Chuyện nhân quả luân hồi của một vị Tể tướng nhà Lê
Dòng họ Lê Hữu ở làng Liêu Xá thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là dòng họ danh giá về khoa bảng với 6 người đỗ đại khoa, trong đó có Lê Hữu Kiều. Sau này Lê Hữu Kiều làm quan đến chức Tham tụng, tương đương Tể tướng, và cũng có mối duyên biết được chuyện luân hồi của mình.
Chuyện phong thủy dòng họ Lê Hữu phát khoa bảng hơn một thế kỷ
Lê Hữu Kiều là con út của Hoàng giáp Lê Hữu Danh. Khi ông mới sinh được 3 tháng thì mồ côi cha, lên 4 tuổi thì mồ côi mẹ, được đàng ngoại nuôi nấng dạy dỗ.
Thuở nhỏ Lê Hữu Kiều đã rất thông minh, trí nhớ tốt, nhưng lại hay mải chơi quên học. Năm lên 8 tuổi ông đọc được sách, đến 10 tuổi thì được anh trai là Lê Hữu Hỷ vừa đỗ tiến sĩ đưa về nuôi.
Khoa thi năm 1718 dưới thời vua Lê Dụ Tông, Lê Hữu Kiều dự thi và đỗ tiến sĩ. Ông làm quan và được thăng dần lên các chức vụ khác nhau.
Duyên kỳ lạ
Năm 1737, Lê Hữu Kiều được thăng làm Hữu thị lang bộ Công và được cử đi sứ sang nhà Thanh. Sau 2 năm, đoàn sứ bộ của ông hoàn thành sứ mệnh và trở về.
Theo gia phả dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá thì trên đường trở về, đoàn sứ bộ nghỉ chân tại Quý Châu thuộc nhà Thanh, quan lại địa phương ở đây tiếp đoàn sứ bộ rất chu đáo, không chỉ thế đãi tiệc mà còn dẫn đi tham quan thắng cảnh trong vùng.
Khi đi tham quan, Lê hữu Kiều thấy có ngôi chùa cổ u tịch nên tò mò ghé vào, thấy nơi đây thoáng đãng, cây cỏ bát ngát. Sư trụ trì cùng đoàn sư tăng trong chùa đón tiếp ông rất chu đáo. Ông đi ngắm cảnh chùa thì thấy mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, cả cây cũng được cắt tỉa gọn gàng, nên buột miệng khen.
Trụ trì liền nói rằng đêm qua nằm mộng thấy đức Phật báo cho biết ngày mai sẽ có sư tổ về thăm chùa nên cần phải quét dọn sạch sẽ, tỉnh dậy liền cho người dọn dẹp chùa để nghênh tiếp sư tổ. Nhưng từ sáng chờ mãi không thấy ai, đến xế chiều mới thấy có người hạ cố, điều này chắc là ứng với giấc mộng.
Lê Hữu Kiều nghe vậy thì ngạc nhiên lắm. Người làm quan như ông vốn thường đọc rất nhiều kinh điển của Nho gia, còn đối với Phật gia thì không có ứng thú lắm. Hơn nữa ông từ nhỏ vốn đã không thích Phật giáo rồi.
Sau khi dâng hương xong, Lê Hữu Kiều tò mò xuống thăm nhà tổ. Ông đi vào tháp cao to, xem tấm bia trong tháp thì giật mình khi thấy tên hiệu vị sư tổ này là Tốn Trai, trùng với tên hiệu của mình. Đọc tiếp thì ông thấy tên húy là Lê Hữu Kiều cũng chính là tên của mình.
Lê Hữu Kiều suy nghĩ mông lung về sự trùng hợp kỳ lạ này, lẽ nào mình chính là vị kia đầu thai chuyển thế?
Trở thành Tể tướng, thầy dạy cho Vua
Khi về nước, nhờ hoàn thành sứ mệnh chuyến đi sứ, Lê Hữu Kiều được phong làm Tả thị lang bộ Công, tước Liêu Đình bá. Nhưng từ một người không ưa Phật giáo, ông liền dụng tâm nghiên cứu Phật Pháp, rồi mở một cơ sở nhằm chia sẻ với mọi người. Người đến nghe rất đông, chủ yếu là những người có tiếng tăm địa vị quyền quý lúc đó, trong đó có cả chúa Trịnh Doanh.
Việc nghiên cứu Phật Pháp dường như không ảnh hưởng đến việc làm quan của Lê Hữu Kiều. Năm 1743, ông được thăng làm Tham tụng (tương đương Tể tướng) đây là chức quan cao nhất trong Triều đình. Ông cũng được làm thầy dạy cho vua Lê. Bảng nhãn Lê Quý Đôn khi còn trẻ đã nổi tiếng là người kiêu ngạo, không mấy chịu phục ai, cũng bái Lê Hữu Kiều làm thầy. (Xem bài: Chuyện Lê Quý Đôn bỏ tính kiêu ngạo, trở thành nhà bác học lớn)
Lê Hữu Kiều cũng cho tạc tượng của mình với hình dáng người tu luyện Phật. Năm 1760 khi ông mất, bức tượng này được đặt trong đền thờ ông, phía trước đền thờ có khắc chữ tên hiệu của ông là “Tốn Trai” bằng thếp vàng.
Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng Giêng, cả Tổng làm lễ tế xuân ở đền thờ ông rất linh đình. Đền thờ và bức tượng của ông còn đến tận thời kỳ chống Pháp mới bị cháy mất bởi chiến tranh. Sau này đền thờ ông được xây dựng lại mới.
Trần Hưng
Mời xem video :