Chuyện kinh doanh 2022 của Petrolimex: "Hi sinh" lợi nhuận đảm bảo bình ổn giá xăng dầu
Trước những diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu, Petrolimex đã làm tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường và chia sẻ với khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện nay được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh các ngành nghề mà Petrolimex đang kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2017, doanh nghiệp chính thức được niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu PLX.
Nhiều năm liền, Petrolimex lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất do Fober bình chọn, và liên tiếp dẫn đầu về doanh thu trong danh sách này. Tuy nhiên, do đặc thù ngành hàng kinh doanh xăng dầu, lại mang sứ mệnh "điều tiết giá và ổn định vĩ mô" nên biên lợi nhuận của PLX có sự dao động lớn trong các năm.
Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của công ty mới đạt 293 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch đề ra.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất bán niên 2022 là 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biến động giá dầu, cụ thể:
(i) Giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng năm 2022 là 101 USD/thùng, tăng 64% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng năm 2021 là 62 USD/thùng).
(ii) Giá thành phẩm các mặt hàng xăng, dầu bình quân 6 tháng năm 2022 là 133 USD/thùng, tăng 91% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng năm 2021 là 70 USD/thùng) do đặc thù giai đoạn vừa qua Crack giữa dầu thô và dầu thành phẩm có biên độ rất lớn.
Tuy doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 293 tỷ đồng chỉ bằng 10% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân nằm ở mảng kinh doanh xăng dầu (mảng kinh doanh chính) bị lỗ 595 tỷ đồng. Công ty cho biết, mặc dù sản lượng bán xăng dầu nội địa 6 tháng đầu năm 9% so với cùng kỳ nhưng biên lợi nhuận gộp của công ty bị giảm mạnh vào quý II.
Petrolimex cho hay, trong kỳ, doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp tại những thời điểm khó khăn. Do đó, biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý II vừa rồi bị suy giảm lớn.
Sau Covid, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại, trong khi các nhà máy lọc dầu trong nước hoạt động chưa ổn định khiến cho công tác tạo nguồn, điều hành tồn kho gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung khan hiếm, chi phí thực tế thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán.
Các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng đã tạo ra áp lực lớn cho các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex. Mặc dù vậy, Tập đoàn luôn duy trì bán xăng dầu 24/7, đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được đối với lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay của công ty mẹ là 295 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 1.551 tỷ đồng.
Ngoài mảng kinh doanh xăng dầu, 6 tháng đầu năm, các hoạt động kinh doanh khác mang lại lợi nhuận trước thuế 888 tỷ đồng cho Tập đoàn. Trong đó, lợi nhuận lĩnh vực hoá dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 369 tỷ đồng; Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 138 tỷ đồng; Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kho đạt 112 tỷ đồng; Lợi nhuận lĩnh vực nhiên liệu hàng không đạt 91 tỷ đồng;....
6 tháng cuối năm, Tập đoàn sẽ bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và khu vực, nhu cầu thị trường trong nước và sự biến động của giá dầu thế giới để có phương án tạo nguồn tối ưu. Đồng thời đưa giải pháp quản trị rủi ro hàng tồn kho vào vận hành thực tế, không ngừng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro hàng tồn kho.
Bên cạnh đó cũng nâng cao tỷ trọng và năng lực cạnh tranh của phương thức bán lẻ như: Tiếp tục thúc đẩy, gia tăng sản lượng bán lẻ không dùng tiền mặt kết hợp chương trình quản trị khách hàng PLX ID; Đẩy mạnh triển khai nhận diện thương hiệu giai đoạn 2 cho toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu Petrolimex; Triển khai chương trình dịch vụ bán hàng qua app Petrolimex...
Một biện pháp cũng được Petrolimex đưa ra để cải thiện biên lợi nhuận cho 6 tháng cuối năm là tiết giảm chi phí trên tất cả các lĩnh vực nhằm tăng hiệu quả kinh doanh như: Triển khai dự án quản lý phương tiện tập trung (DOC), chương trình quản trị tài sản (PM), chương trình quản trị khách hàng (CRM)…