Chuyện thật như đùa: Sữa bột vượt các thiết bị điện tử như iPhone trở thành mặt hàng dễ bị trộm nhất
Khủng hoảng sữa bột đang trở nên nghiêm trọng chưa từng có, khiến đây trở thành mục tiêu hàng đầu của... trộm.
Theo tờ Wall Streer Journal (WSJ), các công ty vận tải và logistic Mỹ đã phải nâng mức độ bảo an với hệ thống theo dõi công nghệ cao và các lớp khóa đặc biệt cho những container chở sữa bột vào Mỹ. Thông thường, những biện pháp an ninh này hay được áp dụng cho những chuyến hàng chở thuốc, thiết bị điện tử, hàng bán dẫn...vốn có giá trị cao và là mục tiêu của lũ trộm.
Thế nhưng thời gian gần đây, sữa bột lại trở thành mặt hàng thu hút số 1 của kẻ cắp, bên cạnh những nhu yếu phẩm như lương thực. Tờ WSJ cho biết lương thực, nhu yếu phẩm bao gồm sữa bột và đồ uống (thường bao gồm rượu bia) đã vượt qua những mặt hàng như thiết bị điện tử để trở thành mặt hàng ưa thích nhất của lũ trộm trong khoảng 2010-2020 khi thu nhập của người dân đi xuống kèm lạm phát tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi sẽ vận chuyển chúng (sữa bột) với mức độ an ninh tương tự như những lô hàng dược phẩm hay thiết bị điện tử khác, vốn thường là mục tiêu của lũ trộm", phó chủ tịch Zak Bowyer của hãng Total Quality Logistics nhận định.
Mặc dù một hộp sữa bột có giá thấp hơn nhiều so với những mặt hàng thiết bị điện tử như iPhone nhưng chúng lại dễ dàng bán lại do nhu cầu cao, khó bị truy tra nguồn gốc, có thể giữ được lâu và vận chuyển dài mà không sợ hỏng hóc hay va đập mạnh.
"Sữa bột như Enfamil, Similac hay những thương hiệu khác hiện đang trở thành miếng mồi ngon cho lũ kẻ cắp", chuyên gia Keith Lewis của hãng an ninh vận tải CargoNet cảnh báo.
Khủng hoảng nặng
Theo WSJ, tình hình khủng hoảng sữa bột tại Mỹ hiện nay cực kỳ nghiêm trọng, nhất là ở khu vực Nam và Tây Nam. Số liệu của hãng nghiên cứu IRI cho thấy tính trên toàn quốc đến ngày 22/5/2022, khoảng 23% số thương hiệu sữa bột trẻ em tại Mỹ thông báo hết hàng.
Con số này chỉ là 11% trước khi vụ bê bối Abbott diễn ra và nguyên nhân chính là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Xin được nhắc là Abbott chiếm đến 42% thị phần sữa bột tại Mỹ và 95% sản phẩm được sản xuất nội địa.
Trước khi đại dịch bùng phát, con số này chỉ vào khoảng 5-7%.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải áp dụng luật sản xuất quốc phòng thời chiến (1950 Defence Production Act) để buộc nhà cung cấp ưu tiên cho các nhà chế biến sữa. Đồng thời Nhà Trắng cũng đã yêu cầu Bộ quốc phòng sử dụng máy bay vận tải quân sự để chở gấp khoảng 35 tấn sữa bột trẻ em từ Đức về nước, tuy nhiên những lô hàng đầu tiên này cũng sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu tại Mỹ hiện nay.
Tổng thống Biden cũng đã có cuộc họp khẩn trực tuyến với những nhà sản xuất sữa vào ngày 1/6/2022 để hối thúc họ tăng cường sản lượng cũng như nhập khẩu từ các chi nhánh khác trên thế giới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với mọi người, từ nhà sản xuất, chính quyền các bang, giới bác sĩ cho đến mọi gia đình để giải quyết tình hình", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Tờ WSJ cho biết nhiều chuyên gia nhận định tình hình hiện nay là "thảm họa" khi các công ty không chỉ tăng cường sản xuất mà còn phải nhập khẩu thêm từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tại Mỹ. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phải ban hành một quy định đặc biệt cho phép các hãng nhập hàng từ Châu Âu, vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe trước đây.
Ngoài ra, mức thuế 17,5% với sữa bột nhập khẩu vốn được dùng để bảo hộ ngành sữa nội địa cũng đang được xem xét lại.
Người nghèo chịu khổ
Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết những người nghèo phụ thuộc vào trợ cấp lương thực là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng sữa hiện nay. Dẫu vậy, số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy vẫn có đến 1,6 triệu trẻ em đang phải phụ thuộc vào nguồn sữa bột từ các chương trình trợ cấp xã hội tính đến năm 2019.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ thì cho thấy khoảng 57-68% doanh số sữa bột của Mỹ được bán thông qua chương trình trợ cấp, tiêu tốn tiền ngân sách là chính. Cụ thể, mỗi bang sẽ có hợp đồng riêng với một nhà sản xuất sữa bột cho chương trình trợ cấp này.
Giáo sư Steven Abrams của trường đại học Texas cho biết khoảng 90% số trẻ em 1 tuổi trở lên tại Mỹ sử dụng sữa bột và đây là mặt hàng nhu yếu phẩm chủ chốt tại Mỹ nên được bảo hộ khá chặt chẽ.
Đồng quan điểm, báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy khoảng 60% số bà mẹ nước này mất sữa trước thời hạn, qua đó biến sữa bột trẻ em thành nguồn dinh dưỡng quan trọng cho nhiều hộ gia đình.
*Nguồn: WSJ
Băng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế