Chuyện xưa: Hoàng đế tôn kính thầy dạy

Chia sẻ Facebook
07/06/2023 22:38:50

Người thầy thời xưa là người truyền dạy luân lý đạo đức, tri thức. Trong lịch sử, ngay cả các bậc đế vương cũng tôn kính thầy dạy của mình.


“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của người xưa. Trong “Kinh Lễ” có viết rằng: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học”, kính thầy thì sẽ trọng đạo; trọng đạo thì sẽ biết nỗ lực học tập. Người thầy thời xưa là người truyền dạy luân lý đạo đức, tri thức, và các quan niệm giá trị, là người dạy dỗ các quy phạm hành vi đối nhân xử thế, và là tấm gương sáng về đạo đức. Biết tôn kính thầy thì sẽ biết quý trọng tri thức được truyền dạy. Trong lịch sử, ngay cả các bậc đế vương cũng phải tôn kính thầy dạy của mình.

(Tranh: History.com, Public Domain)

Hán Quang Vũ Đế, Hoàng đế đầu tiên của nhà Đông Hán, muốn tuyển chọn một người có phẩm cách đạo đức cao thượng và thông hiểu kinh thư làm thầy dạy học cho Thái tử Lưu Trang. Hổ bí Trung lang tướng Hà Thang đã tiến cử người thầy của mình là Hoàn Vinh. Trước đó Hoàn Vinh đã lập một trường dạy học ở khu vực sông Hoài, ông có học thức uyên bác, tính tình chính trực ngay thẳng.


Ngày đầu tiên Hoàn Vinh nhập Triều, Hà Thang đã nói với thầy: “Học giả coi trọng nguyên tắc và chú trọng tiểu tiết nhưng làm quan thì cần phải châm chước. Lão sư có được cơ hội này, xin đừng quá cố chấp. Tuy rằng Hoàng thượng là một minh quân, nhưng cũng thích nghe những lời vừa tai. Lão sư không nên quá nghiêm khắc với Thái tử.”


Hoàn Vinh nghe vậy không vui mà nói rằng: “Ngươi là học trò của ta, lẽ nào lại thế? Ta làm thầy một đời nghiên cứu học vấn, ái mộ đạo đức của bậc quân tử, không màng quan tước. Nay thiên hạ đại trị, Thiên tử anh minh sáng suốt, nên ta mới theo lời triệu mời. Ngươi làm quan chưa lâu đã như thế sao!”

Thế là Hoàn Vinh liền từ quan. Quang Vũ Đế thấy vậy thì không chấp thuận, triệu Hoàn Vinh tới. Sau khi nói chuyện với Hoàn Vinh, Quang Vũ Đế đã liên tục khen ngợi ông.

Thái tử Lưu Trang học tập từ Hoàn Vinh và nhất mực tôn kính người thầy của mình. Sau chín năm được Hoàn Vinh dốc lòng dốc sức dạy dỗ, Lưu Trang đã hoàn thiện tri thức của bản thân.

Khi Thái tử đã hoàn thành việc học, học vấn tinh thông, trong lòng Hoàn Vinh rất vui mừng, nhưng lại khước từ chức vị Thái tử Sư phó. Ông đã nhiều lần dâng sớ lên Hoàng thượng nói:

“Thần may mắn được ở trong Hoàng cung dạy học cho Thái tử trong những năm qua, tuy nhiên kiến thức và học vấn vẫn còn nông cạn và khiếm khuyết, không còn ích lợi gì. Hiện nay Thái tử đã tinh thông Kinh nghĩa, tư chất thông minh sáng suốt, đó chính là phúc lớn của quốc gia, là hạnh vận của thiên hạ. Thần nên từ quan trở về.”

Thái tử Lưu Trang sau này lên ngôi, là Hán Minh Đế. Hán Minh Đế hết sức kính trọng Hoàn Vinh. Hoàng đế từng đích thân đến Thái thường phủ, thỉnh mời Hoàn Vinh ngồi ở hướng Đông, thiết trí bày biện như ngày Hoàn Vinh dạy Thái tử học năm xưa, để được nghe thầy chỉ giáo. Hán Minh Đế còn triệu mấy trăm quan lại cùng với mấy trăm người từng là học trò của Hoàn Vinh đến Thái thường phủ, hướng lên Hoàn Vinh hành lễ đệ tử.

Khi Hoàn Vinh sinh bệnh, Hán Minh Đế đích thân đến thăm viếng. Mỗi lần đến thăm thầy, khi sắp đến nơi Hoàng đế đều xuống khỏi xe ngựa, đi bộ tới trước nhà Hoàn Vinh, tỏ lòng tôn kính. Hoàn Vinh qua đời, Hán Minh Đế tự mình mặc tang phục mà tham dự tang lễ.

Hai câu chuyện về người xưa tôn kính thầy giáo của mình

Đăng trên Minghui.org

Tác giả: Vũ Tường

Đạo làm thầy của người xưa qua tuyệt tác “Sư đạo”


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook