Chuyện xem tướng đoán mệnh cho 2 vị tể tướng triều Đường

Chia sẻ Facebook
21/06/2023 08:55:40

Chuyện xem tướng đoán mệnh cho 2 vị tể tướng triều ĐườngAn Hòa •Thứ tư, 21/06/2023


Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra vượt quá tầm kiểm soát và dự đoán của chúng ta. Nếu có xuất hiện kết quả không như ý nguyện thì đa số đều cho rằng đó là “ngẫu nhiên”. Nhưng suy xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng trên đời này dường như không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả, hết thảy đã được định sẵn theo an bài từ trước, dù là chuyện rất nhỏ đi nữa. Sách cổ cũng có khá nhiều ghi chép về vấn đề này, dưới đây là một câu chuyện xem tướng đoán mệnh cho 2 vị tể tướng, được ghi trong cuốn “Gia thoại lục” thời nhà Đường.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Vào thời nhà Đường, quan thị lang Tiết Ung có nguyện vọng làm tể tướng. Đương thời có một người tên là Trương Sơn Nhân rất giỏi thuật xem tướng, được Tiết Ung mời tới làm khách. Hôm đó, binh bộ lang trung Thôi Tạo và tiến sĩ Khương Công Phụ cũng được mời đến nhà của Tiết Ung.


Tiết Ung hỏi Trương Sơn Nhân rằng: “Trong mấy vị ngồi đây có ai có thể làm tể tướng không?”


Trương Sơn Nhân đáp: “Có”.


Tiết Ung lại hỏi: “Người đó là ai?”


Trương Sơn Nhân đáp: “Có hai người!”


Tiết Ung trong lòng nghĩ rằng một trong hai người đó nhất định là mình, nên vội hỏi tiếp: “Là hai người nào?”


Trương Sơn Nhân đáp: “Thôi, Khương, hai vị chắc chắn sẽ làm tể tướng, hơn nữa lại nhậm chức cùng thời kỳ với nhau”.

Tiết Ung vừa kinh ngạc vừa tức giận, im lặng không nói câu nào, trong lòng hết sức không vui.


Sau đó, binh bộ lang trung Thôi Tạo hỏi: “Vì sao lại là nhậm chức đồng thời với nhau?” Ý Thôi Tạo là Khương Công Phụ hiện tại vẫn chưa có chức quan gì, còn bản thân mình đang là quan chính lang cho nên theo lý thì không thể cùng làm tể tướng được.


Trương Sơn Nhân nói: “Vận mệnh đã định như thế rồi, hơn nữa sau này quan thị lang còn nhậm chức sau cả Khương Công Phụ”.

Về sau, Khương Công Phụ làm quan công tào ở Kinh Triệu, hơn nữa còn kiêm cả chức hàn lâm học sĩ. Lúc này người ta đồn rằng tướng quân của thành Kinh Dương là Diêu Lệnh Ngôn muốn vào thành bắt Chu Thử. Chu Thử từng làm thống soái của Kinh Dương và rất được lòng quân, hiện đang làm loạn.

Khương Công Phụ dâng thư lên Hoàng đế xin phái người đi điều tra vụ việc Chu Thử tạo phản nhưng Hoàng đế không nghe theo. Sau khi thư được dâng lên khoảng 10 ngày, Chu Thử làm loạn, Hoàng đế Đường Đức Tông đã đến Phụng Thiên lánh nạn và hối hận vì không tiếp thu ý kiến của Khương Công Phụ. Đường Đức Tông bèn hạ lệnh thăng cho Khương Công Phụ lên cấp trung bình chương sự, tức tể tướng.

Nửa năm sau, Thôi Tạo cũng từ chức quan lang trung được thăng lên làm tể tướng. Quả nhiên là làm tể tướng cùng một thời kỳ nhưng nhậm chức sau Khương Công Phụ. Còn Tiết Ung mãi về sau này vẫn không được làm tể tướng.

Trong rất nhiều cuốn sách cổ đều có ghi chép cho thấy làm quan không phải được định theo vị trí thế hệ trước thế hệ sau, mà hết thảy đều là theo Thiên ý, lòng người muốn cũng không được. Giống như trong thực tế, có những việc dù chúng ta đã hao tâm tổn sức, cố gắng hết mình, tưởng như đã chuẩn bị kỹ càng và sẽ được kết quả như ý nhưng cuối cùng vẫn không đạt được điều mà mình muốn.


Cổ nhân cho rằng mọi việc lớn nhỏ trong cuộc đời của một người là đã được định sẵn. Không chỉ phúc họa, giàu nghèo, sống chết mà ngay cả việc làm quan lớn nhỏ ra sao cũng là đã được định sẵn, sức người khó lòng thay đổi được. Bởi vậy, mới có câu: “Sống chết có số, phú quý do Trời”.


Nói như vậy không phải để chúng ta buông xuôi, sống “nước chảy bèo trôi” , gặp sao hay vậy, vứt bỏ sự cố gắng mà là để chúng ta hiểu hơn về “Thiên mệnh” , số mệnh Trời ban. Người xưa nói, “Tận nhân sự, quan Thiên mệnh” , nghĩa là khi làm việc thì phải hết sức mình, bởi vì đó là bổn phận trách nhiệm của bản thân, nếu không tận trách thì là phạm Thiên quy, cũng sẽ phải chịu báo ứng tương xứng. Người vốn có thể gặt hái thành công mà không đi làm, thì tất cũng sẽ không có ngày hái quả. Nhưng mà thành công bao nhiêu, đắc được bao nhiêu lợi ích, trên chặng đường đó khó khăn ra sao, kết quả cuối cùng như thế nào, chính là phải “tuỳ kỳ tự nhiên”, “thuận theo tự nhiên” . Bởi vì con người thật nhỏ bé giữa Trời đất, trong sự sắp đặt của đại tự nhiên, con người chỉ nên thuận theo Đạo mà sống, như thế mới có thể “an nhiên tự tại”.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Tể tướng “ăn xin” Lữ Mông Chính bàn về vận mệnh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook