Chuyện một người Pháp lên ngôi vua ở Tây Nguyên (Kỳ 1)
Một người Pháp nhờ thuyết phục được các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà lên ngôi vua Marie đệ nhất, đặt tên nước là vương quốc Sedang.
Trong khoảng thời gian từ năm 1888 đến 1890, một người Pháp nhờ thuyết phục được các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Marie đệ nhất, đặt tên nước là vương quốc Sedang. Chuyện này không chỉ làm ngỡ ngàng chính quyền Pháp thuộc địa ở Đông Dương mà còn gây náo nhiệt ở châu Âu.
Xuất thân
David Auguste Jean Baptiste Marie Charles sinh năm 1842 ở Toulon, Var, thuộc vùng Provence Alpes Côte d’Azur nước Pháp. Cha ông là một sĩ quan hải quân, và mẹ là con gái của một đại tá chỉ huy lực lượng phòng vệ quốc gia.
Năm 1859, Charles gia nhập kỵ binh, đến năm 1863 ông làm đội trưởng một đội thiết giáp ở Versailles. Vốn là người có bản tính phiêu lưu và thích cưỡi ngựa, Charles đến Đại Nam tham gia đội kỵ kinh ở Nam bộ.
Năm 1868, Charles trở về nước và kết hôn. Lúc này chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ, Charles được thăng làm đại úy chỉ huy một trung đoàn cơ động, sau đó được điều về bộ tham mưu quân đoàn và lập được chiến công. Năm 1871 chiến tranh kết thúc, Charles được trao huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh – đây là huy chương cao nhất của Pháp.
Tuy nhiên sau đó, dù rất muốn ở lại quân đội, Charles vẫn bị bắt buộc phải giải ngũ.
Lợi dụng nhu cầu khai thác cao su
Không có chuyên môn, Charles phải vất vả mưu sinh. Năm 1874, ông mở ngân hàng nhỏ, nhưng sau đó bị kiện, ngân hàng bị phá sản. Charles quyết định đến Java (Indonesia), nhưng do dính líu đến việc lừa đảo, ông bị chính quyền Hà Lan ở Java trục xuất về Pháp.
Vào giai đoạn này, châu Âu đang có cách mạng kỹ nghệ, cần tìm kiếm cao su để khai thác. Charles nói rằng mình đã từng nhìn thấy những cánh rừng cao su ở Indonesia, nên ông được Bộ trưởng Bộ Công cộng Pháp ủy thác cho việc nghiên cứu khoa học tại vương quốc Hồi Atchem trên đảo Sumatra, hòn đảo lớn nhất của Indonesia. Để thực hiện công việc, Nam tước Sellière cũng chuyển cho ông ngân khoản 2.000 franc.
Thế nhưng trên đường đi Indonesia, mọi người bắt đầu nghe được những điều không tốt về Charles nên lần lượt rời khỏi đoàn. Cuối cùng Charles chỉ còn lại một mình. Ông dừng lại ở Sài Gòn vào năm 1885, tự xưng là Nam Tước David de Mayréna. Cái tên Mayréna được sinh ra từ đây.
Sau khi tiêu xài hết số tiền được cấp, Mayréna nghe tin Hội đồng Thuộc địa Đông Dương sẽ có thưởng cho những ai khai thác mủ cao su. Mayréna bịa chuyện từng thấy mủ cao su ở người Thượng vùng Bà Rịa và nhận có thể khai thác mủ cao su. Thế là ông được cử hướng dẫn đoàn khảo sát 15 người đến Bà Rịa. Dù chuyến đi thất bại nhưng Mayréna có tiền để mua đất ở Thuận Biên, Bà Rịa làm đồn điền.
Tháng 1/1888, Mayréna nhờ được Phó Toàn quyền Đông Dương chuyển lá đơn của mình cho tân Toàn quyền Đông Dương Constans, xin được khảo sát vùng người thượng ở phía bắc tỉnh Bình Định, lại nhờ có phó Toàn quyền nói thêm nên lá đơn của ông được chấp nhận.
Mayréna được cấp mấy trăm đồng Frans cùng một đoàn người lên tàu đi đến vịnh Quy Nhơn. Rất may cho Mayréna là trên tàu có cà Toàn quyền Đông Dương Constans và Klobukowski (sau này cũng trở thành một vị toàn quyền). Trước khi xuống tàu, Mayréna được ông Klobukowski trao cho bức thư gửi gắm và giới thiệu.
Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?
Vua của vương quốc Sedang
Nhờ bức thư giới thiệu này mà Mayréna dễ dàng nhận được sự giúp đỡ. Tháng 4/1888, Mayréna được chính phủ thuộc địa cấp 400 đồng franc, đoàn thám hiểm khoảng 100 người lên đường.
Khi gặp được các bản làng người Thượng, Mayréna đã tìm hiểu thông tin, tổ chức chữa bệnh cho người dân và lấy lòng được người Thượng nơi đây. Sau đó ông ký với các tù trưởng người Thượng Hiệp ước liên minh, ghi rõ người Thượng được sống tự do theo phong tục tập quán của họ, chỉ vâng lệnh người Pháp chứ không theo người An Nam, cũng không phải nộp bất kỳ khoản thuế gì cho người An Nam. Ngược lại phía người Pháp sẽ bảo vệ người Thượng nếu họ bị tấn công.
Các nhà truyền giáo đi theo đoàn hết sức kinh ngạc. Mayréna giải thích rằng đó là để giữ danh dự cho nước Pháp. Ông nói rằng sẽ tập hợp các dân tộc thiểu số ở tận sông Mê Kông, sau này sẽ trao quyền lại cho nước Pháp, bản thân ông chỉ muốn thừa hưởng quyền được khai thác các mỏ vàng. Để làm yên lòng các giáo sĩ, Mayréna kể lại chuyến đi cùng tàu với toàn quyền Đông Dương, về bức thư giới thiệu của Klobukowski, cũng như việc Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ đề cử ông đi tìm cây cao su.
Tháng 5/1888, đoàn người đến các giáo xứ ở Kontum (thuộc Tây Nguyên) thám hiểm các bản làng tây nguyên. Tại đây các chức sắc trong hội đồng bản tộc đồng ý bầu Mayréna làm trưởng, đồng thời ký bản thỏa ước có ký nhận của cha xứ. Mayréna đi các nơi và đều được người dân cho làm trưởng bản.
Được người dân các bản làng ủng hộ, Mayréna nảy sinh ý định lập vương quốc Sedang. Ngày 3/6/1888, Mayréna lập bản “Hiến pháp của vương quốc Sedang” , thuyết phục được tù trưởng các làng ký tên vào đây, và công nhận ông ta là vua của họ. Mayréna lấy vương hiệu là Marie Đệ Nhất của xứ Thượng Sedang.
Cũng trong tháng 6/1888, Mayréna lập triều đình của người Thượng và ký một loạt các sắc lệnh, phong cho bà vợ người Việt theo mình là Lê Thị Bền làm Hoàng hậu (bà qua đời 3 tháng sau đó vì sốt rét rừng), một người Pháp theo mình Mercurol làm Bá tước và được quyền khai thác các mỏ vàng. Ông cử hai chúa người Thượng làm thủ hiến hai nơi, chia nước làm 5 tỉnh, mỗi tỉnh có tỉnh trưởng. Thủ đô được lập tại làng Kon Gung, hiện nay thuộc xã Dak Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Mayréna tạo ra quốc kỳ, huân chương danh dự cũng được ông cho đúc ở Hồng Kông. Đồng thời ông lập ra hiến pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương và Bộ trưởng thuộc địa.
(Còn nữa)
Trần Hưng tổng hợp
Chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành
Mời xem video :