Chuyện lạ: Mít non Việt Nam được dùng thay thịt tại châu Âu

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 16:02:25

Xu hướng sử dụng đạm thực vật thay thế đạm động vật đã giúp sản phẩm mít non của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu châu Âu (EU) lựa chọn

Phát biểu tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA – giải bài toán phát triển bền vững" do Báo Công Thương, Cục Xuất Nhập khẩu, Vụ Thị trường EU – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18-11 ở TP HCM, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Thị trường EU – châu Mỹ), cho biết chưa bao giờ rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng nhanh và nhiều như gần đây.

Một sản phẩm khá lạ với nhiều người là mít non được bày bán rất nhiều và tiêu thụ tốt tại Bắc Âu vì xu hướng tiêu dùng của thị trường này là giảm các sản phẩm từ thịt động vật, tăng sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Điều này cho thấy dù thị trường EU đã được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác từ lâu nhưng dư địa tăng trưởng còn rất nhiều nếu nắm bắt được xu hướng.

"Các nước EU đang nâng cao tiêu chuẩn, hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng hữu cơ nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư bài bản, có thể tìm kiếm công nghệ từ đối tác EU để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu" – bà Hiền gợi ý.

Mít được sử dụng là nguyên liệu như thịt để chế biến các món ăn


Theo số liệu thống kê, năm 2021 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 150,7 triệu USD, tăng 3% so với 2020 trong khi 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả đã đạt 147,43 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xác nhận mặt hàng mít non đang được các đối tác EU tìm kiếm rất nhiều.

"Khi Việt Nam có hiệp định thương mại tư do (FTA) với EU, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU chỉ còn 0% thuế nên có lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Mít non đối tác EU nhập khẩu dưới dạng chế biến do có cấu trúc gần giống thịt.

Theo đó, mít nguyên liệu là loại có cỡ 1-2kg/quả, được luộc chín, gọt vỏ sau đó cắt hạt lựu và cấp đông. Khi sản phẩm này được xuất khẩu sẽ giúp gia tăng giá trị cho cây mít vì thông thường nông dân không giữ toàn bộ mít đậu trái mà phải tỉa bớt để nuôi 1 số quả nhất định để đạt kích cỡ tốt nhất" – ông Nguyên chia sẻ.

Chia sẻ Facebook