Chuyển hướng dòng tín dụng từ “xám” sang “xanh”
Thị trường tài chính xanh còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh, đặc biệt là các sản phẩm tài chính mới như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh...
488.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Thực tế, ngay trước thềm Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, trong đó đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.
Trao đổi với Người Đưa Tin , Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định: “Những chủ trương, đường lối của Nhà nước, Chính phủ về vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã rất rõ. Đặc biệt, trong những cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là gần đây với Hội nghị COP26 cũng đã đặt ra những chương trình, kế hoạch rất cụ thể, chi tiết cho tất cả các cấp, các ngành hành động vì vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm thải lượng carbon và đặc biệt là những chương trình hướng tới nền kinh tế xanh”.
Theo thống kê của NHNN, thời điểm cuối tháng 12/2022, dư nợ lĩnh vực tín dụng xanh của ngành ngân hàng đạt 488.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, trong khi tốc độ tăng tín dụng bình quân cả nước khoảng từ 15%.
“Có thể nói, đây là một trong những tốc độ tăng cao và một trong những định hướng về việc tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh tế xanh đang được triển khai một cách khá hiệu quả. Chúng tôi cho rằng đây là một định hướng rất lớn, là trọng tâm để thực hiện những mục tiêu, những yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ”, ông Tú nhìn nhận.
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho tín dụng xanh
Để thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh tăng tốc hơn nữa, lãnh đạo NHNN cho biết có 4 nội dung đặt ra cho ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.
Thứ nhất, phải xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng những nguồn lực của mình, hỗ trợ cho những chương trình, mục tiêu, dự án, những lĩnh vực của kinh tế xanh.
Cuối tháng 12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư 17 nhằm hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng xanh, đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành để xây dựng danh mục những dự án xanh, những chương trình xanh, trên cơ sở nghị định của Chính phủ cũng như những hướng dẫn của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Từ đó, chúng tôi đã có sự phối hợp để tạo được cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng để các tổ chức tín dụng mạnh dạn tập trung nguồn lực cho việc này”, ông Đào Minh Tú nhận định.
Thứ hai, NHNN đã ban hành chương trình hành động tổng thể cho toàn ngành, triển khai đến các ngân hàng thương mại, và các ngân hàng này cũng đã tích cực cho vay những chương trình đảm bảo được mục tiêu chống biến đổi khí hậu, ví dụ như những dự án trọng tâm quốc gia, kể cả những dự án của tư nhân, của các doanh nghiệp đảm bảo được những chỉ số, yêu cầu về môi trường và vấn đề chống biến đổi khí hậu, chống xả thải, giảm tỉ lệ carbon.
Thứ ba, ngành ngân hàng cũng đã và đang cùng với các Bộ, ngành khác vận động các tổ chức quốc tế, kêu gọi các nhà tài trợ có những nguồn lực đủ lớn, đủ thời gian dài để hỗ trợ những dự án có tính chất trọng điểm của Chính phủ, Nhà nước để thực hiện mục tiêu biến đổi khí hậu và cam kết quốc tế về những lĩnh vực hướng tới nền kinh tế xanh.
Thứ tư, theo Phó Thống đốc, việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động ngành ngân hàng, từ đó giảm bớt được rất nhiều thủ tục, quy trình để đảm bảo thực hiện mục tiêu về tín dụng xanh một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Ngoài ra, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chuyển đổi số ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, ngoài việc tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay lĩnh vực tín dụng xanh, việc triển khai chương trình có hiệu quả và thể hiện cam kết rõ nét của Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện thu hút được nguồn lực của nước ngoài tài trợ những dự án đó.
Về những hỗ trợ khác về mặt thủ tục, lãi suất, thời gian hoặc là nguồn vốn có tính chất trung, dài hạn, NHNN cũng đã và đang đặt ra cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở khả năng vốn và quy mô của từng ngân hàng.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt vai trò, trách nhiệm nặng hơn đối với ngân hàng có vốn Nhà nước, nhất là cấp tín dụng cho những dự án lớn sẽ có những sự quan tâm, hỗ trợ cho những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, để họ có điều kiện tốt hơn và hoàn thành được mục tiêu của mình”, ông Tú nêu rõ .