Chuyện lan man đầu năm học
Vào đầu năm học, như thường lệ, các báo lại đăng chuyện... thiếu giáo viên. Nhưng năm nay có vẻ nhiều hơn.
Một tờ báo thống kê: Kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Trong khi đó, "làn sóng" giáo viên nghỉ việc có vẻ chưa dừng lại khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.
Riêng tỉnh Kon Tum, có thông tin cho biết, năm học này thiếu hơn 800 giáo viên.
Nhưng lại vẫn có nghịch lý là, nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp, xin việc khá vất vả. Mà giờ, đi xin việc còn có thêm từ “chạy” phía trước, chạy xin việc.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng với việc biên chế giáo viên, có vẻ như nguyên nhân chính là ở sự tréo ngoe về quản lý.
Ngành giáo dục là nơi biết rõ nhất số lượng chất, lượng giáo viên như thế nào, chỗ nào thiếu chỗ nào thừa. Mà thiếu hoặc thừa nó không chung chung như... công nhân may, như các lao động phổ thông khác, mà nó rất cụ thể, từng môn học một. Nên có hiện tượng thừa mà vẫn thiếu và thiếu nhưng vẫn thừa là thế.
Nhưng, họ lại không có quyền gì trong việc phân bổ biên chế. Ngành Nội vụ mới làm việc này.
Và thế là bèn cứ náo loạn cả lên, thiếu thừa thừa thiếu lẫn lộn.
Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều nơi thiếu cả... lãnh đạo. Một số trường không có hiệu trưởng hoặc hiệu phó. Có trường tôi biết có mỗi một hiệu trưởng, nhiều năm không có phó. Đơn giản, tới khi đề bạt thì phát hiện nhân sự được đề bạt chưa đủ tiêu chuẩn. Nhiều nhất là tiêu chuẩn lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Thế là đành... chờ.
Tất nhiên theo tôi biết, thiếu chủ yếu là ở hệ thống trường công, trường tư vẫn... vô tư.
Hôm qua tôi xuống huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai thăm vợ chồng anh bạn học về hưu bèn mở trường mẫu giáo tư.
Ngôi trường 5 tầng, nhận tới mấy trăm cháu. Vợ bạn nguyên là hiệu trưởng một trường mẫu giáo, nhưng giờ cũng không làm hiệu trưởng, mà thuê hiệu trưởng, đúng nghĩa là thuê, còn mình thì thành bà chủ.
Thấy số lượng phụ huynh gửi con thì biết chất lượng và uy tín của trường này thế nào?
Thấy thái độ và sự tận tụy của giáo viên thì cũng biết môi trường làm việc và sự đãi ngộ của bà chủ với giáo viên của mình thế nào?
Để thấy, té ra nhiều khi chính chúng ta tự làm khó mình. Chúng ta tự tạo ra cái hố ngăn cách.
Bà chủ của trường cho biết, cái khác biệt lớn nhất của trường tư và trường công là trường tư... ít được lãnh đạo quan tâm. Trường này cứ lặng lẽ tuyển sinh, lặng lẽ dạy, lặng lẽ làm việc chứ chả thấy quan chức ngành với chính quyền nhắc nhở gì? Khai giảng người ta trống giong cờ mở đón lãnh đạo tới dự, phát biểu vân vân, trường này cũng trống giong cờ mở nhưng là đón học trò và phụ huynh. Tôi bảo thế là may em ạ, nhiều bác lãnh đạo đến phát biểu bằng cách đọc một bài viết sẵn, có khi còn sai tên trường, nói cho học sinh mà như nói trong cuộc họp với cán bộ. Xong rồi... đánh trống.
À lại nói chuyện đánh trống.
Dân mạng đang thống kê các bác đánh trống khai trường giờ đang làm... nhân viên phục vụ "đội bóng Juventus".
Chả biết tự bao giờ, người ta cứ phải mời bằng được lãnh đạo tới đánh trống khai giảng, trong khi việc ấy chính là của... bác lao công. Cả năm, cả đời đánh trống, nhưng tới ngày khai trường thì lại... không được đánh, trong khi nhẽ ra, ngày ấy cũng nên dành những hồi trống ấy để tôn vinh bác đánh trống và tôn vinh... trống. Hoặc chí ít cũng là hiệu trưởng đánh. Đằng này...
Trở lại chuyện thiếu giáo viên nhưng nhiều sinh viên vẫn không xin được việc, thực ra nó có một thực tế là... ai cũng biết tại sao , nhưng không ai nói ra, kể cả người viết bài này.
Nhưng có đi xuống (và cả lên) vùng sâu vùng xa, chúng ta mới hiểu và thương nghề giáo và các thầy cô giáo. Tôi tiếp xúc nhiều với giáo viên ở các vùng sâu của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, gần đây lại lên Hà Giang nữa, mới thấy cái sự nghiệp mang chữ tới những vùng khó khăn ấy nó vất vả vô cùng, gian nan vô cùng và cũng thiệt thòi vô cùng.
Và họ vẫn bám trường bám lớp, tất nhiên cũng nhiều người bỏ việc.
Rồi lại xa xót. Nguyên giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai vừa bị khởi tố. Trước đấy một trưởng phòng của sở này bị bắt giam.
Rồi các cựu Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh vừa hầu tòa.
Nó là nghịch cảnh, một nghịch cảnh đau lòng khi nhìn cái sự tương phản từ hai phía.
Tất nhiên rồi thì, cuộc sống vẫn trôi, năm học mới vẫn bắt đầu, học trò vẫn tới trường, rồi năm nào người ta cũng cãi nhau chuyện thi, chuyện điểm, chuyện tuyển sinh.
Nhưng hình như chưa có sự thống kê, với việc thiếu giáo viên như thế, dạy chắp vá như thế, chất lượng dạy và học sẽ như thế nào?
Tất nhiên cách dễ nhất là đưa tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp ra để báo cáo.
Thì mới nhất, báo chí vừa đưa tin: Một học sinh lớp 7 ở tỉnh nọ nhưng... không biết chữ. Gia đình từng xin cho cháu lưu ban nhưng nhà trường giải thích do vướng cái Thông tư, Nghị định nào đó nên... không thể lưu ban.
Không lưu ban thì bèn lên lớp, mỗi năm một lớp, tới lớp 7.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.