Chuyện về võ: Phong thái trong võ
Phong thái trong võ là gì? Tại sao người tập võ cần để ý phong thái của mình?
Khi đi quyền, ấy là một cách luyện phong thái rất tốt. Nét mặt bình thản, ánh mắt điềm đạm nhưng mạnh mẽ nhìn thẳng và nhìn đúng vào hướng đòn đánh, thể hiện sự tập trung của tinh thần vào bài quyền, lưng thẳng. Đòn nào cần hô thì hô to, dứt khoát, đòn phát ra lực tối đa, thể hiện hết sức mạnh tinh thần, hết độ căng của đòn thế, toàn bộ tinh thần và thể chất dồn vào một đòn đánh.
Có những người sinh ra đã được trời cho một tinh thần và một thể chất mạnh mẽ, một tâm hồn trong sáng và họ có ngay một phong thái đẹp. Có những võ sinh thể chất yếu đuối, tinh thần cũng rụt rè thì cần năm tháng rèn luyện mới có được phong thái đẹp. Đẹp ở đây có ý nghĩa rộng hơn, không phải chỉ đẹp về mặt thẩm mĩ.
Suy ra, trong cuộc sống cũng vậy. Người của võ đi đứng khiêm nhường nhưng đường hoàng, không vếch cằm lên cao thể hiện ta đây nhưng cũng không cúi đầu trước bất kì ai trong giao tiếp xã hội, trừ khi cần thể hiện sự tôn kính với một người mình kính trọng.
Ta cứ đường hoàng đi trong đời, không vội vã, không cầu cạnh nhờ vả ai, an nhiên tự tại như thể cuộc đời là một cuộc dạo chơi vậy.
Hình thức thể hiện nội dung. Người có phong thái điềm đạm thể hiện sự mạnh mẽ về tinh thần, sự trong sáng về tâm hồn. Mắt không nhìn trộm. Muốn nhìn ai, nhìn gì thì nhìn thẳng với ánh mắt quan tâm rõ ràng. Thích nói là thích, thấy yêu nói là yêu, thấy ghét nói là ghét. Không mất thời gian cho những sự mập mờ, sự nhỏ nhen vụn vặt, trí tuệ và sức lực chỉ dành cho những điều ta cho là đáng làm, nên làm.
Những điều này chẳng trường học nào ở Việt Nam dạy con người cả đâu. Cả những người có địa vị cao trong xã hội nhưng phong thái vẫn không đẹp, bởi đơn giản một lẽ vẻ đẹp ấy là tự bên trong chứ không thể cố đắp điếm mà được.
Tác giả: Võ sư Đoàn Bảo Châu
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả
Theo Châu Đoàn Karate Do
Xem thêm cùng tác giả :
Mời xem video :