Chuyện nghề những người lính 'ngược chiều' với nạn nhân

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 21:56:49

Công việc của lính cứu hỏa gian khổ, hiểm nguy nhưng họ luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, sẵn sàng 'ngược chiều' với nạn nhân, đương đầu 'bà hỏa' để giành giật sự sống, tài sản cho người dân.

Cán bộ chiến sĩ Công an quận Bắc Từ Liêm cứu bé trai mắc kẹt giữa 2 khe tường vào tháng 7/2021.

Không quản ngại gian khổ để giành lại 'sự ưu tiên số 1'

Cách đây không lâu, 3 cán bộ chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh khi chữa cháy trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gây xúc động mạnh trong dư luận xã hội, bởi sự dũng cảm, sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm để giúp đỡ những người mắc kẹt bên trong đám cháy.

Nghề của họ được ví như "cứu cái còn trong cái mất, lao vào những nơi nguy hiểm nhất khi mọi người chạy ra ngoài". Bản thân người lính cứu hỏa, họ luôn rèn luyện một tâm lý thật vững vàng, một sức khoẻ tốt để đối mặt với những hiểm nguy trong các tình huống nguy cấp, với quyết tâm cứu người, cứu tài sản, chữa cháy.

Nghề của họ, "cứu cái còn trong cái mất, lao vào những nơi nguy hiểm nhất khi mọi người chạy ra ngoài". Bản thân người lính cứu hỏa, họ luôn rèn luyện một tâm lý thật vững vàng, một sức khoẻ tốt để đối mặt với những hiểm nguy trong các tình huống nguy cấp, với quyết tâm cứu người, cứu tài sản, chữa cháy.

Thượng úy Trương Văn Phận - Đội PCCC Công an quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ, công việc chữa cháy luôn vất vả , bởi cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không kể ngày đêm. Khi nhận tin báo cháy thì cán bộ chiến sĩ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và mong có thể đến hiện trường một cách nhanh nhất.

“Nếu có người bị nạn mắc kẹt trong đám cháy thì tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ rất cao và bằng mọi cách phải cứu được nạn nhân một cách nhanh chóng bởi ưu tiên cứu người là số 1, sau đó mới đến tài sản” - thượng úy Phận nói và cho biết, khi cứu người không phải cứ lao vào đám cháy mà phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình trước, sau đó tìm cách tiếp cận nạn nhân trấn an tinh thần, hướng dẫn họ ngoài an toàn.

Lực lượng cứu hộ phá tường đưa nạn nhân ra ngoài.


Mặc dù không trực tiếp chữa cháy, trung úy Nguyễn Trung Hiếu - lái xe cứu hỏa luôn ý thức nhiệm vụ đầu tiên là phải đưa cán bộ chiến sĩ đến đám cháy một cách kịp thời và an toàn.

"Trên đường đi cũng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng khi gặp phải tình huống tắc đường hay có người cản trở phía trước. Những lúc như vậy bản thân tôi luôn phải giữ bình tĩnh và nhắc nhở người dân chú ý nhường đường cho xe chữa cháy làm nhiệm vụ” - trung úy Hiếu kể.

Nhớ lại kỉ niệm trong vụ cháy căn hộ tầng 29 chung cư Goldmark City khiến nhiều người dân sinh sống tại tòa nhà hốt hoảng tháo chạy xuống dưới, trung úy Hiếu cho biết, ngay khi tới nơi cán bộ chiến sĩ chia làm nhiều mũi tiếp cận đám cháy từ cầu thang bộ, thang máy nhằm cứu hộ, dập lửa, đồng thời di chuyển từng tầng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thoát nạn.

"Trên đường đi cũng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng khi gặp phải tình huống tắc đường hay có người cản trở phía trước. Những lúc như vậy bản thân tôi luôn phải giữ bình tĩnh và nhắc nhở người dân chú ý nhường đường cho xe chữa cháy làm nhiệm vụ”

“Bên dưới sân chỉ có mình tôi trực xe chữa cháy, lúc này một mũi chữa cháy gọi bộ đàm xuống yêu cầu hỗ trợ túi đồ phá dỡ cửa căn hộ, tình thế cấp bách vì không biết có người mắc kẹt bên trong hay không nên tôi không do dự di chuyển vào cầu thang bộ chạy lên tầng 29” - trung úy Hiếu chia sẻ.

Trung úy trẻ kể, lúc đó cầu thang thoát nạn rất tối, mọi người chạy từ các tầng cao xuống rất đông còn bản thân anh thì chạy ngược lên, vừa đi vừa hỗ trợ người dân thoát xuống dưới một cách an toàn, đồng thời suy nghĩ phải di chuyển một cách nhanh nhất lên tới hiện trường giúp sức cho đồng đội.

“Bản thân là lái xe nên ít có cơ hội được vào hiện trường chữa cháy, nên những lần như vậy tôi cũng hiểu thêm được sự vất vả của đồng đội trực tiếp chiến đấu với “giặc lửa”. Do đó, mỗi lần có người bị thương, tôi luôn hỗ trợ sơ cứu, băng bó để anh em yên tâm chữa cháy. Chỉ cần làm được gì ở bên ngoài là sẽ cố gắng hết sức để san sẻ” - trung úy Hiếu tâm sự.

Những người lính cứu hỏa luôn đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản trong các vụ cháy.


Một ngày "chạy" 3 vụ cháy

26 năm gắn bó với công việc chữa cháy, trung tá Nguyễn Đức Đông - Đội trưởng PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm, đã quá quen với việc mỗi lần chuông điện thoại reo hay có bộ đàm anh em báo cháy. "Có những hôm một ngày xảy ra 3 vụ cháy nhưng may mắn đó là những đám cháy nhỏ được dập tắt trong vòng 20-30 phút, nhưng khi cán bộ chiến sĩ đi chữa cháy trở về đơn vị là lúc 1-2 giờ sáng" - trung tá Đông chia sẻ.

Theo trung tá Đông, trong công tác chữa cháy, đặc biệt là các vụ hỏa hoạn tại quán karaoke, việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn bởi bên trong làm vật liệu cách âm, trang trí bằng mút, xốp và đây được coi là loại “xăng đặc” - một loại chất cháy có khả năng lan rất nhanh dẫn đến tỏa nhiều nhiệt và khói, khí độc.

“Mặc dù xảy ra cách đây khá lâu nhưng tôi vẫn nhớ khi tham gia chữa cháy quán karaoke đường Nguyễn Khang, anh em vật lộn với lửa từ 21h đêm tới 4h sáng hôm sau thì mới tắt hoàn toàn.

Cảnh sát PCCC sơ cứu nạn nhân.


Hay vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông, mặc dù nguồn nước chữa cháy đủ nhưng việc tiếp cận ngôi nhà rất khó khăn do mặt trước được bịt kín bằng vách tường, tấm thép khiến công tác phá dỡ rất vất vả. Do đó, chỉ có duy nhất “đánh” từ cầu thang bộ lên, sau đó đục tường từ bên ngoài phun vào dập tắt…” - trung tá Đông chia sẻ.

Trung tá Đông cũng cảnh báo các vụ cháy xảy ra tại tầng hầm khi tiếp cận bên trong gần như điện thoại, bộ đàm không liên lạc được do mất sóng và rất bí. Cách tiếp cận duy nhất chỉ có lối ra vào và cầu thang bộ. Tuy nhiên, đây lại là các “lỗ” hút khói rất nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy.

Theo thượng tá Quyến, hiện nay, cảnh sát PCCC luôn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, để nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ dần ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân, sẽ hạn chế được rủi ro từ hỏa hoạn.

Theo thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, công tác PCCC không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm và nhiệm vụ của toàn dân. Trong khi đó, đa số người dân có ý thức tốt phòng ngừa hỏa hoạn, nhưng một số ít vẫn còn chủ quan, chưa tốt nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

“Nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết, thay đổi nhận thức, có kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ là biện pháp tối ưu để giảm số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra” - thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ.

Cuối tháng 7/2022, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn bếp tầng 3 số 433 Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm nhiều người mắc kẹt bên trong. Lực lượng chữa cháy cùng người dân triển khai bình bột dập tắt đám cháy, đồng thời cán bộ chiến sĩ đeo bình thở mở lối thoát, tiếp cận sân thượng hỗ trợ, hướng dẫn 9 người trong nhà ra ngoài an toàn.

Đêm 22/6, lực lượng chữa cháy dùng thang chuyên dụng tiếp cận, hướng dẫn 4 người mắc kẹt (2 người lớn, 2 trẻ nhỏ) tại tầng 3 ngôi nhà ngõ 43 Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Vụ cháy xảy ra tại tầng 1 kinh doanh tạp hoá, diện tích khoảng 90m2...

Chia sẻ Facebook