Chuyện tình lãng mạn của chủ nhà máy xay lúa và tiểu thư cách đây 60 năm
"Hễ đụng một chút là bà lại bảo với các con rằng ba mày muốn ăn cái này, mua cho ba mày cái kia. Tới giờ cơm là bà lại lo cho chồng trước. Những tháng cuối đời, bà bị suy thận, hai ngày phải vào viện lọc thận một lần.
Vợ: Bà Huỳnh Lệ H. - con gái một phú hào ở Long Xuyên (An Giang). Chồng: Ông Lê Thanh Bá - 83 tuổi - Chủ nhà máy xay lúa tại Lấp Vò (Đồng Tháp). Hai ông bà lập gia đình và cùng sinh sống tại Đồng Tháp.
Hôn lễ khủng cách đây 60 năm
Có những câu chuyện hôn nhân đã trở thành huyền thoại. Hai con người đến bên nhau nhờ mai mối nhưng cuối cùng lại viết nên câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, thiêng liêng vô cùng.
Nhiếp ảnh gia Vương Đình Khang đã có một bài chia sẻ về chuyện tình yêu của ông bà ngoại anh. Cách đây vài tháng, bà đã ra đi ở tuổi 83, để lại ông với muôn vàn nỗi niềm tiếc thương sâu sắc.
Ngày ấy, ông bà sinh ra và lớn lên trong hai gia đình môn đăng hộ đối. Ông là chủ nhà máy xay lúa lớn trong vùng còn bà là tiểu thư của một phú hào. Vào những năm ấy, chuyện hôn nhân vẫn do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ông và bà cũng như thế. Gia đình môn đăng hộ đối, có cha mẹ ưng ý thì hai con nên duyên.
"Ông hồi đó công tử, chủ nhà máy xay lúa to ở Lấp Vò (Đồng Tháp). Bà cũng bảo hồi ấy đàn bà cưới là xác định phải thương chồng, tới già, tới chết.
Bà gả vào nhà giàu có nên quy định làm dâu nhiều và khắt khe, tam tòng tứ đức. Từ cái nết ngồi nhặt rau tới cách và chén cơm cũng phải đúng lễ đúng nghĩa. Ở nhà bà cũng tiểu thư nhưng đi làm dâu thì phải "rèn giũa" lại, chăm sóc chồng"
Những ngày ấy, hai vợ chồng ông bà không có hẹn hò, từ lúc quen đến khi cưới họ mới chỉ gặp nhau vài lần mà thôi. Thời đó, bà đã đi học, đậu Tú Tài và sắp làm cô giáo, cả một vùng chỉ có vài người được như thế. Tuy nhiên vì cưới ông, bà từ chợ đã theo về quê tận trong thôn làm dâu, nguyện theo ông suốt đời.
Hai bên đều là con của gia đình giàu có nên đám cưới của họ cách đây 60 năm đã sang trọng vô cùng. Kể cả đặt nó vào thời đại bây giờ, đấy chắc chắn vẫn là một "hôn lễ khủng", gây nhiều sự chú ý.
"Ngày xưa cưới hỏi khó khăn chứ không như bây giờ. Phải khá giả lắm thì mới có đám với đầy đủ lễ vật, đãi tiệc, đám rước và trang trí hoành tráng. Hôn lễ của ông bà tổ chức vào năm 1962, bây giờ là tròn 60 năm nhưng đã rất chỉn chu.
Ông mặc vest, dẫn đầu một đoàn xe hơi dài đến nhà đón bà. Bà mặc áo dài duyên dáng. Hồi ấy xe là những loại "xế cổ" như xe bọ rùa, xe Combi mà bây giờ gọi là xe vintage. Thời đó sông ngòi nhiều nên đón dâu cũng có ghe xuồng nữa. Đặc trưng của đám cưới miền Tây là có cổng lá dừa, áo dài chiết eo cho phụ nữ hay áo dài thụng đen cho các ông".
Nhìn vào những hình ảnh đính kèm, người ta có thể tưởng tượng được cả một hôn lễ rất chỉn chu, chỉ thuộc về những nhà giàu có trong thập niên 1960.
Hồi đó, lễ còn có cặp đèn cầy Long Phụng, khau trầu rượu và bó hoa huệ cho cô dâu. Những năm ấy còn có giao thoa với nền văn hóa phương Tây nên còn một số kiểu cách "tân thời" khác nữa.
"Thời này đồ ăn còn đắt đỏ, trâu bò gà vịt đều là món đắt giá được đãi trong lễ cưới. Đám cưới cũng còn nặng lễ giáo nên chưa thể vui vẻ, cởi mở như bây giờ. Về ảnh chụp, nhiếp ảnh cũng chỉ có film đen trắng. Hình có rồi chỉ dám "photoshop" vài tấm vì phí rất đắt. Họ phải nhờ họa sĩ vẽ chồng lên tấm ảnh chụp. Xóa mụn, tạo khối mặt, vẽ lại tóc bằng màu vẽ"
Cuộc hôn nhân viên mãn đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay
Sau khi kết hôn, cuộc sống của ông bà vô cùng hạnh phúc. Ông Thanh Bá là "dân chơi" đời đầu, hào hoa phong nhã, nhiều người chết mê chết mệt nhưng luôn một lòng với người vợ của mình. Ông rất thương và thậm chí có chút "sợ" bà.
"Bà mà hét một tiếng là ông chỉ còn biết lầm bầm cãi và bỏ đi chỗ khác chứ không dám chống đối. Hai ông bà khắc khẩu, chuyện gì cũng có thể cự nự nhau như tắt cái đèn hay chuyển kênh tivi. Nhưng mà bà nhập viện mấy ngày, ông ở nhà lén con cháu đứng quay mặt ra cửa sổ khóc rưng rức gọi điện: "Chừng nào bà về?". Bà hết ốm về một ngày ông bà lại khắc khẩu cãi nhau. Bà giận quá la: "Sau này đừng có gọi điện hỏi tôi khi nào về, về cái gì mà về, con cháu lại tủm tỉm nín cười thôi",
Sinh ra trong nhà giàu có, thói quen ăn uống của ông rất khó. Sau này, vì vài biến cố mà gia đình khó khăn hơn xưa nhưng bà chưa bao giờ để ông phải "buồn cái miệng" một ngày nào. Kiểu gì bà cũng cố gắng để cho chồng có đủ những món ăn yêu thích trên mâm như canh chua, món tôm, món gà.
Bà đi không nổi, ngã suốt nhưng cứ tới giờ cơm là quay ra hỏi con dâu: "Ba mày hôm nay ăn gì?". Ông biết vợ lo cho mình nên vẫn tự cố đi mua cơm ăn để cho vợ biết rằng ông vẫn đang được ăn ngon những món mình tự chọn. Mình không bao giờ thấy ông bà nói thương nhau nhưng lại thấy họ thương nhau quá nhiều".
Tình yêu của ông bà bền bỉ qua năm tháng, nó thể hiện cả trong những lời cự nự nhau và cả trong cách đối xử với nhau hằng ngày.
Có lần ông bị ngã do muốn sơn lại chiếc cửa nên lén mua sơn về rồi leo lên. Cả nhà loạn hết lên, vì thương nên trách ông. Lúc đó bà đứng ra bênh ông bởi "Không được ai đụng tới chồng bà " dù rõ ràng ông là người sai.
Hiện tại, bà đã vĩnh viễn rời xa, ông một mình lủi thủi ra vào nhà, thắp nhang rồi nhìn hình bà lúc trẻ. Tròn 60 năm gắn bó vợ chồng, họ đã cùng nhau viết nên câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp khiến cho con cháu phải ngưỡng mộ mãi không thôi.