Chuyện khẩu hiệu

Chia sẻ Facebook
14/07/2023 09:01:09

Giật mình xâu chuỗi lại, thấy có vẻ như, vấn đề khẩu hiệu của chúng ta đang có vấn đề.

Hôm qua tôi chụp và đăng lên facebook cá nhân khẩu hiệu giăng ngang đường tôi đi bộ buổi sáng, nội dung khẩu hiệu là:“Duy trì ổn định mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số". Khẩu hiệu cắt bằng giấy dán trên miếng vải mỏng màu xanh chăng ngang đường.

Một số bạn ở cơ quan treo câu khẩu hiệu này vào comment cho rằng họ đã làm đúng... chỉ đạo của trên, rằng là câu này trên đưa về và họ chỉ thực hiện, thêm nữa, câu này là trích từ Nghị quyết.

Thế mà nhiều câu khẩu hiệu dài như... sớ, hoặc chữ mặt trước “xuyên thấu” mặt sau, “hòa nhập” rất là lổn nhổn

Thứ nhất là nó được treo dày đặc trên đường, trên phố, nhất là những dịp có ngày kỷ niệm, có sự kiện gì đó. Việc này nhẽ ra Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phải có ý kiến, bởi đơn giản, nếu anh chú ý đọc khẩu hiệu thì sẽ lơ đãng chuyện quan sát trên đường, nhất là các biển báo giao thông. Mà khẩu hiệu của chúng ta, có câu rất dài. Khẩu hiệu treo mà không đọc thì phí khẩu hiệu, mà đọc thì có nguy cơ tai nạn giao thông, hoặc ít nhất là cản trở giao thông...

Thứ hai nó gây mất thẩm mỹ trên đường trên phố, bởi có nhiều câu khẩu hiệu được cắt dán rất cẩu thả, mà câu tôi chụp hôm qua là minh chứng. Lại còn, hết ngày kỷ niệm, hết sự kiện rồi, nhưng khẩu hiệu không dọn về, thậm chí nhiều cái tơi tả trong gió trong mưa trong nắng.

Thứ ba là nội dung, nhiều khi nó tắc tị khiến chả ai hiểu gì, hoặc ngô nghê tới buồn cười.

Nguyên tắc của khẩu hiệu là đọc cái phải hiểu ngay, thậm chí là đọc 1/3 đã hiểu vì người ta đang di chuyển, giờ đa phần là chạy xe, mà khẩu hiệu giăng giữa đường, không thể dừng lại để... lẩm bẩm. Thế mà nhiều câu khẩu hiệu dài như... sớ, hoặc chữ mặt trước “xuyên thấu” mặt sau, “hòa nhập” rất là lổn nhổn.

Nhớ năm nào đó, ở cổng một trường học chăng câu khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng ngày 27 tháng 7”. Còn có cả khẩu hiệu “nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun”.

Lại cũng có lần trên đường phố Pleiku căng một câu khẩu hiệu bảo vệ môi trường biển. Tức là “trên” gửi về thì làm và treo, không cần biết nó có hợp cảnh hợp người và hợp lý không?


Trở lại câu khẩu hiệu gây tranh cãi trên, nhiều trí thức, cả bác sĩ, phải tra... google thì mới hiểu nó nói gì? Bởi cái câu “mức sinh thay thế” ấy nó thuộc chuyên môn rất hẹp, chỉ người trong cơ quan ấy, hoặc đã được tập huấn mới hiểu, chứ người trần mắt thịt, kể cả các nhà văn nhà báo có khi cũng chịu, không biết nội dung nó nói gì? Vậy treo lên có tác dụng gì không? Nhất là lại treo ở một tỉnh miền núi cao nguyên, trình độ dân trí chưa cao?

Lại nhiều câu khẩu hiệu bất chấp ngữ pháp Việt, câu cụt câu què câu thiếu... khiến các em học sinh ngơ ngác, ơ ở trường cô dạy một đường mà khẩu hiệu lại một nẻo, thế theo ai?

Nhiều bạn đọc cung cấp cho chúng tôi một số câu khẩu hiệu... hại não nữa, ví dụ: “Nói không với xâm hại trẻ em”. “Lễ phát động "phong chào" đọc sách”. “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”. “Sống và làm việc phải có lương tâm và trách nhiệm. ĐỪNG BAO GIỜ “EM TƯỞNG”. “Xi nhan không phải là hâm/ Xi nhan để khỏi bị đâm vỡ đèn”. “Các em gái không thể tự mình mang thai. Các em trai và nam giới phải là một phần của giải pháp”. “Nếu yêu vợ, hãy xét nghiệm HIV mỗi năm 2 lần”. Ngay cái câu: “Gia đình 2 con vợ chồng hạnh phúc”, có nơi khi in ngắt qua hàng ở sau chữ vợ khiến nhiều người... ngơ ngác...

Lại còn vấn đề tài trợ. Một số khẩu hiệu rất trang trọng phía trên, phía dưới in tên nhà tài trợ với slogan của họ. Ví dụ “Hãy nói theo cách của bạn”, hoặc “Chỉ có thể là Heineken”... Là các doanh nghiệp tài trợ cho các cơ quan làm khẩu hiệu, và đương nhiên là họ có quyền đưa nhãn hàng kèm slogan của mình vào.


Bây giờ truyền thông rất hiện đại rồi, từ báo chí truyền hình, phát thanh, cả mạng xã hội tới các bảng điện tử, nên việc tuyên truyền bằng khẩu hiệu truyền thống cũng cần có những thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Tôi không phản đối khẩu hiệu, nhưng rõ ràng với kiểu khẩu hiệu như tôi dẫn ra, có vẻ như nó chưa phù hợp với đời sống, thậm chí nó chưa đúng yêu cầu khẩu hiệu khi mà người ta đọc xong thì... chả hiểu gì?

Và không chỉ khẩu hiệu, còn các pano, áp phích... dày đặc trên đường, trên phố nữa, cũng rất nhiều chuyện để bàn...


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook