Chuyện về những hộp giấy ‘quốc dân’ Tetra Pak: Ra đời không phải từ việc phá rừng bừa bãi, được tái chế thành sản phẩm sinh thái có ích
Tại Việt Nam, đã có 1,7 tỷ lít thực phẩm dạng lỏng đựng trong vỏ hộp giấy của Tetra Pak đến tay người tiêu dùng trong nước.
Đồ uống đóng hộp chắc hẳn đã quá quen thuộc với phần lớn chúng ta bởi sự tiện dụng mà chúng mang lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng ngoài thông tin về thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng và nhà sản xuất, trên bao bì sản phẩm còn chứa một thông tin hữu ích khác.
Một lần, khi cầm vỏ hộp sữa vừa uống xong trên tay, tôi để ý thấy có hai logo nhỏ in trên hộp. Một logo in dòng chữ “Bảo vệ - Chất lượng tốt” cùng cái tên “Tetra Pak”, logo còn lại có hình một chiếc cây và chữ FSC. Tìm một số loại đồ uống đóng hộp khác trong nhà, tôi phát hiện ra rằng hầu hết các bao bì đều in hai logo này.
Vẫn băn khoăn về logo hình chiếc cây và chữ FSC, tôi liên hệ với Tetra Pak Việt Nam để tìm hiểu câu chuyện. Trò chuyện với tôi, chị Lương Thanh Thư – Giám đốc Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam, đã giúp tôi hiểu hơn về sứ mệnh của những chiếc hộp giấy nhỏ bé.
Tetra Pak là đơn vị phát triển gắn liền với cộng đồng và môi trường, chị có thể chia sẻ thêm một chút về sản phẩm hộp giấy của hãng không? Nó có gì đặc biệt?
Câu chuyện về những chiếc vỏ hộp giấy của Tetra Pak bắt đầu từ giữa thế kỷ trước. Thời điểm đó, thực phẩm lỏng được bảo quản và phân phối trong các chai thủy tinh vốn nặng nề, cồng kềnh và dễ vỡ. Phát minh hộp giấy tiệt trùng đựng thực phẩm lỏng của Tetra Pak vào đầu năm 50 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm và đồ uống, giúp việc vận chuyển, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm lỏng trở nên an toàn và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Hiện nay, 100% hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại Việt Nam đều được sản xuất từ nguồn rừng tái sinh, có kiểm soát và được dán nhãn chứng nhận bảo vệ rừng của FSC (Hội đồng Bảo vệ rừng thế giới). Nếu thấy logo FSC lên các vỏ hộp giấy thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm đây là sản phẩm làm từ nguồn giấy nguyên liệu được khai thác và quản lý chặt chẽ về bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Hộp giấy sau khi sử dụng sẽ được thu gom như thế nào?
Tại Việt Nam, hệ thống phân loại và thu gom rác tại nguồn cho tới nay vẫn chưa được chính thức thiết lập và vận hành. Các loại vật liệu có thể tái chế được đa phần vẫn đang được thu gom chung cùng rác hữu cơ và rác khác trong nguồn rác sinh hoạt của người dân. Điều này tạo ra thách thức rất lớn trong việc thu gom.
Nhận biết được điều đó, Tetra Pak đã xây dựng một hệ sinh thái “khép kín” cho việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy. Đầu tiên là việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, khuyến khích phân loại vỏ hộp giấy tại nguồn. Chúng tôi phát triển các kênh mới để người dân thuận tiện hơn trong việc đưa vỏ hộp giấy đến các điểm thu gom.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và một số đối tác khác cùng hơn 1.600 trường học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai chương trình thu gom vỏ hộp sữa. Chúng tôi cũng cùng một số đối tác thiết lập và duy trì hàng chục điểm thu gom công cộng trên khắp cả nước. Trong đó, gần đây nhất là chương trình hợp tác với TH thu gom vỏ hộp sữa bất kỳ để đổi quà bằng chất liệu thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, Tetra Pak đã hỗ trợ các đối tác tiên phong trong việc số hóa hoạt động thu gom phế liệu nói chung và vỏ hộp giấy nói riêng, điển hình như dự án đưa vỏ hộp giấy vào danh mục các vật liệu được thu gom trên ứng dụng thu gom ve chai Veca. Mới đây nhất, chúng tôi thí điểm mô hình thu gom vỏ hộp giấy tại TP.HCM thông qua lực lượng thu gom phi chính thức và các bên liên quan trong chuỗi giá trị thu gom và tái chế, cụ thể là người nhặt ve chai, vựa phế liệu, đơn vị tổng hợp và thu mua phế liệu, đơn vị tái chế.
Tại Việt Nam, đây là lực lượng có khả năng đi sâu vào các điểm phát thải trong cộng đồng như hộ gia đình, nhà hàng..., đóng góp một tỉ lệ thu gom đáng kể các loại vật liệu có thể tái chế được từ nguồn rác thải sinh hoạt.
Vỏ hộp sẽ được tái chế thành những sản phẩm gì?
Sau khi được thu gom, vỏ hộp giấy sẽ được vận chuyển đến Nhà máy giấy Đồng Tiến Bình Dương để tái chế. Tại đây, chúng được đưa vào hệ thống đánh bột thủy lực, giúp phân tách bột giấy ra khỏi thành phần nhôm nhựa. Bột giấy sau khi phân tách sẽ được sản xuất thành các sản phẩm như giấy cuộn công nghiệp, giấy bao gói, giấy vệ sinh. Thành phần nhôm nhựa sẽ được đưa qua dây chuyền ép nhiệt, tạo thành các tấm lợp và tấm phẳng sinh thái dùng cho ngành xây dựng.
Tetra Pak được thành lập và hoạt động với phương châm “bao bì phải mang lại nhiều giá trị hơn chi phí tạo ra nó”. Theo chị, đến nay, những giá trị đó là gì?
Điều này đơn giản có nghĩa là một bao bì như hộp giấy phải mang lại nhiều giá trị cho tất cả mọi người. Với nhà sản xuất, nó giúp việc đóng gói sản phẩm, phân phối dễ dàng và hiệu quả. Với người bán hàng thì nó giúp việc bảo quản đơn giản, tiết kiệm. Với người tiêu dùng là an toàn cho sức khỏe, thuận tiện để sử dụng. Và với xã hội là sự công bằng nhờ sản phẩm có thể được phân phối tới mọi nơi, sức khỏe người dân được cải thiện và ít tác động tới môi trường.
Quá trình sản xuất hộp giấy của nhà máy đã giảm thiểu việc phát thải nhà kính như thế nào? Công ty có mục tiêu tăng những con số này lên trong tương lai không?
Năm 2020, chúng tôi đã đưa ra mục tiêu không phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành của công ty vào năm 2030 và hoàn thành việc không phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050.
Đây là một mục tiêu hết sức tham vọng và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chinh phục nó thông qua việc không ngừng nghiên cứu để tìm ra các loại nguyên liệu thay thế có tính bền vững hơn, cũng như rất nhiều hoạt động khác như đầu tư nâng cao tính bền vững của nhà máy sản xuất.
Đơn cử, nhà máy tại Bình Dương của chúng tôi đã đạt chuẩn LEED Vàng phiên bản mới nhất, đạt được một số giá trị bền vững nổi bật như phủ xanh 34,6 ha diện tích của nhà máy, giúp tăng lượng oxy tại nhà máy lên tới 4 lần, tạo môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó là việc tiết kiệm 2 triệu lít nước/năm nhờ tái sử dụng và tối ưu nước, tái sử dụng và tái chế 90% chất thải, giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tương đương với 200 chuyến bay vòng quanh thế giới.
Chúng tôi cũng mới bổ sung thêm khoản đầu tư 5 triệu USD cho nhà máy vào năm ngoái, bao gồm việc lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời trên phần mái nhằm giúp hạn chế phát thải khí nhà kính.
Sau đại dịch, Tetra Pak đã khởi động lại chương trình tái chế học đường với sự tham gia của các trường mầm non và tiểu học, phải chăng công ty muốn nâng cao nhận thức về môi trường ngay từ thế hệ trẻ nhỏ? Kết quả của chương trình này như thế nào?
Muốn có một môi trường tốt thì phải xây dựng được thói quen tốt. Chính vì vậy chúng tôi rất chú trọng tới việc xây dựng nhận thức và thói quen phân loại xử lý vỏ hộp giấy để tái chế cho đối tượng học sinh. Và các bạn học sinh cũng sẽ thúc đẩy bố mẹ, người thân của mình tham gia bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đã cùng đối tác triển khai các hoạt động tập huấn và thu gom vỏ hộp giấy tại hơn 1.600 trường học ở Hà Nội từ năm 2018. Kết quả thu được là rất tích cực với khối lượng hơn 600 tấn vỏ hộp giấy đã qua sử dụng được thu gom và tái chế từ chương trình này.
Sau thời gian gián đoạn vì đại dịch, việc thiết lập thu gom trở lại tại các trường đang diễn ra khá chậm vì nhiều lý do khách quan. Tetra Pak rất mong chương trình sẽ nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và các trường học trên cả nước, để mô hình tương tự có thể được triển khai và tiếp cận được đến nhiều các em học sinh hơn.
Một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cấm nhựa dùng một lần, ưu tiên và khuyến khích việc sản xuất và sử dụng sản phẩm tái chế. Chị đánh giá như thế nào về cơ hội của Tetra Pak trước xu hướng toàn cầu này?
Chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon. Điều này có nghĩa là dù đó là rác thải nhựa hay bất cứ chất liệu nào thì cũng cần được tái chế để giảm thải và tiết kiệm tài nguyên. Đây cũng là mục tiêu mà Tetra Pak đang thực hiện.
Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào, dù lớn tới đâu có thể làm việc này một mình. Nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, ví dụ cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra quy định pháp luật cụ thể và thực thi hiệu quả, doanh nghiệp cần chiến lược và lộ trình rõ ràng, người tiêu dùng cần tạo thói quen phân loại, tái chế rác và các địa phương cần xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom ở quy mô lớn.
Sau các giải thưởng và thành tích đạt được về phát triển bền vững, kế hoạch và mục tiêu tương lai của Tetra Pak là gì?
Đưa mức phát thải carbon về 0 trong toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất, đưa ra bao bì làm hoàn toàn từ nguyên liệu tái sinh và có thể được tái chế, cùng với các địa phương và doanh nghiệp đối tác xây dựng hệ sinh thái thu gom và tái chế vỏ hộp giấy bền vững là những mục tiêu mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Thanh Huyền