Chuyển tiếp triều Tiền Lê: Vở diễn huy hoàng về Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa của Trời xanh?
Cõi nhân sinh như mộng thoảng, quá khứ đẹp đẽ tráng lệ thuở nào. Người xưa quay trở về, nhìn lại đã nghìn năm trôi qua…
Tiếp theo Phần 1
Vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại khi đang tại vị được 12 năm, lúc đó con trai nhỏ Đinh Toàn của nhà vua mới 6 tuổi. Thừa cơ, nhà Tống đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga trước mối an nguy của nước nhà, đã khoác long bào cho Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) lên ngôi Hoàng Đế. Ngài ra trận chống kẻ thù phương bắc và trở về trong khúc khải hoàn, giữ yên bờ cõi Đại Việt.
Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu, tức 10 tháng 8 năm 941. Trong cuộc đánh dẹp 12 sứ quân, ông đã lập được nhiều công lao và được vua Đinh Tiên Hoàng giao chức vụ Thập đạo tướng quân (tướng chỉ huy mười đạo quân), Điện tiền đô chỉ huy sứ – tức chức vụ Tổng chỉ huy quân đội cả nước Đại Cồ Việt, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư. Lúc đó ông chỉ mới 27 tuổi.
Khi Lê Hoàn lên ngôi trị vì lấy hiệu là Thiên Phúc năm thứ nhất, giáng Đinh Toàn làm Vệ Vương (tháng 7 năm 980). Tháng 3 năm Tân tỵ (981), quân Tống tiến vào nước ta. Lê Hoàn đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá quân Tống xâm lược, sau đó trừng phạt quân Chiêm Thành ở phía Nam. Năm Nhâm Ngọ (982) Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đánh Chiêm để phạt tội dám bắt giam hai sứ thần nước ta là Từ Mục và Ngô Tử Canh.
Sử sách chép rằng, Lê Hoàn sinh ra trong cảnh “mây ngũ sắc bay đến che phủ, chim bay về đỗ kín cành đa, hươu trong rừng ra cho cậu bú.”
Có lẽ bởi ông có mệnh vương nên đã được bảo trợ từ bé, ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ. Bà Đặng Thị mẹ ông mang thai ông rất lâu mà chưa sinh nở, đến nỗi bị xóm làng dị nghị cười chê là hoang thai nên uất ức nhảy xuống sông tự tử. Nhưng lạ thay, bà không biết bơi mà người cứ nổi lên, nước suối lại rẽ ra, rồi như có bàn tay vô hình nâng lên bờ, quần áo vẫn khô nguyên. Có lẽ vì đứa con trong bụng bà có mệnh thiên tử nên dẫu bà có muốn chết cũng chẳng thể chết được.
Chân mệnh đế vương thuở lọt lòng
Rồng vàng đã ấp ở bên trong
Lê Hoàn Thập Đạo mang chân khí
Trên vai nặng gánh vận non sông.
Vua Đinh tiên đế đã băng hà
Để yên xã tắc với triều ca
Vận nước lâm nguy tôn minh chủ
Thái hậu vua Lê lại một nhà.
Phá Tống bình Chiêm Lê Đại Hành
Ngàn năm còn mãi với sử xanh
An dân dựng nước đầy mưu lược
Hào lũy thung sâu dựng trường thành.
(Vua Lê Đại Hành)
Vua đánh đâu được đấy: Chém vua Chiêm Thành để rửa mối nhục bị bọn phiên di bắt giữ sứ giả của mình; đánh tan quân của vua nước Tống là người vốn dòng họ Triệu, mau chóng đập tan mưu đồ của họ. Có thể coi vua là đấng anh hùng nhất đời vậy.
– Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư)
1. Tấm lòng vì xã tắc và nỗi oan khuất của Thái hậu Dương Vân Nga?
Vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, con trai nhỏ Đinh Toàn mới 6 tuổi, nhà Tống thừa cơ đem quân sang xâm lược, Thái hậu Dương Vân Nga trước mối an nguy của nước nhà đã khoác long bào cho Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) lên ngôi Hoàng Đế.
Tuy nhiên, việc Lê Hoàn tiếp ngôi, lập thái hậu Dương Vân Nga làm hoàng hậu, khiến Dương Vân Nga trở thành hoàng hậu của cả 2 triều Đinh và Lê, nhiều nghi án đã được đặt ra trong hậu thế: Phải chăng Dương Vân Nga và Lê Hoàn câu thông để sát hại Đinh Tiên Hoàng? Khi Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rõ: “Vua lập Đại Thắng Minh hoàng hậu triều Đinh làm hoàng hậu”.
Dẫu hậu thế có nặng lời với Lê Đại Hành, nhưng liệu tất cả có phải đều do trời sắp đặt, chọn người anh minh tiếp ngôi để yên ổn xã tắc? Bởi nhắc đến Dương Thái hậu, người ta không thể quên giai thoại khi bà mới sinh. Khi ấy, bà thường hay khóc dạ đề. Một hôm có người đạo sĩ đi qua, ông đọc hai câu thơ khiến cô bé nín bặt: “Nín đi thôi, nín đi thôi, một vai gánh vác cả đôi sơn hà.”
Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy 2 vị vua là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Nhưng tấm lòng người trong cuộc, vì non sông, xã tắc, vì muôn dân, hay vì chỉ vì tư tình riêng, sẽ mãi mãi là dấu hỏi cho hậu thế… nếu như không được nghe những lời giãi bày của Thái hậu Dương Vân Nga xuyên qua ngàn năm không gian và thời gian:
Hương lửa đang nồng trâm vỡ tan
Con còn thơ dại giặc ngoại bang
Thế nước lòng dân trời binh lửa
Có hiểu lòng ta hỡi Đinh Hoàng!
Hậu thế nghĩ gì ngôi Thái Hậu
Vân Nga đâu tiếc tấm thân vàng
Vì nước an dân trao ngôi báu
Lê Hoàn dậy sóng thắng lân bang.
(Thái hậu Dương Vân Nga)
2. Lòng trung quân của các đại thần: để lại ngàn thu một tấm lòng
2.1 Nguyễn Bặc
Thuở nhỏ, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú kết nghĩa anh em, cùng tuổi Giáp Thân, cùng làng – đồng lân đồng Giáp Thân, bốn người được vua Đinh giao cho tứ trụ triều đình.
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, Nguyễn Bặc không tuân phục vua Lê Đại Hành, giữ lòng trung trinh, tiết liệt với vua Đinh. Ông đã cùng tướng Đinh Điền kéo quân về đánh Lê Đại Hành để khôi phục nhà Đinh, nhưng bị thất bại và bị xử tử năm 979.
Hàn vi thuở nhỏ bạn vua Đinh
Kết nghĩa anh em nặng chữ tình
Ai biết trời xanh gây gió bão
Lòng trung Phật tổ có hiển linh
Ngàn năm oanh liệt đức trung thần
Hương khói đền thờ Định Quốc Công
Hoàng Long soi bóng người trung nghĩa
Để lại ngàn thu một tấm lòng
(Đền Thờ Định Quốc Công)
2.2 Hai danh tướng Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù
Khi Đinh Tiên Hoàng và con trai Thái Việt Vương bị Đỗ Thích sát hại, triều đình nổi loạn, hai tướng Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù là quan giám sát Đại tướng quân của triều Đinh, bồng ấu chúa Đinh Toàn 6 tuổi trốn vào hang núi. Sau khi ổn định, triều đình cho người đón ấu chúa. Hai tướng ở lại nơi này cho đến lúc mất. Dân làng lập đền thờ Phủ Đột hay còn gọi là đền Trình để tưởng nhớ hai vị trung thần.
Nội loạn triều Đinh phò ấu chúa
Ơn vua nghĩa nước cưỡi phong vân
Tràng An sóng nước còn muôn thuở
Hương khói đền xưa tiếc trung thần
Lòng trung sáng mãi cùng nhật nguyệt
Thiên thu còn có với non sông
Hữu tả Thanh Trù người trung liệt
Gió thổi đền thiêng ngọn cờ hồng.
(Đền Trình)
2.3 Bảy vị danh thần tuẫn tiết theo vua, mang theo bí mật ngàn thu
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị sát hại, triều đình đã lấy 100 cỗ quan tài giống hệt nhau di long bốn hướng. Hậu thế không biết được đâu là ngôi mộ thật của vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi an táng vua, 7 vị danh thần đã tuẫn tiết, đem theo bí mật ngôi mộ của vua Đinh Tiên Hoàng vào thiên thu.
Tuẫn tiết theo vua bảy danh thần
Lòng trung vì nghĩa tiếc gì thân
Khói hương nghi ngút đền Phủ Khống
Ngàn năm con cháu mãi tri ân
(Đền Phủ Khống)
2.4 Mối oan tình và lòng trung hiếu của công chúa Phất Kim
Công chúa Phất Kim, con gái của Đinh Tiên Hoàng được vua cha gả cho Ngô Nhật Khánh, một trong mười hai sứ quân mà ông thu phục. Trong khi đi cầu viện vua Chiêm để khôi phục dòng họ Ngô, Nhật Khánh đã ra tay hành hạ và xẻo má vợ trên bãi biển Nam Giới, nay thuộc Hà Tĩnh. Khi Nhật Khánh dẫn hơn 1000 chiến thuyền của quân Chiêm đánh vào đất Việt, quá phẫn uất trước tâm địa của chồng, công chúa Phất Kim đã gieo mình xuống giếng Ngọc ở lầu Vọng Nguyệt, kinh thành Hoa Lư.
Cuộc hôn nhân của công chúa Phất Kim và Ngô Nhật Khánh trong những ngày đầu diễn ra êm ấm và hạnh phúc tới khi Ngô Nhật Khánh được dụ đi cầu viện vua Chiêm về đánh Đại Cồ Việt.
Khi phò mã đô úy Nhật Khánh xin phép vua cha cho mình cùng công chúa Phất Kim đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy và xin phép vua cha cấp năm chiến thuyền hộ tống công chua và phò mã, là khi Nhật Khánh nhận được một bức thư từ sứ thần Nhà Tống gửi. Thuyền xuôi dòng Vân Sàng, qua Ngọc Thỏ cảng, vượt cửa Thần Phù rồi ra biển Đông, Phất Kim hỏi chồng: “Chúng ta đi đâu?”
Nhật Khánh nghĩ Phất Kim lúc này là phận gái, đã theo chồng nên đáp: “Chúng ta sẽ vượt qua Nam Giới chạy sang cầu cứu vua Chiêm. Người Tống đưa đường và sẽ giúp chúng ta. Việc thành, nàng sẽ trở thành chính cung hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt”.
Không như những gì Ngô Nhật Khánh mong muốn, Phất Kim một lòng cương quyết: “Không! Chúng ta không bao giờ được phản bội phụ vương, phụ bạc kinh thành Hoa Lư và nước non Đại Việt”.
Nhật Khánh lại nói thêm: “Hôm vừa qua, viên khách thương nhà Tống đã báo cho ta biết sứ giả nhà Tống đang đợi ta đến yết kiến vua Chiêm. Vua Chiêm có nhiệm vụ cấp cho ta binh lính và chiến thuyền tấn công Đại Cồ Việt bằng đường thủy. Còn về đường bộ, vua Tống đã hứa giúp đội quân mạnh nhất, có nhiều dũng tướng giỏi, đánh bằng được Đại Cồ Việt. Nàng không nghe ta thì sau có hối hận là muộn”.
Công chúa Phất Kim vẫn tha thiết khuyên răn:
Thiếp theo lệnh vua cha đã xuất giá để theo minh công. Trọn đời này, kiếp này chỉ biết có minh công mà thôi. Nhưng chàng phải hồi triều, không thể nào phản lại vua cha để mang tội bất hiếu, bất trung và mang tội phản lại dân tộc .
Nhưng lời lẽ thống thiết không làm thay đổi rắp tâm của Ngô Nhật Khánh. Khánh đã rút dao xẻo má công chúa một cách lạnh lùng, tàn nhẫn.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Ngô Nhật Khánh dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức cửa Sót, Hà Tĩnh), hắn rút dao bên mình ra, xẻo má vợ mà kể tội: Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta đau lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây.” Sau đó sang thuyền chiến bên cạnh, hối thúc quân chèo đi, bỏ lại công chúa với người hầu.
Công chúa Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men, tuy vết thương trên mặt đã lành, nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng là Tướng Quốc, là phò mã, mà lại theo giặc ngoại bang để chống lại vua cha. Phất Kim đã xuống tóc, đi tu trong một ngôi chùa ở kinh đô Hoa Lư.
Nàng đau đớn tuyệt vọng, lại phải chịu nỗi đau đớn kinh hoàng nữa là vua cha và anh cả là Đinh Liễn đã bị Đỗ Thích sát hại. Triều đình rối ren, các đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn đang dàn quân đánh lẫn nhau. Rồi Đinh Điền, Nguyễn Bặc, hai cựu trung thần và đệ nhất công thần của vua Đinh, vì lòng trung quân mà kéo quân từ Ái Châu về đánh Lê Hoàn, bị Lê Hoàn giết chết cả.
Giữa lúc ấy, một tin như sét đánh ngang tai, Ngô Nhật Khánh đang dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thủy quân của vua Chiêm, lại có vua Chiêm cùng xuất binh, theo hai cửa biển Đại Ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt thì bị phong ba nổi lên, nhấn chìm hết cả thuyền bè và bị chết đuối. Công chúa Phất Kim đau đớn, xót xa, tủi nhục đến tuyệt vọng. Nàng nhảy xuống giếng trước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc Kinh thành Hoa Lư tự vẫn.
Cái chết đau đớn, tiết liệt trung trinh của công chúa Phất Kim làm cả triều đình và dân chúng Hoa Lư vô cùng xúc động. Ai cũng khâm phục: Thật hiếm có người phụ nữ trung trinh, đức hạnh và tiết liệt như nàng.
Nhân dân Hoa Lư lập đền thờ nàng ngay trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt. Các triều đại sau đều sắc phong cho nàng là Tiết liệt Trung trinh.
Đền thờ công chúa Phất Kim còn gọi là đền Thục tiết công chúa, phủ Bà Chúa, được xây dựng dưới triều Đinh để tôn thờ tấm lòng trung hiếu, sáng trong, vì nghĩa lớn thà chết chứ không chịu theo giặc chống lại vua cha của công chúa Phất Kim.
Bãi bể nương dâu ôm tình hận
Áo mây trả lại chốn khuê phòng
Ngàn năm ngọc vỡ hoa rơi rụng
Bóng hồng mây nước giữa Hoàng Long
Oan trái tình xưa còn giếng Ngọc
Phất Kim công chúa của Kinh thành
Sương khói thu sầu ngày ly biệt
Mây tắm ao trời nước trong xanh
(Hận tình)
Thất Trụ chùa xưa còn có nữa
Phất Kim công chúa của Tiên Hoàng
Đền lạnh gió mưa màu rêu nhạt
Lau mọc chen cành cảnh sơ hoang
Ôm hận nghìn thu rơi lệ ngọc
Trâm tan bình vỡ nước hoa trôi
Xiêm áo còn vương bờ giếng cũ
Duyên tình bi hận nước mắt rơi
(Chùa Thất Trụ)
Những tấm gương trung hiếu nghĩa đó qua các câu chuyện nghìn năm đọng lại giống như một vở diễn lớn của Trời xanh, mà những nhân vật lịch sử như những diễn viên đã giúp chúng ta giờ đây hiểu được sự thâm sâu và trọn vẹn của nội hàm thế nào là Trung – Hiếu – Nghĩa, hiểu được khí khái cổ nhân, tấm lòng thành tín chân thật của người xưa xuyên suốt lịch sử và bề dày văn hóa truyền thống dân tộc… Khí phách oai hùng, vì nước, vì dân, vì nghĩa lớn của họ tỏa sáng lấp lánh trong thời đại ngày nay khi con người đang quay cuồng trong các lợi ích cá nhân, khiến bất giác mỗi người phải thốt lên: “Ngày xưa thật đẹp!”…
Mời Quý độc giả cùng chúng tôi thưởng ngoạn vẻ đẹp cố đô Hoa Lư trước sau 1000 năm để đắm mình vào một thời quá khứ huy hoàng của dân tộc…
“Cố nhân quay lại đã nghìn năm
Đô thành ngày ấy dưới trăng rằm
Hoa trôi giếng Ngọc đâu còn nữa
Lư thành người cũ có viếng thăm
Cung điện vàng son một thuở nào
Thuyền rồng sóng vỗ mạn lao xao
Ngàn thu bóng xế bao ưu hoạn
Để lại kinh thành vạn ánh sao”
( Cố Nhân)
Mở một cánh cửa nhìn vào quá khứ ấy, bước vào một thế giới gần như bị bỏ quên, thế giới của những rồng, phượng hoàng, kỳ lân, tiên Phật, nhà vua và anh hùng dân tộc nơi kinh thành Tràng An (Hoa Lư, Bái Đính Ninh Bình) triều Đinh – Lê – Lý, cách đây đã hơn 1000 năm. Đó là kinh đô nơi “vùng đất của các hang động kỳ ảo giữa những đỉnh núi đá mây phủ”, với những ngọn núi thiêng, những con suối trong lành được gọi là long mạch. Thế giới ấy là kinh đô nước Đại Cồ Việt xưa:
“Nghìn năm mưa nắng với đất trời
Thành cổ Hoa Lư giữa mây trôi
Vách núi dựng cao trời đất nước
Cờ lau gió thổi mãi không thôi.”
( Trường Thành)
Cung điện Hoa Lư ngày xưa gồm ba cung điện vàng son lộng lẫy là cung điện Trường Xuân, Phong Lưu và Cực Lạc, giờ đã nằm sâu trong lòng đất.
Những trụ cổng, tường gạch, lối đi đều in dấu vết thời gian với những lớp rêu phong cũ kỹ:
“Nghê chầu đồng trụ đã ngàn năm
Sương gió thời gian mãi dãi dầm
Lồng lộng trời cao đôi nghê cổ
Lưu lại đời sau có chữ TÂM”
(Đồng trụ)
Năm 1010, kết thúc triều đại Đinh Lê, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, từ đó Hoa Lư trở thành Cố Đô. Hoa Lư làm kinh đô được 42 năm:
“Trường Xuân cung điện triều nhà Đinh
Phong Lưu, Cực Lạc cả cung đình
Hoang phế ngàn năm trong lòng đất
Dấu ấn một thời thịnh hiển vinh.
Đàn xưa cung nữ múa bên sân
Trăm quan chầu trước cửa bệ rồng
Vua Đinh bào tía thời cung kiếm
Gió thoảng mây ngàn giữa hư không”
(Cung điện triều Đinh)
Vẻ đẹp kinh đô kỳ vĩ Hoa Lư xưa, hiểm trở nhưng nên thơ gắn với hình ảnh như mơ như thực, vua Đinh Tiên Hoàng cùng rồng tía cưỡi hạc bay về:
“Cố đô Đại Việt thành Hoa Lư
Núi non trùng điệp phủ mây mù
Kinh đô Việt cổ nằm thung rộng
Đại Thắng Minh Hoàng mãi ngàn thu.”
( Cố đô Hoa Lư)
“Vòng cung Tây Bắc dãy non Lê
Vua Đinh rồng tía cưỡi hạc về
Chiều tà soi bóng kỳ lân phục
Hùng vĩ trời nam dãy non khê”
( Dãy non Lê)
Vẻ đẹp cố đô Hoa Lư xưa còn gắn liền với những hình ảnh đồng quê, khi xanh mướt thanh bình, khi vàng ruộm màu lúa chín, những cánh cò, hay những hang động kỳ vĩ thần tiên:
“Sông nước bao la cảnh hữu tình
Nắng tràn thung rộng sóng lung linh
Chim bơi cá nhảy trên sông vắng
Đâu biết ngày xưa cảnh chiến chinh
Đàn trâu gặm cỏ bên chân núi
Mục đồng thổi sáo dắt trâu về
Lam chiều vương khói trên giàn mướp
Ráng hồng nhuộm thắm cánh đồng quê.”
( Đồng quê)
Những hang động kỳ vĩ thần tiên Tam Cốc, Bích Động, Hang Sáng, Hang Tối, Hang Nấu Rượu… những chùa chiền trầm mặc:
“Nước mòn vách núi hẻm đá vôi
Biển cả ngàn xưa đã xa rồi
Ngô đồng uốn lượn theo vách núi
Sông soi bóng nhạn cánh chim trời.”
(Tam Cốc)
“Lung linh ngọc quý của trời Nam
Động xanh ngọc bích ghép tên vàng
Ngũ nhạc triều quy Long hội tụ
Thanh tao thi vị cảnh thôn trang.”
(Bích Động)
Vẻ đẹp kỳ ảo của cố đô Hoa Lư như mơ như thực, như xứ của thần tiên gửi vào giữa đời thực:
“Nhũ đá trần hang giọt nước rơi
Tiên bay mây trắng cả hang trời
Ngư ông râu bạc ngồi câu cá
Ông lão đánh cờ nước chảy xuôi.”
(Hang đá)
Hoài niệm quá khứ và người xưa dường như về ẩn hiện với Hoa Lư:
“Cung tần mỹ nữ có về đây
Sương khói ngàn thu đã vơi đầy
Gió thổi chim kêu hòa điệu múa
Ngọc ngà người đẹp ẩn trong mây.”
(Hang Múa)
Hà Phương Linh
(Các bài thơ được sử dụng trong bài viết được trích dẫn từ tập thơ Hoa Lư Thi Tập, tác giả Hoàng Quang Thuận)
“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.