải có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường sống của mình”,
bạn Thủy bộc bạch.
Lặng lẽ và kiên trì, hàng chục bao tải rác mỗi buổi sáng cuối tuần đã chứng minh rằng những đôi tay yếu ớt như anh Thống, chị Trinh và nhiều anh chị em khiếm khuyết khác, khi được chung sức cùng những đôi tay trẻ khỏe, sẽ có thể tạo nên nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng. Họ, những con người tàn nhưng không phế, đã và đang viết nên câu chuyện tử tế giữa đời thường.