Chuyện ít biết về hồ nước “tử thần” nơi vừa xảy ra vụ rơi máy bay ở Tanzania

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 12:02:58

Số người chết cao làm cho hồ Victoria trở thành vùng hồ nước nguy hiểm nhất trên thế giới.

Mới đây, ít nhất 19 người đã thiệt mạng khi máy bay của Precision Air gặp sự cố giữa lúc đang cố hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Bukoba, Tanzania hôm 6/11. Chuyến bay PW494 do Precison Air vận hành đã rơi xuống hồ Victoria vào thời điểm bão và mưa lớn.

Hiện trường vụ máy bay rơi xuống hồ Victoria.

Hồ Victoria là hồ nước ngọt lớn thứ hai của thế giới và lớn nhất ở châu Phi, đồng thời cũng là vùng nước nguy hiểm nhất thế giới.

Với diện tích 69.000 km2, chu vi 3.440 km, hồ nằm trong vùng thuộc biên giới các quốc gia Uganda, Kenya và Tanzania. Nửa phía bắc thuộc Uganda, nửa phía nam thuộc Tanzania và một phần đông bắc thuộc Kenya.

Hình ảnh hồ Victoria chụp từ vệ tinh vũ trụ.

Hồ được tạo thành từ một vết nứt lớn gần đường xích đạo nằm giữa phía đông và phía tây của thung lũng Great Rift, trên mặt hồ có khá nhiều các quần đảo nhỏ. Ngoài ra, xung quanh hồ còn có nhiều di tích thời tiền sử. Điều đó chứng tỏ rằng, vào thời xa xưa, nơi đây đã từng có cộng đồng dân cư sinh sống với các hoạt động nông nghiệp khá phong phú.

Những thông tin đầu tiên ghi nhận về hồ Victoria là từ một thương nhân người Ả Rập chuyên buôn bán vàng, ngà voi, và nô lệ. Từ những năm 1160, người ta đã bắt đầu thiết lập những mảnh bản đồ về hồ Victoria, miêu tả khá rõ ràng, lúc này, hồ được biết đến như một nhánh đổ ra sông Nile theo dòng chảy tự nhiên (hiện tại người ta phát hiện ra hồ Victoria chỉ là nơi bắt nguồn của sông Nin Trắng, một trong hai nhánh lớn của sông Nin hùng vỹ).

Hồ Victoria.

Trải dài 3 nước Đông Phi Uganda, Tanzania và Kenya, hồ Victoria trong nhiều thế kỷ là một nguồn sống quan trọng đối với hàng triệu người dân sống dọc theo bờ rộng lớn của nó. Victoria cung cấp sinh kế cho hầu hết các ngư dân và doanh nghiệp nằm rải rác hai bên bờ hồ.

Tuy nhiên, hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chết người, trở thành hồ nước nguy hiểm nhất thế giới.

Khung cảnh tĩnh lặng trên hồ Victoria nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ đáng sợ. (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân ban đầu được cho là do hồ Victoria có điều kiện thời tiết khắc nghiệt và điều này có thể dẫn đến những thay đổi cực đoạn như nhiều cơn giông lớn diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn và nguy hiểm.

Mặt khác, do một số lượng lớn người dân địa phương thường kiếm sống từ việc đánh bắt cá trong hồ Victoria nên khi thời tiết thay đổi, nhiều chiếc thuyền bị lật, trong khi đó, nhiều tàu, phà chở các hành khách cũng bị mắc kẹt, do điều kiện thông tin liên lạc nghèo nàn và thiếu trang bị áo phao.

Nhiều người khó bơi được vào bờ trong điều kiện nước sâu và tình hình thời tiết biến động trong hồ do thiếu trang bị áo phao và các thiết bị bảo hộ khác. Trên thực tế, nhiều người dân trong khu vực cũng không biết bơi hay bơi giỏi.

Trong quá khứ từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lật phà nguy hiểm ở hồ Victoria. Đáng chú ý là vụ việc nguy hiểm nhất trong những thập kỷ gần đây là vào tháng 5/1996, khiến khoảng 800 người chết sau khi một chiếc phà bị lật trên hành trình di chuyển đến Mwanza ở Tanzania.

Nhiều người còn gọi Victoria là hồ nước “tử thần” ở Tanzania.


Theo thông tin trên trang web của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) được đăng tải nhiều năm trước đây, một số nghiên cứu cho rằng các mô hình thời tiết trên hồ nước ngọt Victoria rất dễ thay đổi, với tình trạng nhiều trận gió mạnh trong vùng lân cận của những cơn giông đột nhiên xuất hiện khiến sóng dâng cao và có khả năng lật úp nhiều thuyền đánh cá nhỏ.

“Hồ nước rất nguy hiểm. Bạn có thể ngồi trên thuyền mà không biết độ sâu ở vùng nước đó như thế nào. Khi bị rơi xuống nước, bạn có thể thiệt mạng cho dù biết bơi”, Sam Kabonge, một ngư dân sống ở đảo Bugala trong hồ Victoria chia sẻ.


Ông Sam Kabonge cho hay, không phải tất cả ngư dân đều đủ khả năng trang bị cho mình áo phao. Trong khi đó, những con thuyền nhỏ và ọp ẹp của họ khó có thể chống chọi với các con sóng lớn bất thường trong hồ. “Có nhiều lúc, ở giữa hồ khi mặt nước đang tĩnh lặng, thì đột ngột giông tố nổi lên, mưa to gió lớn. Khi đó, điều tồi tệ sắp xảy đến bởi những chiếc thuyền của chúng tôi không thể trụ nổi trước sóng dữ. Hậu quả là một số bị vỡ, còn những chiếc khác bị lật”, Kabonge nói .

Cip: Hiện trường vụ máy bay rơi xuống hồ Victoria. (Theo báo Giao thông).


Quốc Tiệp (t/h)

Chia sẻ Facebook