Chuyện tình công chúa Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản lên sân khấu opera
Sau việc tái hiện lễ cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro thế kỷ 17 mấy năm gần đây tại Hội An, các nghệ sĩ opera hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản sẽ lần đầu đưa chuyện tình nổi tiếng này lên sân khấu lớn của hai nước.
Hai giọng soprano xuất sắc của Việt Nam hiện nay là Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang (Trang Bùi) đã được chọn vào vai công nữ Anio (công chúa Ngọc Hoa); và hai giọng tenor hàng đầu của Nhật Bản là Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai thương nhân Araki Sotaro, theo công bố ngày 3-6 của ban tổ chức.
Vở opera Công nữ Anio do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Ban điều hành dự án Công nữ Anio sản xuất, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, dự kiến công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 9-2023 và sau đó sẽ đến Nhật Bản.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji - người nhiều năm gắn bó với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam - là tổng đạo diễn của chương trình, đạo diễn là Oyama Daisuke. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là tác giả âm nhạc của vở opera, NSƯT Trần Ly Ly là cố vấn sản xuất. Vở opera có bối cảnh ở cả hai nước nên diễn viên sẽ hát cả tiếng Việt và tiếng Nhật.
Không phải ngẫu nhiên mà dự án đã chọn câu chuyện tình nổi tiếng cách đây 400 năm giữa hai nhân vật lịch sử của hai nước để xây dựng tác phẩm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Ở Hội An gần đây mới tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato, nhưng ở Nagasaki (quê hương của Araki Sorato), lễ rước kiệu đón công nữ Anio (tên người Nhật gọi công chúa) vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh Châu Ấn thuyền 7 năm một lần vào tháng 10, tại lễ hội Nagasaki Kunchi.
Tại lễ hội, đám cưới của công chúa Ngọc Hoa cũng được phục dựng với một chiếc thuyền buôn cùng bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa với trang phục truyền thống của hai nước.
Đây có lẽ là câu chuyện tình đẹp còn sống lâu với hậu thế hiếm hoi giữa một công chúa Việt Nam và một người nước ngoài.
Theo nhiều sử liệu Việt Nam thì trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán, Araki Sotaro được chúa Nguyễn Phúc Nguyên có cảm tình và giao cho nhiều trọng trách tại Hội An. Đặc biệt chúa Sãi còn lập cho ông một tờ thư xác nhận "ông đã tự nguyện ở dưới gối" - tức làm chức quan trung thành với chúa.
Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái nuôi của mình là công chúa Ngọc Hoa cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này.
Một năm sau, ông Araki lại đưa vợ về Nhật Bản định cư ở Nagasaki. Đạo diễn Oyama Daisuke cho biết ở Nhật Bản còn lưu truyền nhiều mẩu chuyện về tình yêu của hai người và những tình cảm tốt đẹp mà người dân địa phương dành cho công chúa Ngọc Hoa.
Về cái tên Anio mà người Nhật gọi bà cũng rất đặc biệt. Theo sử sách Nhật Bản, đặc biệt từ tài liệu của Hội Hữu Nghị Nagasaki - Việt Nam, tên của công chúa Ngọc Hoa được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu).
Nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt "anh ơi, anh ơi" nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san (từ "Anio" phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương ở đây cũng đều được gọi là Anio-san).
Áo Mãng Lan của quan nhất phẩm triều Nguyễn, áo Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương - trưởng nữ của vua Dục Đức - cùng nhiều tranh thêu chỉ vàng kim tuyến, và hàng trăm cổ vật hoàng cung đang được trưng bày tại Hà Nội.