Chuyên gia tâm lý ĐH Harvard: 3 nguyên tắc dạy trẻ phát triển trí tuệ, cha mẹ nên biết!
3 nguyên tắc cơ bản nuôi dạy con phát triển trí tuệ tốt nhất từ chuyên gia tâm lý hàng đầu của Đại học Harvard.
Theo đó, giáo sư Lisa Feldman Barrett - người đứng đầu Trung tâm trí não và hành vi của Đại học Harvard với nhiều năm nghiên cứu về tâm lý hành vi cho biết, bên cạnh yếu tố di truyền thì môi trường cùng phương pháp nuôi dạy của cha mẹ khi giúp con nhận thức về thế giới xung quanh cũng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên sự phát triển toàn diện về trí tuệ của trẻ sau này.
Từ nhận định này, giáo sư Lisa Feldman Barrett cũng đã nghiên cứu và rút ra 3 nguyên tắc nuôi dạy con phát triển trí tuệ tốt nhất , cha mẹ nên tìm hiểu hiểu và áp dụng phù hợp vào độ tuổi từ 2 - 7 tuổi.
Lisa Feldman Barrett còn là giáo sư danh dự tại Đại học Northeastern, đồng thời là tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng "Bảy bài học rưỡi về Não bộ" và "Cách cảm xúc được tạo thành".
Nguyên tắc 1: Cha mẹ hãy là thợ làm vườn, đừng trở thành người thợ mộc!
Cùng là nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, tuy nhiên người thợ mộc và người thợ làm vườn luôn có phương thức khác nhau để tạo nên các "tác phẩm nghệ thuật" của mình.
Trên thực tế, thợ mộc là công việc cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và độ chính xác cao. Chính vì vậy trong quá trình chế tác, để tạo ra sản phẩm tinh xảo, người thợ mộc đặc biệt chú trọng tới từng tiểu tiết. Ngược lại, người thợ làm vườn lại cần có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn để có thể phân chia khu vườn, tiếp đó ươm mầm cây và chăm sóc sao cho cây cối phát triển tươi tốt và tự nhiên nhất có thể.
Thông qua phép "ẩn dụ" về 2 nghề nghiệp đặc biệt kể trên, giáo sư Lisa Feldman Barrett cho biết, công việc của người thợ mộc và người làm vườn thực chất là chính là phương pháp nuôi dạy con của các bậc phụ huynh hiện nay.
Nhiều gia đình, vì mong muốn con lớn lên trở nên tài giỏi trong một ngành nghề hoặc lĩnh vực nào đó mà ngay từ khi còn nhỏ đã vô cùng chú trọng việc đầu tư và cố gắng cho con học theo những gì tốt nhất cho con. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp nuôi dạy này của một số bậc phụ huynh lại vô tình khiến con bị "ép" vào 1 khuôn khổ nhất định, điều này khiến con bị bó hẹp không gian phát triển, hạn chế con tìm hiểu thế giới xung quanh từ đó khiến con khó lòng tìm được niềm yêu thích và ước mơ của mình sau này.
Chính vì vậy, giáo sư Lisa Feldman Barrett cho biết, phương pháp nuôi dạy con tốt nhất chính là việc cha mẹ trở thành một "người thợ làm vườn". Với tầm nhìn của mình, cha mẹ ươm những mầm cây thích hợp vào từng độ tuổi của con, sau đó để con phát triển một cách tự nhiên. Việc của cha mẹ là đứng phía sau quan sát và nhẹ nhàng uốn nắn và định hướng con ở mức độ vừa đủ, để con vẫn có không gian phát triển tự nhiên nhất nhưng không đi lầm đường.
Nguyên tắc 2: Để con tiếp xúc an toàn với nhiều người nhất có thể
Theo nghiên cứu, việc cha mẹ để con có cơ hội được ra bên ngoài không gian sống và tiếp xúc với nhiều người khác nhau sẽ giúp con trở nên mạnh dạn, tự tin và dễ dàng tiếp thu những ngôn ngữ khác một cách nhanh chóng trong tương lai.
Chính vì vậy, thay vì cha mẹ bó buộc con trong 4 bức tường, hàng ngày chỉ gặp gỡ những gương mặt quen thuộc, thì ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên dành thời gian đưa con ra ngoài nhiều hơn để con có không gian vui chơi và có cơ hội tiếp xúc nhiều người. Việc này không chỉ giúp con phát triển thể lực mà còn giúp hình thành khả năng giao tiếp, mở rộng thế giới quan của con ngay từ khi con còn nhỏ.
Nguyên tắc 3: Trò chuyện và đọc sách cho con nghe thật nhiều
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ khi chỉ mới có vài tháng tuổi, dù trẻ vẫn chưa hiểu được nghĩa của một "từ" thì não bộ của trẻ vẫn có khả năng tiếp nhận từ ngữ đó liên tục. Do đó, việc cha mẹ hàng ngày trò chuyện hay đọc sách cho con nghe sẽ giúp con tiếp nhận thông tin và ngôn ngữ một cách bị động nhưng lại là nền tảng cực kỳ tốt cho việc phát triển trí tuệ sau này.
Chính vì vậy, hàng ngày cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện hay đọc sách cho con nghe để con tích lũy dần vốn từ vựng, tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng đọc hiểu giúp con tạo nền tảng tốt cho quá trình học tập sau này.
Theo Tiểu Lam
Trí Thức Trẻ