Chuyện thăng trầm khoa bảng của làng Xuân La

Chia sẻ Facebook
21/08/2023 16:03:08

Khinh thường kẻ ở đợ, làng Xuân La không còn người đỗ đạt. Chỉ khi làng thể hiện sự tôn kính Thánh Hiền, đường học hành của người làng...


Khinh thường kẻ ở đợ, làng Xuân La không tổ chức lễ đón người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng theo lệ, từ đó khoa bảng của làng trở nên tăm tối. Chỉ đến khi làng xây dựng lại Văn Miếu, thể hiện sự tôn kính các bậc Thánh Hiền, đường học hành của nhiều người trong làng mới chuyển biến.

Hoàng giáp Ngô Thái Cẩn

Vào đầu thời nhà Mạc, ở làng Xuân La có chàng trai mồ côi cha là Ngô Thái Cẩn, nhà rất nghèo, mẹ lại đau yếu luôn nên Ngô Thái Cẩn phải đi ở đợ để có tiền chăm sóc mẹ già.

Đến khi mẹ mất, Ngô Thái Cẩn không có đồng nào làm ma chay cho mẹ, nên phải cầm miếng đất cùng căn nhà đang ở để có tiền làm tang cho mẹ. Đến khi làm văn tự thì vì một chữ cũng không biết nên ông bị Trưởng bạ miệt thị, khinh bỉ. Từ đó Ngô Thái Cẩn quyết tâm học hành để thật giỏi chữ nghĩa.

Ngô Thái Cẩn học cả ngày cả đêm, nhà nghèo khó nên ông phải nỗ lực gấp bội hơn người, người trong làng đều thấy ông vừa đi vừa học.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ cuối cùng cũng được đền đáp, khoa thi năm 1550 Ngô Thái cẩn đỗ Hoàng giáp vinh quy bái tổ về làng.

Tranh dân gian: Vinh quy bái tổ.

Khinh miệt kẻ ở đợ, làng không còn người đỗ đạt

Theo lệ các kỳ thi khoa bảng, những người đỗ đại khoa đều được tổ chức vinh quy bái tổ về làng. Các chức sắc của làng cũng nhận được thông báo để cùng dân làng chuẩn bị đón tân đại khoa vinh quy bái tổ.

Dù làng Xuân La đã nhận được tin báo, nhưng không ai dám tin kẻ nghèo khó không có đồng nào, phải đi ở đợ cho người ta lại đỗ đại khoa, trong tâm vẫn có ý xem thường. Vì thế mà khi Ngô Thái Cẩn vinh quy bái tổ về làng theo lệ, nhưng người làng không ai đón cả.


Ngô Thái Cẩn bực tức quyết định rời khỏi làng. Người dân làng sau này đồn đại rằng khi Ngô Thái Cẩn đi qua quán đá đến ao Lĩnh trong làng ông đã lấy chiếc dây thừng buộc hòn đá rồi ném xuống ao và nói rằng: “Bao giờ hòn đá này nổi, làng Xuân La mới nên người”.

Ngô Thái Cẩn dời đến đất ở cạnh Xuân La, chiêu dân phát triển làng Cẩm La. Vì có công lao với dân chúng, khi ông mất, dân làng Cẩm La xem ông là Thành Hoàng của làng, cứ đến ngày 6 tháng giêng thì làm lễ giỗ ông.

Sau khi thi đỗ Ngô Thái Cẩn dược bổ nhiệm làm quan, sau thăng lên làm Ngự sử. Năm 2022 họ Ngô ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã tạc tượng tiến sĩ Ngô Thái Cẩn và xây thư phòng để thờ phụng.


Còn làng Xuân La, kể từ khi Hoàng giáp Ngô Thái Cẩn bỏ đi, khoa bảng chìm vào bóng tối, dù có người siêng năng học tập cũng không thành tài được, nhưng không biết nguyên nhân vì sao. Sau này người làng đồn đại về “lời nguyền” của Ngô Thái Cẩn và bán tín bán nghi không rõ thế nào.

Khôi phục xây dựng lại Văn Miếu

Đến năm 1997 trời khô hạn, ao làng cũng cạn, người dân vét đáy ao thì thấy tấm bia đá ghi tên 14 vị đỗ tiến sĩ của huyện Nghi Dương, trong đó có 2 người của làng Xuân La là Bùi Tổ Chứ và Ngô Thái Cẩn. Đây vốn là bia đá trong Văn Miếu Xuân La, thế nhưng trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, đến thời đểm đó thì Văn Miếu chỉ còn là gò hoang cỏ mọc.

Dân làng liền dựng chiếc am nhỏ trên nền Văn Miếu cũ, rồi cho đặt bia đá cùng bài vị của 2 vị đã đỗ tiến sĩ của làng. Kể cũng lạ, từ đó số lượng gia đình có người đỗ đại học trong làng cũng tăng lên.


Đến năm 2000 thì Văn Miếu làng Xuân La được xây lại trên nền đất Văn Miếu cũ. Văn Miếu rộng 1.800 m 2 , có 1 cung thánh với 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá. Tòa Văn Thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa.

Việc xây dựng Văn Miếu khích lệ rất lớn đến việc học tập của làng, số người đỗ đạt và đỗ cao cũng tiếp tục tăng lên, tiêu biểu là Ngô Đình Duy đoạt huy chương vàng toán học quốc tế.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook