Chuyện người Do Thái phục quốc – P5: Thánh địa Jerusalem
Các nước Ả Rập không còn gây chiến, nhưng công cuộc phục quốc vẫn chưa kết thúc vì những tranh cãi xung quanh Thánh địa Jerusalem.
Dù Israel nằm lọt thỏm giữa vòng vây các nước Ả Rập xung quanh, nhưng mỗi lần có chiến tranh, Israel lại giành chiến thắng, thậm chí lãnh thổ lại mở rộng hơn. Kể từ sau cuộc chiến năm 1973, các nước Ả Rập không còn dám gây chiến nữa, thậm chí nhiều nước bình thường hóa quan hệ với Israel, chỉ còn lại những xung đột nhỏ. Nhưng công cuộc phục quốc của họ vẫn chưa kết thúc vì những tranh cãi xung quanh Thánh địa Jerusalem.
Vượt qua được áp lực của những nước Ả Rập khổng lồ và giàu có xung quanh, tuy nhiên việc phục quốc của người Do Thái vẫn chưa thể hoàn tất. Điều này có nguyên nhân nằm ở việc không ai công nhận Jerusalem là của Israel. Jerusalem được coi là Thánh địa, là nơi tranh chấp của 3 tôn giáo lớn, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều xem Jerusalem là Thánh địa của mình, mà trung tâm là Thành Cổ Jerusalem rộng chưa đầy 1 km 2 nằm chính giữa Jerusalem. Suốt một thời gian dài trong lịch sử, không ai dám công nhận vùng đất này là của người Do Thái.
“Miền đất hứa”, Thánh địa của người Do Thái
Với người Do Thái thì 5.000 năm trước họ đã có mặt ở Jerusalem. Năm 1000 TCN, vua David định đô ở đây, con ông là vua Solomon xây dựng ngôi đền đầu tiên được xem là kỳ quan đệ nhất lúc bấy giờ.
Theo người Do Thái, Jerusalem được xây trên “Tảng đá nền” , là nơi Thiên Chúa dùng đất tạo thành Adam, là nơi ngài thử thách niềm tin của tổ phụ Abraham, và là nơi cất giữ “10 điều răn của Thiên Chúa” nổi tiếng. Nền văn minh Do Thái phát triển rực rỡ cũng chính tại nơi này, chính vì thế mà ngôi đền này vô cùng linh thiêng và là vô giá đối với người Do Thái.
Người Do Thái còn cho rằng vùng đất Israel là những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham được ghi lại trong Kinh Cựu Ước: “Ta ban cho con cháu của ngươi mảnh đất này, trải rộng từ sông Ai Cập đến sông Euphrates…” , Vì thế đây còn gọi là “miền đất hứa” (The Promised Land).
Trong 2.000 năm lưu lạc trên thế giới, người Do Thái cũng không quên quay trở về Jerusalem, úp mặt vào bức tường để than khóc, sám hối và cầu nguyện. Người ta gọi bức tường này là “bức tường than khóc” hay bức tường phía tây.
Thánh địa của Kitô hữu
Còn với các Kitô hữu thì Chúa Jesus sau 1 tuần thuyết giảng ở ngôi đền thiêng Jerusalem đã bị đóng đinh trên thập tự giá và Chúa hồi sinh cũng tại chính Thành Cổ Jerusalem. Vì thế mà nơi đây có ý nghĩa linh hiêng và là Thánh địa của Kitô giáo.
Jerusalem còn có “Con đường Hành khổ” (Via Dolorosa) và “Nhà thờ Mộ Chúa” (Holy Sepulchre), trong đó “Con đường Hành khổ” có đến 14 chặng mà mỗi chẳng đều là nơi ghi dấu từ lúc Chúa Jesus sinh ra, tuyên giảng Đạo của ngài cứu rỗi dân chúng, chịu bao khổ nạn cho đến khi bị đóng đinh trên thập tự giá.
Thánh địa Hồi giáo
Theo kinh Koran, nơi Muhammad trở về thiên đường là Al-Aqsa (Viễn Xứ). Những nhà nghiên cứu Hồi giáo cho rằng nơi đó chính là “Tảng Đá Nền” ngay cạnh thánh đường Viễn Xứ trong khu Đền Thờ Thiêng của người Do Thái (dù trong kinh Koran không hề nhắc đến Jerusalem).
Chính quyền Hồi giáo bấy giờ đang thống trị Jerusalem đã cho xây một Thánh Đường lộng lẫy vòng quanh “Tảng đá nền” và gọi là Thánh Đường Đá (Dom of the Rock). Hồi giáo cũng xem đây là nơi vô cùng linh thiêng của mình.
Nơi giao thoa văn hóa không yên bình
Jerusalem trở thành nơi giao thoa của nhiều dân tộc cùng văn hóa khác nhau, có giáo đường Do Thái giáo, nhà thờ Kitô giáo, nhà thờ Hồi giáo.
Cứ cuối tuần, nơi đây nhộn nhịp với những ngày lễ khác nhau, thứ Sáu là ngày lễ của người Hồi, thứ Bảy là ngày lễ của người Do Thái và Chủ Nhật của Kitô hữu, với những sắc màu khác nhau.
Ba tín ngưỡng cùng có chung cội nguồn này tuy vậy không phải lúc nào cũng hòa hợp, mà luôn có những xung đột. Suốt nhiều thế kỷ, các Kitô hữu và người Hồi có nhiều cuộc chiến nhằm tranh giành Jerusalem.
Đến năm 1860, nhiều người Do Thái hơn đã trở về Jerusalem sống cùng với các dân tộc khác ở đây. Đến năm 1887 thì người Do Thái đã chiếm đa số ở Jerusalem.
Năm 1948 khi nhà nước Israel được thành lập, theo quy định của Liên Hợp Quốc thì phía tây Jerusalem thuộc về người Do Thái do Israel kiểm soát, trong khi phía đông nơi có Thành Cổ linh thiêng thuộc về người Ả Rập do Jordan kiểm soát.
Vì Jerusalem là một Thánh địa được tranh chấp bởi 3 tôn giáo nên cả Israel và Jordan mới đầu chỉ kiểm soát mà không dám sáp nhập vào lãnh thổ của mình.
Đến năm 1950, Jordan sáp nhập phía đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình.
Trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel chiếm được phía đông Jerusalem, từ đó Jerusalem được thống nhất và Israel sáp nhập vào lãnh thổ của họ. Israel xem đây là thủ đô của mình, tuy nhiên Liên Hợp Quốc không công nhận điều này.
Các nước có quan hệ ngoại giao đều đặt Đại sứ quán của mình ở thành phố Tel Aviv, chứ không đặt ở Jerusalem, thể hiện quan điểm không công nhận Jerusalem là của Israel.
Chính vì thế dù Israel đã sáp nhập Jerusalem vào lãnh thổ của mình, nhưng không được quốc tế công nhận. Có thể nói, công cuộc phục quốc của người Do Thái xem như vẫn chưa hoàn tất, bởi Jrusalem mới chính là Thánh địa bên trên “miền đất hứa” của họ.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Vị vua hủi 16 tuổi khiến “kẻ chinh phục vĩ đại” khiếp sợ
Mời xem video :