Chuyện về ‘vua bột ngọt’ giàu nhất Sài Gòn: Thành công nhờ chữ ‘tín’ nhưng lụi tàn vì chữ ‘sắc’
Từng là ‘ông vua bột ngọt’ nổi tiếng gần xa, tiền tài nhiều đếm không xuể, nhưng tỷ phú Trần Thành lại đắm chìm trong tửu sắc để rồi cuối cùng chỉ còn lại 2 bàn tay trắng.
Chàng nhân viên cọ rửa thật thà, chăm chỉ
Trước thế chiến thứ II, Trần Thành là một chàng thanh niên người Hoa nghèo khổ phải di cư từ Triều Châu đến Sài Gòn với mong muốn gia đình tìm được nơi đất lành để tránh nạn đói và các cuộc nội chiến triền miên tại Trung Quốc.
Trong tình cảnh khó khăn, bữa đói, bữa no cộng với việc bản thân không được học hành đầy đủ nên Trần Thành chỉ còn cách đi lang thang và gõ cửa các hãng xưởng của những đồng hương trong vùng Chợ Lớn, mong kiếm được một công việc đủ cơm ngày 2 bữa.
May thay, sau đó Trần Thành đã được ông chủ họ Trịnh nhận vào làm công trong một xưởng ép dầu đậu nành và đậu phộng để sản xuất dầu ăn. Ngày ấy, các xưởng sản xuất loại này hoàn toàn làm thủ công, công việc đầu tiên của Trần Thành là cọ rửa các thùng rác – một công việc nặng nhọc, dơ bẩn và đồng lương cũng rất ít ỏi. Dù vậy, nhờ làm việc chăm chỉ và thật thà nên ông dần được ông chủ quý mến và giao cho việc cất nhắc phụ trách toàn bộ khâu làm vệ sinh các thùng chứa dầu.
Với cơ chế khoán gọn, Trần Thành hoàn toàn có thể nhận thầu rồi chia việc lại cho công nhân và hưởng một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, ông không làm thế mà vẫn lao động và hưởng phần lương trên chính công sức của mình.
Ông chủ Trịnh thấy chàng thanh niên cần mẫn lại thật thà nên tiếp tục tin tưởng và giao cho Trần Thành việc thu mua nguyên liệu ở các khu vực miền Tây, rồi sang cả miền Đông, miền Trung, Cao Miên. Đây cũng là việc mà Trần Thành thực hiện xuất sắc nhất.
Vốn bản chất chân thật, Trần Thành không bao giờ kê giá lên để hưởng lợi. Ông luôn báo cáo trung thực với chủ giá gốc để được hưởng hoa hồng, tiền thưởng chính đáng. Bằng năng lực của mình, Trần Thành luôn đạt số lượng thu mua vượt trội vì luôn đặt chữ tín lên đầu. Uy tín ngày càng lên cao nên việc làm ăn của xưởng cũng trở nên phát đạt, dần dần trang bị được những máy móc tiên tiến, thu nhận thêm nhiều công nhân, mở mang thêm hệ thống đại lý bán hàng đi các tỉnh.
Trở thành ông chủ lớn
Công việc thuận lợi cũng giúp cuộc sống của Trần Thành trở nên dư dả hơn trước, ông lập gia đình và tích lũy được một số vốn.
Cũng vào lúc này, nhận thấy Trần Thành đã “đủ lông, đủ cánh” , ông chủ Trịnh khuyến khích Trần Thành độc lập gây dựng cơ nghiệp, thậm chí còn cho ông vay một số vốn lớn để đầu tư và giao trọn cho ông thầu cung cấp toàn bộ nguyên liệu sản xuất cho xưởng. Đây cũng là cách ông chủ trả công cho những đóng góp cho xưởng của chàng trai nghèo nhưng thật thà, chăm chỉ.
Với bao nhiêu năm kinh nghiệm khi lăn lộn trên thương trường, chẳng bao lâu, Trần Thành trở thành nhà cung cấp các loại hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở khắp miền Nam. Cứ thế, sự nghiệp và tài sản của Trần Thành phất lên như diều gặp gió, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã hoàn lại vốn cho ông chủ cũ và còn đủ khả năng thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này.
Khi đã có cơ nghiệp vững chắc, Trần Thành đầu tư số vốn lớn để thành lập một hãng sản xuất dầu ăn lớn và hiện đại bậc nhất. Lợi nhuận từ các cuộc đầu tư, hợp tác làm ăn giúp ông nhanh chóng trở thành một trong những tỷ phú đầu tiên của miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, với sự nhạy bén đặc biệt trên thương trường, Trần Thành còn đầu tư vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau. Thậm chí, ông còn cất công đến Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… để tham quan và học hỏi các xí nghiệp lớn, đồng thời tìm hiểu thị trường.
Cũng từ đó, ông nhận thấy tiềm năng từ việc sản xuất và kinh doanh bột ngọt trên thị trường – loại gia vị mà ở miền Nam còn phải dùng hàng của Nhật Bản và Đài Loan với số lượng nhập có hạn. Vậy là vào năm 1960, Trần Thành đã cho ra đời Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, có công suất lớn, với trang thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Nhờ chất lượng sản phẩm chẳng thua kém gì sản phẩm ngoại, giá thành rẻ hơn lại có khuyến mại tặng kèm tô, chén, muỗng nên bột ngọt Vị Hương Tố sớm được các bà nội trợ ủng hộ nhiệt tình, chẳng những một mà còn mua nhiều gói để dành… Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, Vị Hương Tố độc chiếm thị trường, nhà máy sản xuất hết công suất cũng không đủ hàng. Người tiêu dùng lúc đó phần lớn đều chạy theo Vị Hương Tố mà thờ ơ với hàng ngoại. Cả Ajinomoto lẫn Vedan cảm thấy không thể tiếp tục có mặt ở Việt Nam nên đã lặng lẽ ra đi…
Tỷ phú không qua được ải mỹ nhân
Bao nhiêu năm tu chí làm ăn, gây dựng sự nghiệp, ông chủ Trần Thành luôn tâm niệm rằng đã là một nhà kinh doanh thì không được cờ bạc, rượu chè, trai gái. Với Trần Thành, kinh doanh cũng giống như đi tu vậy, không có chỗ cho những sa ngã.
Đáng tiếc, khi đi được hơn nửa đời người thì ông Trần Thành lại gục ngã trước sắc đẹp của nữ diễn viên Thang Lan Hoa, người từ Đài Loan sang Việt Nam, giúp vui văn nghệ cho giới tài phiệt Chợ Lớn.
Nhan sắc của Thang Lan Hoa đã làm cho trái tim quen đập theo nhịp lý trí của tỷ phú Trần Thành không còn tự chủ được nữa, triết lý kinh doanh cũng giống như đi tu phút chốc bị dẹp sang một bên. Ông tìm mọi cách để làm quen và gần gũi người đẹp. Thậm chí để đạt được mục đích, tỷ phú này còn không ngại bỏ ra hàng núi tiền dưới chân người đẹp. Tiền tài cũng đã làm mỹ nhân xứ Đài lóa mắt, cả hai nhanh chóng đến với nhau, người vì nhan sắc, người vì vật chất.
Cũng từ lúc đó, tỷ phú Trần Thành đi Đài Loan như đi chợ để gặp người đẹp Thang Lan Hoa, chểnh mảng việc làm ăn nên công việc kinh doanh xuống dốc dần. Đến một ngày họ chia tay, tài sản của tỷ phú bột ngọt cũng lần lượt ra đi, sự nghiệp tụt dốc không thể cứu vãn.
Giã biệt mỹ nhân xứ Đài, tỷ phú bột ngọt lại tìm đến với người đẹp Singapore thông qua một ông thầy bói. Họ chung sống và có với nhau một người con gái. Tuy nhiên, tình trường của tỷ phú hào hoa này vẫn chưa dừng lại ở đó. Mãi đến sau năm 1975, Trần Thành đi định cư nước ngoài, người ta mới dần thôi nhắc đến những chuyện tình của ông vua bột ngọt phong lưu năm nào.
Ngày đó, nhà máy Thiên Hương của Trần Thành cũng trở thành nhà máy quốc doanh, không chỉ sản xuất bột ngọt mà còn sản xuất thêm một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư công nghệ mới nên những sản phẩm của doanh nghiệp này dần bị các sản phẩm ngoại lấn át, chiếm mất thị phần, cuối cùng không còn sản xuất nữa. Sau này, nhà máy này một lần nữa được khôi phục và hoạt động trở lại cho đến ngày nay nhưng không còn đủ sức cạnh tranh.
Vậy là từ một người rất được kính nể, được người đời mệnh danh là “vua bột ngọt” của Sài Gòn, tỷ phú Trần Thành cuối cùng vẫn để sản nghiệp khổng lồ tự dày công xây đắp tan theo lạc thú – thứ mà ông từng né tránh hơn nửa đời người.
Xuân Hạ (t/h)
Từ Khóa :