Chuyện mẹ Đào Khản dạy con trở thành thanh quan đức độ

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 17:04:40

Đào mẫu, tên thật là Trạm Thị, là mẹ của Đào Khản. Phương pháp dạy con và cách đối đãi khoan dung của bà với người khác khiến bà được hậu nhân coi là một trong những lương mẫu nổi tiếng.


Trong lịch sử, những người con nhờ sự giáo dục của mẹ mà trở thành hiền nhân có đạo, trở thành những vị quan thanh liêm là nhiều không đếm xuể. Những người mẹ ấy không chỉ nuôi dưỡng mà còn dùng chính đức hạnh của bản thân để giáo dục con cái đạo làm người. Nhờ đó con cái họ trở thành những người có phẩm chất đạo đức cao thượng, được hậu nhân ca ngợi. Một trường hợp như vậy là mẹ của danh thần Đào Khản nhà Đông Tấn, chuyện về bà được ghi chép lại trong Liệt Nữ truyện.

(Tranh minh họa thời Tống, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Đào Khản sớm mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng bần hàn. Mẹ ông đã một mình chịu đựng vất vả, dựa vào dệt vải may áo kiếm sống, nuôi con ăn học.


Lúc Đào Khản còn trẻ, có một hôm tuyết rơi đầy trời. Bạn của Đào Khản là Hiếu liêm Phạm Quỳ ở Bà Dương đến chơi nhà. Đào Khản bởi vì nhà quá nghèo túng, không có gì tiếp đãi bạn nên trong lòng vô cùng lo âu. Đào mẫu thấy vậy liền an ủi con trai, nói: “Con cứ lo việc giữ khách lại đi, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con.”


Thế rồi bà lấy kéo cắt tóc của mình đem đổi lấy rượu và đồ ăn, lấy cỏ khô lót trên giường cắt nhỏ cho ngựa của Phạm Quỳ ăn. Phạm Quỳ sau này biết được việc ấy, đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con như vậy.”

So về thứ bậc, Phạm Quỳ là bạn của Đào Khản, có thể nói là người dưới. Tuy vậy Đào mẫu đã cắt tóc đổi thức ăn để tiếp đãi khách, việc này thật sự khắc sâu vào tâm trí của Đào Khản. Vì thế sau này khi đã làm quan lớn, Đào Khản vẫn luôn ghi nhớ, dùng lòng cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với bách tính.

Đào Khản từng làm quan huyện ở Tầm Dương, Chiết Giang. Bấy giờ có thuộc hạ biếu tặng cá cho ông. Nhớ ngay đến mẹ ở quê nhà với cuộc sống thanh bần, Đào Khản nhờ người thuận đường đem về quê biếu mẹ.


Không ngờ, Đào mẫu sau khi nhận được hũ cá, đã lo lắng phong kín hũ lại và viết cho Đào Khản một lá thư. Trong thư bà viết: “Con là quan, lại lấy đồ tặng cho mẹ, như vậy chẳng những không mang lại cho mẹ niềm vui mà trái lại còn làm cho mẹ thêm sầu lo hơn.”


Đào Khản nhận được cá kèm lá thư của mẹ thì trong lòng vô cùng chấn động, hổ thẹn muôn phần. Việc làm này của Đào mẫu đã để lại cho con trai một bài học vô cùng sâu sắc, đúng như một vị quan thanh liêm từng nói: “Một tơ một hạt, vẫn là danh dự tiết tháo của ta. Một li một hào, vẫn là mồ hôi nước mắt của dân. Cho đi một phân, dân được lợi một phân. Thủ lấy một văn, ta là người chẳng đáng một văn”.

Từ đó về sau, trên con đường làm quan của mình, Đào Khản luôn ghi nhớ dạy bảo của mẹ, dùng tấm lòng thanh khiết, trong sạch để làm việc, giúp dân.

Đào Khản học rộng, tài cao, làm người chính trực, công bằng, tuân thủ pháp tắc. Từ một trưởng quan, ông được phong làm Thái úy, Đô đốc đại tướng quân, Trường sa quận công. Ông trở thành một người tài đức, một vị quan gương mẫu trong lịch sử. Người ta nhận định rằng, hết thảy những thành tựu mà ông đạt được trong cuộc đời đều là thành quả từ cách giáo dục trí tuệ của mẹ ông – Đào mẫu.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Chuyện Phạm Trọng Yêm giáo dục cả bốn con thành người tài đức


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook