Chuyên gia tài chính phân tích tình hình kinh tế giữa Đài Loan và Hàn Quốc
Chuyên gia kinh tế tài chính Tạ Kim Hà đã phân tích sự phát triển của Đài Loan và Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gần đây đã nói về vấn đề Đài Loan, gây ra sự đối đầu gay gắt giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Chuyên gia kinh tế tài chính Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho) đã phân tích sự phát triển của Đài Loan và Hàn Quốc trong những năm gần đây, thẳng thắn nói rằng: “Trước đây chúng ta sùng bái Hàn Quốc, nhưng ngày nay Hàn Quốc ngưỡng mộ Đài Loan”. Ngoài ra, gần đây ông cũng nói về việc Đài Loan nên tự đứng vững như thế nào trong kỷ nguyên phân cực và đối đầu mới này.
Ông Tạ Kim Hà đã chỉ ra trong một bài đăng trên Facebook rằng từ thời bà Park Geun-hye đến thời ông Moon Jae-in, trong những năm gần đây, Hàn Quốc coi Trung Quốc là một thị trường tiềm năng và rộng lớn. Năm 2015, khi Trung Quốc và Hàn Quốc ký kết FTA (Hiệp định thương mại tự do), có 22 ngành công nghiệp và hơn 90% sản phẩm được miễn thuế, người dân Hàn Quốc vui mừng, nhưng Đài Loan, vốn luôn cạnh tranh gay gắt với Hàn Quốc, lại vô cùng đau đớn, cộng thêm việc khi đó Đài Loan bùng phát đấu tranh chống thương mại dịch vụ (phong trào sinh viên phản đối Hiệp định thương mại dịch vụ giữa Trung Quốc và Đài Loan, tháng 3/2014). Khi đó, nhiều chính trị gia đã đứng lên và nói rằng Đài Loan đã tự đào mồ chôn mình.
“FTA Trung Quốc – Hàn Quốc, Đài Loan xong rồi! Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa thậm chí còn chỉ ra rằng Đài Loan sẽ kết thúc sau 10 năm nữa! Các ngành công nghiệp đang kêu trời, có người cho rằng Đài Loan sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp, FTA Trung – Hàn giống như một con dao lớn, giết người ngay tại cửa nhà! Giới công nghiệp của Đài Loan vừa run rẩy vừa chờ đợi.”
“Truyền thông Hàn Quốc đang đặt câu hỏi tại sao ông Buffett không đầu tư vào Samsung? Họ cũng đặt câu hỏi về khoản đầu tư của ASML vào Hàn Quốc, nhưng số tiền đầu tư vào Đài Loan gấp 4 lần so với Hàn Quốc.”
Ông Tạ Kim Hà cho rằng trước đây, người Đài Loan rất sùng bái Hàn Quốc, nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều, Hàn Quốc vốn chịu áp lực lớn gần đây ngược lại lại ngưỡng mộ Đài Loan, vì Hàn Quốc đã trải qua 3 thay đổi lớn kể từ năm 2015:
Thứ nhất, FTA Trung Quốc – Hàn Quốc đã chuyển từ vỏ bọc đường sang thuốc độc. Năm 2018, Hàn Quốc xuất siêu 55,64 tỷ USD, đạt mức cao kỷ lục, nhưng kể từ đó con số này lại giảm dần qua từng năm, năm ngoái lần đầu tiên xuất hiện nhập siêu sau 13 năm, điều cốt lõi là sự nghịch chuyển thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Trong quý đầu tiên của năm nay, Hàn Quốc đã nhập siêu 7,839 tỷ USD từ Trung Quốc. Sau khi ký kết FTA Trung Quốc – Hàn Quốc, các sản phẩm của Trung Quốc đã tận dụng mức thuế thấp và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc, vật liệu hóa học, máy tính cá nhân, pin, máy công cụ, v.v. của Trung Quốc đều như đại quân tiến sát biên giới.
Thứ hai, kể từ năm 2003, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vượt qua Đài Loan, tệ nhất là Đài Loan kém hơn 10.000 đô la Mỹ, đến năm ngoái thì hai bên mới bằng nhau. Xét về đô la Mỹ, Đài Loan vẫn nhỉnh hơn Hàn Quốc một chút, đây là một bước ngoặt lớn.
Thứ ba, Samsung – công ty cũng mang vai trò “hộ quốc thần sơn “, đã bị sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng trong hai năm qua, lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics trong quý đầu tiên là 600 tỷ won và lợi nhuận ròng của TSMC là 206,99 tỷ Đài tệ, đổi sang đồng đô la Mỹ thì Samsung là 452 triệu USD, TSMC là 6,764 tỷ USD. Trong quý 4 năm ngoái, TSMC là 295,9 tỷ Đài tệ, còn của Samsung là 270 tỷ won, khoảng cách giữa hai bên thậm chí còn lớn hơn.
Đài Loan chọn phe như thế nào?
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy nhanh sự phân chia thế giới thành hai phe: chuyên chế độc tài và tự do dân chủ. Ông Tạ Kim Hà cho biết, khi bắt đầu cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động năm 2017, nhiều doanh nhân nặng ký ở Đài Loan đã đứng lên và nói: Hai con voi đang đánh nhau, Đài Loan không được chọn bên. Bây giờ mọi người đang dần phát hiện ra rằng thế giới đang chia thành hai phe với tốc độ ngày càng nhanh, hơn nữa việc chọn phe này đang ảnh hưởng từ quốc gia, dần dần cho đến doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hiện tại ngay cả cá nhân cũng bị cuốn vào. Đây không phải là do bạn đã thay đổi, mà do cục diện chính trị quốc tế đang diễn ra những thay đổi lớn.
Chỉ trong tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Thủ tướng Canada Trudeau và cũng đến Vương quốc Anh để gặp Thủ tướng Sunak, Ngoại trưởng Blinken đã đến cuộc họp của các ngoại trưởng G7 để củng cố lại mối quan hệ thành viên liên minh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky… Ngoài ra, lần này Trung Quốc và Nga đã thắt chặt liên minh, đồng thời Mỹ cũng ám chỉ việc Trung Quốc bí mật bán chip và vũ khí cho Nga. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez đến thăm Trung Quốc, sau đó là Tổng thống Pháp Macron gửi một món quà lớn, bà Von der Leyen và ông Macron cùng đến thăm Trung Quốc nhưng bà Von der Leyen bị đối đãi lạnh nhạt.
Ông Tạ Kim Hà chỉ ra rằng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, ông Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế trưởng của Financial Times, đã dự đoán rằng thế giới trong tương lai sẽ là kỷ nguyên đối đầu giữa chế độ độc tài và dân chủ tự do. The Economist cũng liệt kê 10 xu hướng lớn trên thế giới, một trong số đó là việc đặt chân trên hai con thuyền sẽ ngày càng khó khăn hơn, đây là thời đại của việc chọn phe.
Ông Quách Đài Minh (Terry Gou), chủ tịch của Foxconn, đang chuẩn bị tranh cử tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ông kết thúc chuyến thị sát tại Nhật Bản và phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Đài Loan có thể thoát khỏi việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, đi con đường giữa (trung dung) của bản thân mình trong kỷ nguyên đàm phán lớn. Nhưng ông Tạ Kim Hà cho rằng trong kỷ nguyên phân cực và đối đầu mới này, Đài Loan có thể không có khả năng này.
Ông Tạ Kim Hà cho rằng cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan cũng sẽ thể hiện kiểu đối đầu phân cực này, ngoài việc buộc phải chọn phe trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, các cá nhân cũng sẽ chọn phe mà không biết, giống như chuyến dừng chân của Tổng thống Thái Anh Văn tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, sự kiện cựu Tổng thống Mã Anh Cửu về quê (Trung Quốc Đại Lục) thăm người thân vào cùng thời điểm, và họ cũng đưa ra một kịch bản hai cực đối lập.
Ông chỉ ra rằng “các lập luận thân Trung Quốc và thân Mỹ cũng sẽ có sự khác biệt phân cực”. Thân Trung Quốc là chống Mỹ, Đông thăng Tây giáng, sự suy giảm của đồng đô la Mỹ và quyền bá chủ của Mỹ là tác nhân chính. Một lập luận cốt lõi khác cực kỳ coi thường Đài Loan, nói Đài Loan chẳng ra gì. Thân Mỹ là chống Trung Quốc, lạc quan về Mỹ và Đài Loan, và bi quan về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc… “Kiểu đối đầu lưỡng cực này có thể kéo dài, mỗi chúng ta sẽ khó vượt qua những hạn chế của hoàn cảnh chung này.”
Hạ Trân, Vision Times
Cao Nghĩa: Nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã cạn kiệt tài chính Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt là 3 năm zero-COVID, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp khủng hoảng tài chính.