Chuyện xưa ngẫm lại: Người hiền đức ắt có phúc phận

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 13:43:33

Làm việc thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên người thiện lương hiền đức cứ như là được Trời giúp vậy, có những việc hóa hung thành cát...


Cổ ngữ có câu: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, sống chết có số, phú quý do Trời. Người xưa cho rằng con người là có mệnh, số mệnh này được định là có thì nó sẽ đến, còn không được định sẵn, thì đừng cưỡng cầu, bởi cưỡng cầu mà làm điều xấu thì sẽ bị báo ứng. Tuy nhiên cũng lại giảng: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên người thiện lương hiền đức cứ như là được Trời giúp vậy, có những việc có thể hóa hung thành cát, vô cùng kỳ lạ. Tác giả Hồng Mại thời Tống có ghi chép lại một câu chuyện như vậy, về một vị quan thời Tống tên là Hoàng Tông.

(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Vào thời Tống Huy Tông, huyện lệnh huyện Mân Thanh, Phúc Châu (nay thuộc Phúc Kiến) tên là Hoàng Tông. Hoàng Tông rất kính trọng và tin tưởng vào Thần Phật, thích ăn chay, nhưng hàng ngày đều làm cơm thường cho mẹ, hiếu kính với người già cả. Ông là người chính trực và uy nghiêm, không sợ những thế lực hung ác. Ông không nhận lễ vật của cấp dưới, cũng không đút lót quan trên, càng không bao giờ giao du và săn đón những kẻ quyền quý. Vì thế bọn tham quan rất ghét ông.

Thời đó Đạo giáo đang thịnh hành, có không ít đạo sỹ làm nhiều việc tốt và được mọi người hoan nghênh tiếp đãi. Thượng thư trong triều lúc ấy là Hoàng Miện Trọng đang đảm nhận chức Thái thú Phúc Châu, nghe nói các đạo sỹ vì dân chúng mà làm pháp sự, được người ta bố thí, liền sinh lòng đố kỵ và ác niệm.

Hoàng Miện Trọng ra lệnh cho 12 viên huyện lệnh dưới quyền của mình trưng thu thuế các đạo sỹ, đồng thời chèn ép họ. 11 huyện của Phúc Châu đều theo lệnh mà làm, duy một mình Hoàng Tông là không theo.

Hoàng Tông cho rằng, tín đồ của Đạo gia, tuyên dương cái thiện, theo đuổi cái chân thật, khởi xướng đức hạnh, có ích với xã hội và hợp với lòng người, không thể chèn ép họ được. Hơn nữa, triều đình cũng chưa từng ban bố lệnh trưng thu thuế của đạo sỹ, nên không thể tùy tiện làm. Trước sau Hoàng Tông kiên quyết không làm.

Bị Hoàng Miện Trọng thúc giục bức bách, Hoàng Tông bèn lấy lương bổng 4 tháng của mình thay thế cho tiền thuế thu của đạo sỹ, giao nộp cho quan Thái thú. Thái thú thu được tiền rồi, trong lòng vẫn chưa thỏa mãn, nhưng cũng không có biện pháp gì để hạch tội Hoàng Tông, bởi vì những việc ông làm đều phù hợp với pháp luật, cho nên đành âm thầm nuôi hận trong lòng.

Một thời gian sau triều đình phái Liêm phỏng sứ (chức quan điều tra các quan lại) đến các nơi để thị sát. Không may thay, Liêm phỏng sứ và Thái thú Hoàng Miện Trọng đều cùng một phe, chuyên ăn hối lộ, nên rất căm hận Hoàng Tông.


Liêm phỏng sứ điều tra Phúc Châu xong, liền trở về kinh thành, gặp viên quan nào trong triều cũng đặt điều về Hoàng Tông. Sau Liêm phỏng sứ vào cung bái kiến Hoàng đế. Nhưng thay vì hỏi xem viên quan nào không làm tốt chức phận, Tống Huy Tông lại đột ngột hỏi: “Khanh đi Phúc Châu thị sát, trong số 12 viên huyện lệnh dưới quyền, thì ai là huyện lệnh hiền đức?”


Liêm phỏng sứ không dự đoán trước Hoàng thượng lại hỏi câu này, sợ đến mức thất kinh, lúng túng, trong đầu không nghĩ được gì, không biết phải trả lời ra sao. Hoàng thượng hỏi lại lần nữa, ông ta đang quýnh quáng thì trong đầu chỉ còn nhớ được cái tên Hoàng Tông, vốn là người ông ta bêu xấu và tính kế suốt từ khi ở Phúc Châu. Liêm phỏng sứ lắp bắp nói: “Hoàng Tông hiền đức! Là Hoàng Tông hiền đức!”


Thế là ngay trong ngày hôm đó, Hoàng thượng hạ thánh chỉ: “Thăng cấp cho Hoàng Tông làm quan Thông phán Chương Châu.”


Liêm phỏng sứ ra khỏi triều đình, thì đầu óc thanh tỉnh trở lại, miệng lưỡi cũng không còn cứng đơ như trước. Ông ta cảm thấy rất kỳ lạ và vô cùng hối hận: “Lẽ ra không nên nói tốt cho Hoàng Tông như thế”.


Trở về nhà, ông ta kể chuyện này cho người nhà nghe. Có người nhà nói: “Chuyện này đúng là quỷ thần xui khiến. Chuyện mà ông không muốn làm nhất thì cuối cùng lại phải làm”.


Không lâu sau, quan lại trong triều cũng biết được chuyện này. Họ bàn tán với nhau: “Hoàng Tông là người hiền đức nên được trời phù hộ, chuyển họa thành phúc” . Ngay cả Liêm phỏng sứ cũng có đôi chút ngậm ngùi thú nhận: “Hoàng Tông thực sự là người hiền được Trời giúp vậy.”


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook