Chuyện Tưởng Giới Thạch nghiên cứu Kinh Dịch

Chia sẻ Facebook
16/12/2022 19:51:39

Việc Tưởng Giới Thạch yêu thích nghiên cứu thuật số trong "Kinh Dịch" là điều rất nhiều người biết. Trước lúc lâm chung, ông từng...


Tưởng Giới Thạch đọc rất nhiều các sách cổ như “Kinh Dịch”, “Trung Dung”, “Lễ Ký”, “Luận Ngữ”… Những triết lý cổ xưa này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của ông.

Tưởng Giới Thạch mặc lễ phục quân trang (1940). (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)


Theo phả hệ, tổ tiên của Tưởng Giới Thạch là Ma Ha cư sĩ , người Hậu Lương thời Ngũ đại. Tưởng Giới Thạch là thế hệ thứ 28 của họ Tưởng ở trấn Khê Khẩu, chữ lót của tên là “Chu” , cho nên tên của ông ghi trong phả hệ là Tưởng Chu Thái.

Nguồn gốc của tên “Giới Thạch” và “Trung Chính”


Ngay từ lúc lên 5 tuổi, Tưởng Giới Thạch đã bắt đầu theo học tại trường tư, lần lượt đọc các tác phẩm “Đại Học”, “Trung Dung”, “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Lễ Ký” . Năm lên 9 tuổi, ông tiếp tục đọc các tác phẩm “Hiếu Kinh”, “Xuân Thu”, “Tả truyện”, “Thi Kinh”, “Kinh Dịch” …. và lĩnh ngộ được rất nhiều triết lý.


Sự ảnh hưởng của “Kinh Dịch” đến tư tưởng của Tưởng Giới Thạch thể hiện ngay ở việc ông chọn danh tự cho mình. Tưởng Trung Chính là tên được dùng sau khi ông đến chỗ Tôn Trung Sơn tại Quảng Đông vào năm 1918. “Giới Thạch” là bút danh được dùng khi ông phụ trách tạp chí Quân Thanh tại Nhật Bản. Những danh tự này đều có nguồn gốc từ “Kinh Dịch”.


Trong 64 quẻ của “Kinh Dịch” có quẻ Dự. Hào từ ở quẻ Dự có ghi: “ Giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát” , ý tứ là tâm chí và hành vi trong cuộc sống hàng ngày kiên định, vững như bàn thạch, không trầm mê hưởng lạc cả ngày, đây là điều tối may mắn. Tưởng Giới Thạch đã chọn dùng ý cảnh tốt đẹp của quẻ này để lấy tên “Giới Thạch” cho mình.


Lão Tử từng nói binh quá mạnh thì dễ bị diệt vong, cây quá cứng thì dễ bị gãy. Bởi vậy Nho giáo và Đạo giáo đều giảng cương hoá nhu, nhu hoá cương, ngoài nhu mà không giữ lấy nhu, ngoài cương mà không giữ lấy cương, nắm hai đầu mà giữ lấy chính giữa là đạo trung chính an toàn nhất. Chính từ tinh thần này mà Tưởng Giới Thạch lấy tên “Trung Chính”.


Đầu năm 1923, lúc rảnh rỗi trên đảo Cổ Lãng, ông từng viết qua 4 chữ lớn “Kỳ giới như thạch” (cương trực, khí phách như đá), đồng thời cho khắc tại sườn núi ở bên trái đình Canh Y. Điều này phản ánh sự truy cầu tư tưởng về ngụ ý trong danh và tự của Tưởng Giới Thạch.

Niềm tin vào “Kinh Dịch”


Việc Tưởng Giới Thạch yêu thích nghiên cứu thuật số trong “Kinh Dịch” là điều rất nhiều người biết. Trước lúc lâm chung, ông từng nói rằng: “Thị phi thẩm chi vu kỷ, hủy dự nhâm chi vu nhân, đắc thất thủ chi vu sổ.” Câu này ngụ ý nói: Trên thế giới thị thị phi phi là vô cùng phức tạp, hết thảy đều phải dựa vào bản thân mình suy nghĩ cẩn thận mà phân biệt ra. Bản thân lại từ đó quyết định con đường đi cho chính mình, việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Làm việc rồi thì trong xã hội tất nhiên sẽ có người tán dương nhưng cũng sẽ có người phỉ báng. Đối với điều này, bản thân phải bình tĩnh. Về phần sự nghiệp thành công hay thất bại, chỉ có thể được quyết định bởi số mệnh.


Không ít nhà sử học đánh giá rằng sau khi đến Đài Loan, Tưởng Giới Thạch từng bị rất nhiều người châm chọc, chế giễu nhưng dựa vào những triết lý trong “Kinh Dịch” , ông đã tìm được con đường giải thoát cho tâm linh của mình.


Trong cuộc đời mình, Tưởng Giới Thạch đọc “Kinh Dịch” rất nhiều lần, rất tin vào những triết lý trong đó. Bởi vậy mỗi khi trong vận mệnh gặp phải một sự tình nào đó lận đận trắc trở, ông lại trở về quê Khê Khẩu, Phụng Hóa ở. Hơn nữa, ông còn thường lên chùa Tuyết Đậu ngủ lại. Trong sự nghiệp của mình, Tưởng Giới Thạch rất nhiều lần mất chức về quê, tuy nhiên sau mỗi lần trở về Phụng Hóa như vậy, người ta lại thấy ông leo lên một địa vị cao hơn. Cũng chính nhờ điểm tựa tâm linh ấy mà Tưởng Giới Thạch ngã rồi lại có thể đứng dậy đi tiếp.


“Kinh Dịch” không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc đến Tưởng Giới Thạch mà từ trước đó đã có ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa trong gia đình họ Tưởng. Xét về phong thủy, nơi gia đình họ Tưởng sinh sống có hoàn cảnh địa lý rất tốt đẹp, được coi là một nơi bảo địa. Nếu nhìn ra xa, vùng đất này phía đầu gối lên Tứ Minh Sơn, lưng dựa vào Thiên Đài Sơn, chân đạp Quát Thương Sơn, mặt hướng ra biển Đông, tay nắm Tượng Sơn cảng. Nếu nhìn hẹp hơn, Tuyết Đậu Sơn giống như một con rồng bơi tới Khê Khẩu, rồng lượn vòng ở Khê Khẩu, miệng ngậm hạt châu, đó là biểu tượng của điềm đại cát, ở Khê Khẩu sinh ra quý nhân.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Tưởng Giới Thạch: Lễ nghĩa liêm sỉ là nền tảng để phục hưng dân tộc


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook