Chuyên gia y tế thế giới: Đậu mùa khỉ không gây đại dịch như COVID-19

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 15:58:43

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó virus gây bệnh COVID-19 rất dễ lây lan, có thể chỉ qua nói chuyện.

Hình ảnh phóng đại một phần mô da, được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ bị nhiễm virus đậu mùa khỉ - Ảnh: REUTERS

Giới chức y tế trên toàn thế giới đang chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh thường thấy ở Trung và Tây Phi nhưng đã xuất hiện khắp châu Âu và Mỹ trong những tuần gần đây, thậm chí ở cả những người chưa từng tới châu Phi.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng rất ít khả năng virus gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra đại dịch trên toàn thế giới như virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, song khuyến nghị giới chức y tế các nước cần theo dõi virus này.

Tiến sĩ Rosamund Lewis, trưởng bộ phận phòng bệnh đậu mùa thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ "bệnh đậu mùa khỉ không giống như bệnh COVID-19".

Theo giới chức y tế, khả năng lây lan bệnh đậu mùa ít hơn nhiều so với COVID-19. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi phát hiện căn bệnh này ở người cách đây hơn 50 năm. Bệnh này tương tự bệnh đậu mùa, có nghĩa là có thể phòng chống được bằng các biện pháp phòng chống đậu mùa.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm thuộc WHO, nêu rõ: "Lây nhiễm đậu mùa khỉ thực sự xảy ra từ việc tiếp xúc gần với cơ thể, da chạm da. Điều này hoàn toàn khác sự lây lan của COVID-19".

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban thường bắt đầu trên mặt rồi sau đó lan sang tay chân và các bộ phận khác của cơ thể.

Tiến sĩ Boghuma Kabisen Titanji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và virus tại Đại học Emory ở Atlanta, nhận định: "Thời kỳ ủ bệnh từ lúc nhiễm tới lúc xuất hiện triệu chứng là từ 5 đến 21 ngày, đây là một khoảng thời gian dài".

Tiến sĩ Jennifer McQuiston thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người có nguy cơ lây nhiễm nhất là người tiếp xúc cá nhân gần với người mắc bệnh, như nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân.

"Trong nhiều năm chúng ta đã thấy rằng cách tốt nhất đối phó với căn bệnh này là cách ly người bệnh để tránh lây lan cho các thành viên gia đình, và chủ động liên hệ với những người đã có tiếp xúc với người bệnh để họ có thể theo dõi nếu xuất hiện các biểu hiện mắc bệnh", bà nói.

Những người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường bình phục sau 2-4 tuần và tỉ lệ tử vong chưa tới 1%.

Theo nhà nghiên cứu bệnh dịch Jo Walker của Trường Y tế công cộng Yale, mặc dù số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trong thời gian gần đây là đáng báo động, song virus gây bệnh này ít lây lan hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2.

Ông cho biết từ khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, phần lớn các dự báo cho rằng hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) của căn bệnh này là chưa tới 1. Điều này có nghĩa là có thể xuất hiện các ổ dịch, thậm chí bùng phát thành dịch bệnh, song bệnh cuối cùng có thể tự biến mất. Đây là lý do giới chức y tế công cộng, trong đó có WHO tin rằng số ca mắc sẽ không tăng vọt bất ngờ.

Do bệnh đậu mùa khỉ có liên quan gần gũi với bệnh đậu mùa nên đã có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa. Bệnh đậu mùa từng làm hàng triệu người tử vong mỗi năm đã bị "xóa sổ" vào năm 1980 nhờ chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới.

Vắc xin phòng bệnh đậu mùa có tác dụng phòng ngừa 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, dù hiệu quả của vắc xin giảm dần theo thời gian. Một số nước, trong đó có Mỹ, đã tích trữ vắc xin phòng đậu mùa trong trường hợp bệnh này xuất hiện trở lại, nay có thể sử dụng vắc xin này để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ Facebook