Chuyện hy hữu! Hai phi công nghi ngủ gật khiến máy bay hạ cánh muộn màng
Trong tuần qua, hai phi công của hãng hàng không lớn nhất châu Phi là Ethiopian Airlines được cho là đã ngủ gật trong chuyến bay chở khách từ Sudan đến Ethiopia. May mắn là cuối cùng máy bay cũng đã hạ cánh an toàn.
Theo trang tin Aviation Heard, sự việc xảy ra khi hai phi công ngủ quên trên máy bay chở khách Boeing 737-800 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines mang số hiệu ET-343 khởi hành từ Khartoum (Sudan) đến thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).
Trạm kiểm soát không lưu đã phát hiện máy bay ở rất gần đường băng hạ cánh nhưng không có dấu hiệu giảm độ cao để chuẩn bị tiếp đất. Họ đã cố gắng liên lạc với phi hành đoàn rất nhiều lần nhưng đều không thành công. Trong lúc đó, máy bay vẫn đang duy trì ở độ cao khoảng 11.000 mm.
Sau khi bay ngang qua đường băng hạ cánh, chế độ lái tự động ngắt kết nối và chuông báo động đã đánh thức hai phi công tỉnh dậy. Họ đã nhanh chóng ngay lập tức đưa máy bay quay trở lại và hạ cánh an toàn khoảng 25 phút sau đó.
Trong một tuyên bố từ Hãng hàng không Ethiopian Airlines hôm 19/08 vừa qua đã xác nhận rằng họ đã nhận được một báo cáo cho thấy chuyến bay mang số hiệu ET-343 từ Khartoum đến Addis Ababa tạm thời bị mất liên lạc với Cơ quan Kiểm soát Không lưu tại Addis Ababa hôm 15/08. Chuyến bay sau đó đã hạ cánh an toàn và không có ai bị thương. Hiện phi hành đoàn đang bị đình chỉ bay để chờ điều tra thêm.
Đây không phải trường hợp đầu tiên phi công ngủ quên trong chuyến bay ở chế độ tự lái. Một sự cố tương tự mới xảy ra gần đây vào hồi tháng 05/2022, theo tờ Repubblica của Ý đưa tin, chiếc Airbus A330 chở 250 hành khách khởi hành từ New York đến Rome của hãng hàng không ITA Airways đã bị mất liên lạc với Trạm Kiểm soát không lưu trong suốt 10 phút vì hai phi công “ngủ gật” khi máy bay đang ở độ cao 11.500m. Cơ trưởng chuyến bay này sau đó đã bị sa thải.
Trà Vân (t/h)
Từ dẫn đầu, sân bay Hồng Kông rớt khỏi top 10 vì theo Zero-COVID như Bắc Kinh
Sân bay Changi của Singapore đã leo lên vị trí số 1 trong khi Hồng Kông kể từ khi theo đuổi Zero-COVID như Trung Quốc đã rớt từ dẫn đầu xuống vị trí gần 30.